Hết thời doanh nghiệp “ôm” đất rồi… bỏ không

Nhằm siết chặt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, từ cuối năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ của từng D.A đã được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn. Phải xác định rõ trách nhiệm và đề xuất hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể; kiên quyết không gia hạn theo quy định của pháp luật… Cùng với đó, chỉ đạo áp dụng đồng bộ tất cả các chế tài của công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra truy tố, xét xử để đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong quản lý trong lĩnh vực này.

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy ký văn bản yêu cầu các sở, ngành và UBND các địa phương (đặc biệt là Vân Đồn, Đông Triều, Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Yên) tăng cường hơn nữa việc quản lý các D.A bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng và hoạt động môi giới bất động sản phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ), chuyển mục đích SDĐ để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định về tách thửa đất. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, SDĐ chậm so với tiến độ ghi trong D.A đầu tư…

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành chuyên môn về đất đai, xây dựng, đầu tư và UBND các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch SDĐ được phê duyệt.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đang tích cực chỉ đạo các địa phương lập biểu theo dõi về thời gian thực hiện các D.A trên địa bàn; khẩn trương thực hiện công tác hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) để các nhà đầu tư triển khai D.A đúng tiến độ; đề xuất việc sử dụng quỹ đất đã thu hồi để phát huy hiệu quả tài nguyên đất đai và có nguồn kinh phí để trả cho nhà đầu tư cũ; tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp đã được hoàn trả chi phí còn lại nhưng không bàn giao đất theo quy định của Luật Đất đai.

“Trảm” 9 D.A đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao các sở, ngành, địa phương thực hiện tổng rà soát 3 nhóm D.A, gồm: Nhóm D.A đã giao đất, cho thuê đất; nhóm D.A đã chấp thuận nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa được giao đất và nhóm D.A đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa lựa chọn nhà đầu tư.

Tính đến hết tháng 6, tại nhóm D.A đã giao đất, cho thuê đất hiện có 163 D.A chậm tiến độ ở 13 địa phương. Trong đó, có 114 D.A chậm tiến độ từ 1 - 5 năm, 49 D.A chậm tiến độ trên 5 năm.

Nhóm D.A đã chấp thuận nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa được giao đất có 106 D.A chậm tiến độ ở 10 địa phương. Trong số này, có 28 D.A chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, 8 D.A chậm tiến độ trên 5 năm, còn lại đang trong thời gian thực hiện.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 239 D.A chậm tiến độ đã được chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa lựa chọn nhà đầu tư.

Thống kê cho thấy, D.A chậm tiến độ chủ yếu tập trung ở các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn. Qua phân tích, các D.A chậm tiến độ, vi phạm pháp luật chủ yếu vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, điều chỉnh quy hoạch D.A. Đơn cử, ở nhóm D.A đã giao đất, cho thuê đất hiện có 49 D.A chậm tiến độ trên 5 năm thì có đến 31 D.A chậm tiến độ do vướng mắc GPMB và phải điều chỉnh quy hoạch do không còn phù hợp.

Trên cơ sở rà soát các D.A chậm tiến độ, vi phạm pháp luật, từ tháng 10/2020 đến hết tháng 6 năm nay, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh hủy bỏ 10 quy hoạch, 10 địa điểm nghiên cứu quy hoạch. Thu hồi 5 D.A đã chấp thuận nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư; 4 D.A đã giao đất, cho thuê đất; ban hành quyết định xử phạt vi phạm đối với 28 chủ đầu tư, với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Đầu tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản về việc thu hồi các chủ trương nghiên cứu quy hoạch chi tiết của 7 D.A, gồm: D.A của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại xã Hạ Long; khu công nghiệp Y - Dược công nghệ cao tại huyện Vân Đồn; khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo cổng chào, thị trấn Cái Rồng; dự án khu cảng và đô thị phía bắc đảo Cái Bầu; khu đô thị tại xã Minh Châu; sân golf, khu du lịch sinh thái tại đảo Minh Châu - Quan Lạn; tổ hợp công nghệ cao, thương mại tự do và khu đô thị thông minh Vân Đồn.

Với quan điểm, nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết thì tạo mọi điều kiện; nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, giữ đất chờ thời điểm chuyển nhượng, trục lợi sẽ dứt khoát thu hồi, tỉnh Quảng Ninh đang dần lập lại trật tự trong công tác quản lý đất đai. Qua đó, góp phần bảo vệ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất và tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng trên địa bàn.

Trọng Tài