Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 250 khách mời là lãnh đạo các cấp Trung ương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và lãnh đạo các địa phương ở khu vực phía Nam như: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh… ; các hiệp hội; doanh nghiệp; chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, theo thống kê mới nhất, hiện Bình Dương có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày có 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ có 953 doanh nghiệp, cơ khí có 710 doanh nghiệp. Đây là cộng đồng doanh nghiệp cần kết nối, hợp tác thành chuỗi cung ứng to lớn, tạo ra giá trị kinh tế quan trọng cho nền kinh tế nâng tầm phát triển mới.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: A.X 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, để ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững, đặc biệt trước làn sóng dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam, xu thế mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư đang gia tăng và sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bình Dương đã xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ; ưu tiên mời gọi, thu hút hoặc mở rộng đầu tư những ngành nghề đang có tiềm năng lớn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao…

Riêng trong 8 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút gần 2,6 tỷ USD gồm 49 dự án mới, 13 dự án điều chỉnh tăng vốn và 131 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh hiện có 4.064 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 39,6 tỷ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sau TP HCM. 

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, Bình Dương đang tập trung rất mạnh mẽ thực hiện Đề án Thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, thể hiện ở việc ban hành và áp dụng nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, tập trung phát triển các dự án Khu công nghiệp theo hướng tập trung vào khoa học công nghệ, nghiên cứu hình thành Khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ, để thu hút tất cả doanh nghiệp…

Ông Phil Kyun Choi - Giám đốc phụ trách mảng điều hành doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, thời gian gần đây, chuỗi cung ứng đang chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, và một số nước khác. Tuy nhiên, không chắc liệu Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc sớm hay không. Bỡi vì, các nhà đầu tư FDI đánh giá, mặc dù Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn tồn tại những thách thức lớn như lực lượng lao động; ngành công nghiệp phụ trợ và chi phí logictics. Việc phát triển cụm công nghiệp được xem là giải pháp lý tưởng để Việt Nam giải quyết các thách thức lớn này để đón nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu…

leftcenterrightdel
Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam chia sẻ lý do vì sao chọn Việt Nam để đầu tư nhà máy tỉ USD. Ảnh: A.X 

Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn LEGO Việt Nam chia sẻ lý do vì sao lại chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á để xây dựng nhà máy tỉ USD.

Ông Preben Elnef cho biết, là một nhà đầu tư nước ngoài, trong hơn 1 năm qua Tập đoàn LEGO đã tiến khảo sát, nghiên cứu và đánh giá rất nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam và đã lựa chọn Khu công nghiệp VSIP III tại Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là địa điểm thực hiện dự án đầu tư trị giá gần 1 tỷ USD.

Việc lựa chọn Việt Nam, và cụ thể tỉnh Bình Dương được tập đoàn dựa trên nhiều yếu tố quan trọng như gần với người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; sự dồi dào về nhân công tay nghề cao; cam kết hỗ trợ đầu tư cho phát triển bền vững, cho phép chúng tôi vận hành một nhà máy trung hòa carbon; môi trường kinh tế và chính trị ổn định; tỉnh Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài sau TP. Hồ Chí Minh với 4.040 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 39 tỷ đô la Mỹ; có môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn đối với các dự án đầu tư chất lượng cao và quan trọng nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía lãnh đạo tỉnh và các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong phiên thảo luận, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistic, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương; các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào các địa phương; cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận để liên kết, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Chu Tuấn