Nhiều huyện không có mỏ đất

Tại nhiều cuộc họp bàn về các giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công do lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, nhiều địa phương đã nêu những vấn đề khó khăn vướng mắc, trong đó việc thiếu đất đắp là nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án. Đặc biệt, nhiều địa phương không hề có mỏ đất làm vật liệu san lấp đã ảnh hưởng đến việc thi công công trình.

Trong khi đó, việc tận dụng sản phẩm tận thu từ quá trình nạo vét lòng hồ để làm đất VLSL cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Dù vậy, nhiều công trình đã phải sử dụng nguồn đất này để đưa vào hồ sơ thiết kế nhằm giải quyết bài toán về đất đắp. Thế nhưng, từ tháng 10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc tạm dừng việc cấp phép đối với hoạt động nạo vét hồ chứa nước thủy lợi kết hợp thu hồi đất làm VLSL nhằm đánh giá tác động của việc nạo vét ảnh hưởng đến an toàn các công trình. Và việc này cũng “tạm dừng” gần 2 năm rưỡi qua.

Tại địa bàn huyện Gio Linh, dù thực hiện hàng loạt công trình, dự án từ nguồn vốn đầu tư công và kể cả các công trình trọng điểm của tỉnh nhưng không hề có một mỏ đất nào được cấp phép.

Ông Hoàng Chiến Công, Giám đốc Ban Quản lý Dự án, phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Gio Linh (Ban QLDA) chia sẻ, hiện địa phương có khoảng 20 dự án, công trình do huyện làm chủ đầu tư. Nhu cầu đất VLSL khoảng 600.000m3 nhưng việc cung cấp chỉ như “muối bỏ biển”.

leftcenterrightdel
 Thiếu đất làm VLSL, khiến tình trạng khai thác đất trái phép gia tăng và phức tạp trên địa bàn huyện Gio Linh. Ảnh: Minh Tân

Theo ông Công, để có đất san lấp cho các dự án, công trình, các nhà thầu phải mua đất nạo vét của các lòng hồ trên địa bàn hoặc mỏ đất được cấp phép từ huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

“Không có mỏ đất làm VLSL khiến cho việc thi công các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Nếu lấy đất nạo vét từ lòng hồ thì khối lượng không đủ vì phụ thuộc vào thời gian nạo vét, chất lượng có thể không đảm bảo. Còn nếu lấy đất từ các mỏ được cấp phép thì khoảng cách quá xa, làm tăng kinh phí thi công các dự án”, ông Công cho biết thêm.

Điều đó không chỉ dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp mà hệ lụy rõ nhất là việc trên địa bàn huyện Gio Linh luôn “nóng” về tình trạng khai thác đất trái phép. Hàng loạt vụ khai thác đất trái phép ở vùng phía Tây huyện Gio Linh được thông tin trên báo chí cũng như xử lý của cơ quan chức năng cũng không thể ngăn chặn tình trạng này.

Có lẽ, do áp lực tiến độ, một số nhà thầu đã “móc ngoặc” với “đất tặc” nhằm kịp thời thi công, bởi khi chưa có đất san lấp mặt bằng thì việc triển khai các hạng mục còn lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chưa kể, việc xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe đối với hành vi này.

Nhiều hệ lụy

Mới đây nhất, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 45 triệu đồng đối với ông Nguyễn Vĩnh (SN 1971), trú tại thôn Bến Hà, xã Linh Trường vì đã có hành vi hủy hoại đất làm biến dạng địa hình với diện tích 8.325 m2 tại thửa đất số 103, tờ bản đồ số 48, thôn Bến Hà. Toàn bộ diện tích đất đã được đào, sử dụng phương tiện cơ giới để khai thác đất trái phép.

Điều ngạc nhiên hơn, toàn bộ số đất khai thác trái phép này đã được cơ quan chức năng xác định phục vụ thi công Dự án Khu tái định cư xã Linh Trường do Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Gio Linh phục vụ Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, làm chủ đầu tư.

Theo ông Công, khối lượng đất được khai thác trái phép từ thửa đất của ông Vĩnh được vận chuyển vào dự án để san nền khoảng 23.000 m3. Hiện, vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ nhưng với những gì đang diễn ra, có thể thấy nhu cầu về đất làm VLSL cấp thiết như thế nào đối với các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 Để thi công Dự án Khu tái định cư Linh Trường phục vụ Dự án Cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, đã có khoảng 28.000m3 đất trái phép được đổ vào đây. Ảnh: Minh Tân

Ngược lại, tại một số địa phương, các chủ mỏ đất đã được cấp phép lại bất an khi các hợp đồng cung cấp đất làm VLSL ít ỏi, hoặc một số nhà thầu mua cho có lệ. Lượng đất bán ra chỉ nhỏ giọt dù thực tế nhu cầu rất lớn.

“Một số địa phương công trình nhiều, cần số lượng đất làm VLSL lớn nhưng mỏ đất lại xa nên sẽ tăng chi phí của nhà thầu. Bên cạnh đó, một số nhà thầu họ mua vài xe để che mắt đơn vị tư vấn, giám sát dự án, sau đó họ chở “đất lậu” để san nền vì gần hơn và có dấu hiệu mua hóa đơn để hợp pháp phần “đất lậu” nhằm thanh quyết toán công trình”, một chủ mỏ đất chia sẻ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương đã quy hoạch 66 mỏ đất làm VLSL với tổng tài nguyên dự báo trên 50,7 triệu m3. Vào năm 2022, địa phương này đã đấu giá 27 mỏ đất, có 16 mỏ trúng đấu giá, nhưng đến nay chỉ có 10 mỏ đất làm VLSL trúng đấu giá nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò đến Sở Tài nguyên và Môi trường và hiện đang quá trình hoàn tất các thủ tục để khai thác.

Hiện, Quảng Trị có 6 mỏ đã cấp phép, cùng với việc thu hồi từ nạo vét lòng hồ và nguồn cân đối đào đắp là khoảng 21,76 triệu m3. Công suất huy động trong 1 năm là khoảng 6,1 triệu m3 đất VLSL. Thế nên, việc thiếu đất làm VLSL là điều nghịch lý với nhiều nguyên nhân khác nhau đã kéo theo nhiều hệ lụy mà trong đó có việc làm chậm giải ngân nguồn đầu tư công và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Minh Tân