Nội dung này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại báo cáo gửi đến Chính phủ phiên họp thường kỳ ngày 6/7.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, có nhiều khởi sắc; phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng.

Trong tháng 6 có 15.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng 5. Tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong 6 tháng có 110,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,4%. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay qua làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp thấy khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao.

Đáng lưu ý, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính.

“Phần lớn các doanh nghiệp đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Về đầu ra, “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ lựa chọn lần lượt là 53,8% và 43,6%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Khó khăn nhất là giá nguyên liệu đầu cao, tiếp đó là vốn

Nêu chi tiết, theo bộ này, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải kho bãi, chi phí các dịch vụ tăng cao vẫn là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp với 27,4% doanh nghiệp lựa chọn.

Tiếp đó là vốn với 21,2% doanh nghiệp lựa chọn; 19,7% doanh nghiệp cho biết lãi suất vay vốn tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn cao.

18,1% doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu. Trong khi, 14,7% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phân tích theo ngành nghề, theo kết quả khảo sát, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%.

Cạnh đó, 31,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 27,9% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 22,3% gặp khó khăn do lãi suất vay vốn vẫn còn cao…

Với ngành xây dựng, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% số doanh nghiệp lựa chọn và “không có hợp đồng xây dựng mới với 46,9% doanh nghiệp lựa chọn.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/7. Ảnh: N.Bắc

Có 25,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn; 22,9% doanh nghiệp thiếu vốn; 17% gặp khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp.

Trong khi, ngành thương mại dịch vụ  gặp khó về “nhu cầu thị trường trong nước thấp” với 56,4% số doanh nghiệp lựa chọn và “tính cạnh tranh của thị trường trong nước cao” với 48,0% số doanh nghiệp lựa chọn.

Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cũng gặp khó khăn do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất sản phẩm dịch vụ và các chi phí kho, bãi tăng cao; lãi suất vay vốn cao; thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, quy trình đấu thầu còn phức tạp, chồng chéo.

47% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay

Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ kiến nghị của các doanh nghiệp.

Trong đó, 47% doanh nghiệp kiến nghị giảm lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Đi cùng là, cắt giảm điều kiện và thủ tục vay vốn với 29% doanh nghiệp kiến nghị.

30,5% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên, vật liệu; 35,4% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có các chính sách bình ổn giá nguyên, nhiên, vật liệu, giá dịch vụ đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị rút ngắn thời gian và cắt giảm quy trình thủ tục hành chính.

Về thị trường đầu ra, trên 27% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước; 21,4% doanh nghiệp kiến nghị cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Kết phiên phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/7, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp. Trong đó, ông lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Hương Giang