Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ tư, 04/09/2024 - 20:42
(Thanh tra) - Tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 vào chiều 4/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm dự báo, cường độ bão số 3 (Yagi) có thể mạnh cấp 15 và không loại trừ khả năng mạnh lên thành siêu bão (cấp 16). Cơ quan này đang xem xét nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (mức thảm họa).
Bão số 3 có thể mạnh thành siêu bão, khả năng cảnh báo lên mức thảm họa. Ảnh: KTTV
Theo ông Khiêm, lúc 14h chiều nay (4/9), bão số 3 đang ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118 - 133km/h), giật cấp 15.
"Sau khi vào Biển Đông, trong vòng hơn 24 giờ, cường độ bão đã tăng 4 cấp. Hiện nay, nhiệt độ nước biển đang rất cao, các điều kiện khí quyển cũng rất thuận lợi để bão mạnh lên. Trong 24 - 48 giờ tới, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh lên cho đến khi áp sát vùng biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc)", ông Khiêm nói.
Theo ông Khiêm, các dự báo của Việt Nam và quốc tế tương đối thống nhất về mặt quỹ đạo di chuyển và cường độ. Hầu hết các dự báo quốc tế đều nhận định bão tăng cường độ lên cấp 15, có đài dự báo cường độ bão đạt cấp siêu bão (cấp 16).
"Trong bản tin 11h trưa nay, Việt Nam đã cập nhật trong 24 - 36 giờ tới, bão số 3 có khả năng mạnh lên cấp 15.
Với tình hình như hiện nay, có những phương án tính toán gió bão có thể đạt cấp 16, thậm chí cấp 17 thì gây tác động rất lớn.
Do vậy trong chiều đến tối nay, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đang xem xét, nếu các tính toán đồng thuận, tin cậy thì chúng tôi có khả năng cập nhật dự báo bão số 3 có thể đạt cấp siêu bão (gió mạnh cấp 16).
Trong trường hợp cường độ bão mạnh lên cấp 16 thì các phương án chỉ đạo của chúng ta sẽ phải thay đổi, vì khi đó chúng tôi sẽ cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 5 (rủi ro thiên tai ở mức thảm họa)", ông Khiêm nói.
Ông Khiêm cho biết, dự báo đến 14h chiều 4/9, khoảng đêm ngày 6 đến rạng sáng 7/9, bão số 3 sẽ vào vịnh Bắc Bộ với cường độ mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 15 và hướng vào ven biển các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 12.
Từ ngày 7 - 9/9, ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.
"Mưa lớn và gió mạnh trên đất liền ở Việt Nam phụ thuộc vào hướng di chuyển của bão, nếu bão đi lệch lên phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) thì tác động sẽ giảm", ông Khiêm nói và cho biết dự báo còn khoảng 54 giờ nữa bão mới tiếp cận bờ, nên vẫn còn có những thay đổi về cường độ, hướng di chuyển, người dân và cơ quan chức năng cần theo dõi sát các dự báo.
Về tác động của bão trên biển, ông Khiêm cho biết hôm nay ở khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - 14, giật cấp 17, biển động dữ dội.
Từ ngày 5 - 6/9, bão số 3 tiếp tục tăng cường độ, gió mạnh có thể đạt tới cấp 15, giật trên cấp 17 ở vùng gần tâm bão, cũng không loại trừ khả năng gió bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão) khi ở phía đông đảo Hải Nam.
Đối với đất liền, từ trưa đến chiều 7/9, từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là các tỉnh, thành trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão, có thể có gió mạnh từ cấp 9 - 11, giật cấp 13.
"Trường hợp bão đi lệch lên phía bắc thì tác động của bão sẽ thấp hơn, còn trường hợp xấu hơn, bão lệch xuống phía nam thì hoàn lưu bão sẽ bao trùm các tỉnh đồng bằng, thậm chí cả Hà Nội, Bắc Ninh cũng chịu ảnh hưởng", ông Khiêm nói thêm và nhấn mạnh nếu bão di chuyển đúng như dự báo hiện nay thì lượng mưa do bão số 3 khá lớn, có nơi trên 500mm.
