Sàn tiền ảo sập, nhà đầu tư ngậm trái đắng

Từ ngày 6/10, nhiều người dùng đã không thể truy cập được vào sàn Wefinex, có địa chỉ tại http://www.wefinex.tv do đã bị chặn.

Theo thông tin từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), cơ quan này đã thực hiện việc chặn truy cập đối với tên miền www.wefinex.tv vì có hành vi vi phạm pháp luật. "Tên miền wefinex.tv đã bị chặn do vi phạm pháp luật (tấn công mạng, lừa đảo, vi phạm bản quyền, dịch vụ không phép...) hoặc chính sách của tổ chức" - NCSC thông báo.

Hiện website của sàn giao dịch tiền ảo Wefinex đã không thể truy cập được, những ai truy cập vào sẽ được NCSC lưu lại thông tin gồm: Địa chỉ IP, thời gian truy cập và phần mềm hoạt động (user agent) nhằm phục vụ cho công tác nghiệp vụ an toàn, an ninh mạng. Trong thời gian gần đây, hàng loạt website của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (BO) thuộc hệ sinh thái của sàn giao dịch Wefinex như: http://wefinex.net; http://deniex.com; http://aresbo.com; http://remitex.net đã bị NCSC chặn và không thể truy cập.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Wefinex là một trong những sàn giao dịch tiền ảo “làm mưa làm gió” thu hút nhiều người tham gia tại Việt Nam trong thời gian qua. Wefinex là một dự án nằm trong hệ sinh thái của Winsbank. Công ty Winsbank thuộc World Blockchain Holding Limited. Dù chỉ có tuổi đời một năm nhưng công ty này luôn giới thiệu họ là kênh đầu tư huyền thoại! Đáng nói là, hơn 90% lượng truy cập vào trang Wefinex đến từ Việt Nam, nhưng công ty này không có bất kỳ đại diện nào trong nước.

Mô hình hoạt động Wefinex và hệ sinh thái của nó là theo hình thức quyền chọn nhị phân (Binary Options - BO), tức người chơi sẽ lựa chọn giá lên hoặc giá xuống của một tài sản nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là vàng, dầu mỏ, tiền mã hóa. Kết thúc phiên giao dịch, nếu dự đoán đúng, người chơi được hưởng lợi nhuận theo tỉ lệ sàn đưa ra, ngược lại sẽ mất toàn bộ số tiền đó.

Để tham gia chơi, sàn cấp một tài khoản và nhà đầu tư nạp tiền thật vào mà không rút ra được và dùng tài khoản đó thông qua tiền ảo như các đồng tiền ảo BTC, ETH, USDT... để giao dịch. Nhiều nhà đầu tư vì tham lợi nhuận, bỏ ra nhiều tỷ đồng đã phải ngậm trái đắng. Khi bị mất hết tài sản mà không biết kêu ai và cũng không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

Đa cấp tiền ảo đủ chiêu trò dụ người chơi tham lãi khủng

Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống phạm tội sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân BO trên không gian mạng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tham gia.

Phần lớn các sàn BO này được các đối tượng giới thiệu là sàn của nước ngoài, được cấp phép tại nước ngoài nhưng thực chất đây là sàn do các tổ chức, cá nhân người Việt Nam thiết lập và điều hành, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút và phát triển số lượng nhà đầu tư tham gia. Đơn cử, mô hình hoạt động của các sàn: Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, Ares BO, Binanex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption...

Các đối tượng cam kết lợi nhuận với các nhà đầu tư, chia hoa hồng cao khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp vào giá, điều chỉnh thắng thua nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, hoặc đánh sập hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nhà đầu tư.

Để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các đối tượng thường xuyên tạo hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội xuất hiện một số đối tượng tự xưng như: “Chuyên gia đọc lệnh"; "Hotgirl tỉa nến"; "Thợ đục sàn…”. Về bản chất, đây là các đối tượng môi giới, thường xuyên lôi kéo, dụ dỗ các nhà đầu tư tham gia hoạt động của các sàn BO bằng những lời tô hồng: Đầu tư ít sinh lời cao, bảo hiểm 100% vốn; không làm gì vẫn có tiền; cam kết lợi nhuận 1.000% trong một tháng.

Để thu hút sự tin tưởng của người dân, những đối tượng này thường lên mạng khoe khoang sự giàu có, đánh bóng hình ảnh là những người có thu nhập cao thông qua đầu tư tại các sàn Wefinex và các sàn BO khác trong hệ sinh thái của Wefinex như: Pocinex, Deniex, Remitex, AresBO, Bitono… Thực tế, không ít người trong số đó phải đi mượn xe, mượn nhà, mượn quần áo để “nổ” sống ảo trên mạng.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, phần đa người dân không có kiến thức chuyên sâu về tài chính, trong khi đó, áp lực về làm giàu và áp lực để kiếm tiền rất lớn lao. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh diễn ra, nhiều người đã bị thất nghiệp, thu nhập giảm, không có công ăn việc làm nên họ sẽ tìm các kênh đầu tư để kiếm tiền nhanh chóng. Đánh trúng tâm lý này, rất nhiều sàn giao dịch sàn tiền ảo trá hình mở ra, mang đến những hứa hẹn cho người tham gia, chỉ cần đầu tư một số tiền rất nhỏ và sẽ được hưởng phần trăm lợi nhuận lớn.

Dù tên gọi của các sàn có khác nhau, nhưng thủ đoạn, chiêu trò đều có những điểm giống nhau: Hoạt động trên môi trường không gian mạng, trả lãi cao một cách bất thường, hoạt động theo phương thức đa cấp, các dự án, mô hình đều có yếu tố nước ngoài, không rõ ai làm chủ.

Hiện nay, tại Việt Nam luật pháp chưa công nhận các loại tiền ảo, tiền kỹ thuật số, chỉ có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng mới được cấp phép trong hoạt động giao dịch ngoại hối, các sàn giao dịch ngoại hối trên không gian mạng không được cấp phép. Do vậy, nhà đầu tư tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi bỏ tiền đầu tư, sẽ tránh được nguy cơ rủi ro.

Theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và Thông tư số 21/2004/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 28/2016/TT-NHNN ngày 5/10/2016), chỉ có tổ chức tín dụng được phép thực hiện kinh doanh ngoại hối. Do vậy, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân đang hoạt động tại Việt Nam không thuộc đối tượng được xem xét, cấp phép.


Quang Đông