“Ba nhiều” đem lại đổi thay

So với các huyện xa tít trong tỉnh, nghèo dường như có thể “vấp vào chân” ở bất cứ chỗ nào như Bảo Lâm, Bảo Lạc thì Quảng Uyên là huyện gần hơn cả. Tuy gần, nhưng xã Phúc Sen của huyện này lại rất ít đất nông nghiệp. Một xã, nằm ở vùng “thiên không thời, địa không lợi” sao lại có những con số đáng để người ta đáng ghi nhận đến vậy?

Dường như đoán định được những hồ nghi trong tôi, ông Lương Văn Lượng - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Xóa nghèo ở đây nhanh là cả một chiến lược, một sự tận tâm, tận sức của lãnh đạo và người dân Phúc Sen đấy.

Ngược về những năm trước, Phúc Sen là xã nghèo. Cùng với những chương trình, mà lớn nhất là chương trình xóa đói, giảm nghèo được đưa ra Phúc Sen cũng trăn trở lắm.

Làm gì, làm như thế nào để xóa nghèo là cái không dễ. Sau rất nhiều nghiên cứu, rất nhiều ý kiến đóng góp, dân có, cán bộ có, Phúc Sen mới “bật” được ra cái nghị quyết “3 nhiều” để mà dựa vào đấy mà có hướng thoát nghèo cho mình.

“3 nhiều” nghĩa là: Nhiều nghề, nhiều thu nhập và giảm nhiều hộ nghèo. Khi có “chiếc gậy chống” này, để nghị quyết được đưa vào vào thực tiễn, xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ khảo sát, ban phát triển thôn xóm.

Cùng với các ban này, kế hoạch điều tra, lập quy hoạch các xóm đã được triển khai. Từ việc điều tra, lập quy hoạch này, Phúc Sen mới biết mình thiếu và yếu cái gì, mạnh cái gì để tập trung triển khai.

Vì đất nông nghiệp hạn chế, để tận dụng các nguồn lực Phúc Sen đã lựa chọn đa dạng hóa ngành nghề, phát triển các hình thức thương mại và dịch vụ. Phúc Sen vốn là nơi có nghề rèn truyền thống, nhưng do thời gian dài không được chú ý nên nghề này hoạt động rất kém. Cùng với đó là không tạo ra được việc làm, thu nhập cho dân.

leftcenterrightdel
Rèn nông cụ là nghề mưu sinh và đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình ở Phúc Sen 

Bằng sự khôi phục, tạo điều kiện cho dân vay vốn mở rộng nghề, cùng với đó là việc thay đổi mẫu mã, tìm tòi thị trường nên nghề rèn - nghề truyền thống của người dân Phúc Sen đã “sống lại”.

Cùng tiếng quai búa, tiếng lửa reo nơi các bễ, hừng hực ngày đêm mà các sản phẩm rèn của Phúc Sen đã đi khắp nơi. Cùng đó là việc “giải phóng sức lao động” dư thừa của xã và thu nhập của bà con nông dân.

Hiện Phúc Sen có 6/10 xóm làm nghề rèn với 157 lò rèn, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Đến xã Phúc Sen vào mọi thời điểm trong năm, đâu đâu cũng nghe tiếng búa rền vang của nghề rèn. Có từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm, nghề rèn đang ngày một phát triển và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

Đang đập búa rèn dao, vợ chồng ông Nông Văn Học, Nông Thị Chang (xóm Phia Chang Dưới, xã Phúc Sen) cho biết, mỗi ngày rèn được từ 5 - 8 con dao. Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/con dao, gia đình ông thu được trên 300.000 đồng.

Tương tự, gia đình anh Nông Văn Hoan, ông Lương Văn Bạch (xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen), mỗi ngày trung bình làm được trên 15 con dao, thu nhập từ nghề rèn đạt trên 150 triệu đồng/năm...

“Việc lớn không bỏ, việc nhỏ  không sót”

Tuy nhiên, chỉ mỗi nghề rèn thôi thì không thể nói Phúc Sen “đổi đời” nhanh đến như vậy. Với phương châm nhiều nghề, nhiều thu nhập nên ngoài nghề rèn, Phúc sen còn mở rộng đan lát, làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

leftcenterrightdel
 Nhờ việc khôi phục lại nghề rèn truyền thống nên các mặt hàng của Phúc Sen đã đi khắp nơi

Các thợ có nghề được chiêu tập, cùng với đó là việc dậy dỗ và sự động viên, khích lệ dân nên nghề đan lát ở Phúc Sen cũng đã ngày một có tiếng. Song song với nghề rèn, nghề đan lát ở Phúc Sen hàng năm cũng đã đem một nguồn thu nhập rất cao cho các hộ dân.

“Việc lớn không bỏ, việc nhỏ không sót” là một trong những động lực mang tính tổng hợp để Phúc Sen vươn lên thoát nghèo nhanh chóng. Phát triển nghề thủ công, các hình thức thương mại và dịch vụ nhưng Phúc Sen vẫn không quên tới lợi nhuận của ruộng đất.

Vì đất ít nên vấn đề “dẫn thủy nhập điền” để phát triển ruộng nước cũng được Phúc Sen chú trọng. Tuyến mương Phja Chang - Khào đã được đầu tư nạo vét ngày đêm xối xả dẫn nước về các ruộng, nâng cao dần năng suất cho các thửa ruộng và đảm bảo vấn đề an ninh lương thực tại chỗ cho người Phúc Sen.

Rồi tuyến mương dài đến 2km được đầu tư, dẫn nước vào Lũng Sâu cũng đang hứa hẹn những cải tạo đồng đất nơi đây. Tới đây, những mảnh đất “đồng xanh, cỏ cháy” của Lũng Sâu sẽ được điều hòa bằng cụm kênh này, mở rộng thêm quỹ đất nông nghiệp cho Phúc Sen.

Ngoài cải tạo đất, việc chuyển đổi cây trồng, tạo hiệu quả và đa dạng các sản phẩm nông nghiệp cũng đã được Phúc Sen tính tới. Trong các mô hình chuyển đổi này, đáng ghi nhận nhất là việc đưa hàng chục ha sắn nguyên liệu giống mới cao sản vào trồng tại xã. Ngoài nghề rèn, nghề đan lát thì sắp tới việc đưa cây sắn vào cũng sẽ góp phần nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống cho các hộ dân ở Phúc Sen.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển nghề rèn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân xã Phúc Sen tiếp cận với các ngành nghề dịch vụ du lịch. Du khách đến Phúc Sen sẽ được trải nghiệm những ngành nghề truyền thống như nghề dệt vải chàm, nghề đan lát và nghề rèn của người Nùng An; trải nghiệm cuộc sống của người dân tại làng văn hóa du lịch Pác Rằng…

Theo thống kê, Làng Du lịch cộng đồng Pác Rằng mỗi năm thu hút trên 1.000 lượt khách du lịch, đón 300 - 450 lượt khách nước ngoài đến trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc Nùng An. Qua đó, nguồn thu nhập của người dân tăng đáng kể.

Đưa tôi ra con đường liên xã vừa được cải tạo, phẳng phiu bê tông đổ, chỉ chiếc nhà văn hóa kiên cố đã được đưa vào sử dụng, ông Lương Văn Lượng - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Sau gần 20 năm, Nghị quyết “ba nhiều” vẫn còn nguyên giá trị, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đưa cuộc sống đồng bào dân tộc xã Phúc Sen ngày càng ấm no. Hiện xã Phúc Sen có thu nhập bình quân đạt trên 25 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6%...

Song Nguyên