Dự báo 14h ngày 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền
Tại cuộc họp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đánh giá cao sự chủ động của các địa phương và các bộ, ngành liên quan trong việc ứng phó, phòng chống bão.
Theo ông Hoan, tính từ năm 2014, đến nay chúng ta mới theo dõi một cơn siêu bão có cường độ rất lớn như bão Yagi.
"Ít có cơn bão nào mà các trung tâm dự báo quốc tế trùng khớp cả về phạm vi, cường độ, kịch bản hướng đi, tâm bão... như cơn bão này", ông Hoan nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần di dời bà con đến nơi an toàn khi cần thiết, nhất là các du khách ở đảo và người dân ở lồng bè.
Tùy theo kịch bản, nếu địa phương nào thấy cần thiết có thể cấm biển và thậm chí có thể cấm hoạt động liên quan đến đông người như họp chợ hay khai giảng...
Đồng thời tích cực tăng cường truyền thông các kỹ năng trong việc chằng chống nhà cửa, tránh trú bão an toàn.
Đối với các kênh truyền hình quốc gia, ông Hoan đề nghị cần đưa ra các tiến độ cập nhật hàng ngày về việc người và phương tiện đã tránh trú bão an toàn để từ đó "lộ" ra những thiếu sót nhằm giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.
Ông Hoan đánh giá, bão Yagi có thể tác động từ biển đến ven biển, vùng núi với phạm vi lớn từ Bắc Trung Bộ đến Nghệ An nên đòi hỏi tính chủ động của các địa phương.
Ông Hoan đề nghị các địa phương cần chủ động ứng phó bão số 3, bởi không còn nhiều thời gian. Các địa phương cần đưa ra các tình huống, kịch bản cụ thể để hạn chế rủi ro về tính mạng con người cũng như cơ sở kinh tế, hạ tầng.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, theo dự báo hiện nay, bão Yagi là cơn bão rất mạnh; đã rất lâu mới có một cơn bão mạnh như vậy với mức độ ảnh hưởng ở đất liền, trên biển và cả miền Bắc.
Theo ông Hiệp, khu vực bão đổ bộ là trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội nên nếu chủ quan thiệt hại sẽ rất lớn.
"Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng là tam giác phát triển, toàn bộ vùng trọng điểm nông nghiệp miền Bắc cũng ở vùng này. Theo thống kê khoảng 20.000 lồng cá; gần 1 triệu hecta lúa mùa, đến thời điểm này một nửa đang trổ bông, chỉ cần mưa ngập 24 giờ sẽ hỏng. Vụ Hè Thu còn khoảng 15ha chưa thu hoạch, chưa nói đến lượng rau màu bà con chuẩn bị cho tết rất lớn.
Trong vùng này, nếu bão đổ bộ lo lắng lớn nhất là ngập úng ở cả đô thị, đồng bằng và sạt lở ở miền núi", ông Hiệp nêu.
Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cung cấp thông tin dự báo sớm nhất có thể.
Theo dự báo, đến 14h ngày 7/9, bão Yagi sẽ đổ bộ đất liền. Chính vì thế, bản tin 14h ngày 5/9 sẽ rất quan trọng trong việc quyết định phương hướng chỉ đạo cũng như lên các phương án ứng phó.
Ông Hiệp đánh giá, nếu bão Yagi ở cấp hiện tại (cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4), sẽ lập ban chỉ đạo tiền phương, tính toán các kịch bản và phân công các bộ, ngành, đơn vị để kiểm tra; nhưng nếu bão ở cấp độ rủi ro thiên tai cấp 5 (cấp độ thảm họa), thẩm quyền sẽ cao hơn.
"Như báo cáo thì các tỉnh đang rất chủ động nhưng nhiều năm nay mới có một cơn bão lớn như vậy nên tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan. Trước hết, làm thế nào để hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản...", ông Hiệp nói và cảnh báo các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng đứng trước nguy cơ ngập lụt nếu xảy ra mưa lớn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Hoàng Nam
15:38 22/11/2024(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, sẽ kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường…
Hải Hà
21:28 20/11/2024Hoàng Nam
20:46 20/11/2024Uyên Phương
11:48 20/11/2024Hương Trà
14:31 19/11/2024Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng