Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, ngành NN&PTNT những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Tuy nhiên theo đánh giá, nhận định của các cơ quan chuyên môn, sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Sản xuất nông nghiệp đã và đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn đất, nước, tác động xấu đến hệ sinh thái nói chung, hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn nói riêng và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe nhân dân. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là đích đến mà Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đã và đang phải hướng đến.
Cùng với đó, toàn ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị, trong đó có văn hoá và tài nguyên môi trường.
Như vậy, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện thực hoá các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng thế giới cũng như góp phần định hướng một ngành Nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.
Thông qua Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”, các ý kiến tham luận của các cơ quan, đơn vị tham gia khẳng định vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường; giới thiệu, quảng bá một số mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình du lịch nông thôn hiện nay; cùng nhau trao đổi, bàn về các giải pháp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn gắn với du lịch nông thôn nhằm thu hút, phát triển kinh tế cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trình bày ý kiến tham luận tại hội thảo, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á/ATI cho rằng, trong bối cảnh du lịch bền vững ngày càng trở nên cần thiết, việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp sạch không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh mới mà còn góp phần tăng cường phát triển bền vững cho các địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên là cập nhật và nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT và khuyến khích phát triển các quy trình trồng trọt và chế biến nông sản sạch. Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ và hệ thống kiểm soát chất lượng là thực sự cần thiết để đảm bảo sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.
Thách thức thứ hai liên quan đến việc tạo ra quy trình phân phối hiệu quả. Cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan như các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng và các đối tác du lịch để đảm bảo rằng sản phẩm nông nghiệp sạch có thể được tiếp cận và tiếp thị đúng đối tượng khách hàng. Hơn nữa, việc tạo ra các kênh hợp tác và đối tác thành công, bao gồm Travel Shopping, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ và thu hút khách du lịch.
Thách thức tiếp theo là xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch. Điều này yêu cầu việc tạo ra một thương hiệu mạnh mẽ và phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Hỗ trợ và đầu tư từ phía Bộ NN&PTNT là cần thiết để xây dựng các chương trình quảng bá và marketing hiệu quả, giúp khách hàng nhận biết và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, thách thức không thể tránh được là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong việc tiếp xúc và tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Để làm điều này, chúng ta cần đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch nông nghiệp, đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh hấp dẫn và tương tác cho khách du lịch.
Cuối cùng, việc xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả cũng là một thách thức quan trọng. Chúng ta cần thiết lập các chuẩn mực rõ ràng và công bằng, đồng thời theo dõi và đánh giá hiệu quả của các hoạt động du lịch kết hợp với nông nghiệp. Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các mô hình thành công và thay đổi cần thiết để đảm bảo du lịch bền vững.
Việc kết hợp du lịch với nông nghiệp sạch đòi hỏi sự hợp tác và cùng nhau đối mặt với các thách thức trên. Tuy nhiên, với sự đầu tư và tận dụng các cơ hội hợp tác, chúng ta có thể phát triển du lịch bền vững không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế mà còn bảo vệ và tôn vinh các giá trị văn hóa và môi trường của địa phương.