Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang (Thực hiện)
Chủ nhật, 31/01/2021 - 09:56
(Thanh tra) - “Người Việt Nam có truyền thống văn hoá tạo nên ấn tượng sâu sắc với bạn bè thế giới. Chưa bao giờ mà lãnh đạo các nước đến Việt Nam lại có thể đi bộ, dạo phố thoải mái, đi ăn phở, mua bánh mì, nói chuyện với các cụ già, chơi với các em nhỏ….”- Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chính phủ ghi dấu ấn nhiệm kỳ trong cải cách thể chế, cắt bỏ rào cản, xây dựng Chính phủ điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: TN
Thương hiệu riêng của Việt Nam có giá trị cao
+ Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới và được Brand Finance đánh giá là thiên đường sản xuất mới. Là người phát ngôn của Chính phủ, theo Bộ trưởng, điều gì làm nên thành quả này?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Phải nói rằng, trong nhiệm kỳ này của Chính phủ có rất nhiều “biến cố” lớn.
Ngày 23/4/2016, trên chuyến bay đi công tác ở Điện Biên, Thủ tướng đọc được thông tin về tình trạng cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh. Đó là mở màn cho sự cố môi trường ở Formosa.
Cũng trong nhiệm kỳ, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác như xâm nhập mặn liên tục diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc, hay hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, mưa lũ ở miền Trung… ở mức độ chưa từng có. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện đặt ra nhiều thách thức mới.
Đến bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy được sự chỉ đạo rất thông minh, quyết liệt, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong từng vấn đề cụ thể.
Nhờ vậy, quy mô nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Ngay như năm 2020, trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương, đạt 2,91%.
Chúng ta đã cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện, minh bạch, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điều nữa là người Việt Nam có truyền thống văn hoá tạo nên ấn tượng sâu sắc với bạn bè thế giới. Chưa bao giờ mà lãnh đạo các nước đến Việt Nam lại có thể đi bộ, dạo phố thoải mái, đi ăn phở, mua bánh mì, nói chuyện với các cụ già, chơi với các em nhỏ... Đó là vì chúng ta có nền chính trị ổn định, tình hình an ninh trật tự rất tốt.
Tất cả những điều đó tạo nên thương hiệu riêng của Việt Nam với giá trị cao. Tuy nhiên, chúng ta phải làm tốt hơn nữa để vị thế Việt Nam tiếp tục nâng lên, sánh vai với các nước lớn mạnh.
Chúng tôi đã nhận chỉ đạo của Thủ tướng và đang phấn đấu để Việt Nam đạt được các tiêu chuẩn, chỉ số mà các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) quy định, chứ không thể chỉ lấy chỉ số của các nước ASEAN.
Ngay xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi cũng rất kỳ công dựa vào chỉ số của các nước phát triển để làm.
+ Ông có thể cho biết Chính phủ quyết liệt như thế nào để tạo đột phá trong cải cách thể chế?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Trong 3 điểm nghẽn mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII nêu ra có vấn đề liên quan đến thể chế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã nêu thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình 78 dự án luật, pháp lệnh và được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 59 dự án. 744 nghị định của Chính phủ và 235 quyết định của Thủ tướng được ban hành.
Tôi cho rằng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã tạo đột phá rất quan trọng về hoàn thiện thể chế, pháp luật.
Cải cách thủ tục hành chính cũng như tinh gọn bộ máy, biên chế cũng thực hiện rất quyết liệt. Bước vào nhiệm kỳ, ta vẫn nghe câu chuyện sản xuất một cái kẹo socola phải có 13 giấy phép, một mặt hàng chịu sự kiểm soát của 3 - 4 bộ, hoặc nhiều đơn vị trong một bộ. Như vậy là rào cản rất lớn, nên Chính phủ xác định điểm đột phá đi sâu vào cải cách hành chính.
Nhờ vậy, tính đến hết năm 2020, chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 điều kiện kinh doanh (63%) và 6.776 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%)… Từ đó, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN, cũng như tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, nên làn sóng đầu tư tăng lên, giúp tăng trưởng phát triển bền vững.
Cắt bỏ lợi ích nhóm, hướng tới lợi ích chung
+ Điều quan trọng nhất khi thực hiện cải cách là phải dám vứt bỏ quyền lợi cá nhân. Vậy đến nay, cán bộ đã dám vứt bỏ quyền lợi để toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ chung này chưa?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Khi cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quyết tâm sử dụng hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy, tôi vẫn nói sẽ rất nhiều rào cản vì liên quan đến quyền lợi cát cứ, mà thực chất là lợi ích nhóm.
Nhưng Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đã đặt quyết tâm phải làm minh bạch, cắt bỏ lợi ích nhóm để hướng tới lợi ích chung.
Nhìn vào thực tế để thấy, đây là vấn đề phải đặt ra. Ví dụ, chúng ta có khoảng 12 triệu bộ hồ sơ xuất nhập khẩu mỗi năm, nhưng kiểm tra chỉ phát hiện 0,06% sai phạm, trong khi vẫn phải làm mọi thủ tục hành chính, nộp phí, lệ phí, tốn kém vô cùng cho người dân, DN.
Hay khi ban hành Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 (hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm), chúng ta đã cắt bỏ khoảng trên 95% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nhưng vẫn kiểm soát tốt mọi việc.
Đặc biệt, khi dịch vụ công được “điện tử hoá”, người dân chỉ cần 1 tài khoản duy nhất, đăng nhập vào để thực hiện thủ tục thay vì phải đến cơ quan Nhà nước, tiếp cận với cán bộ thi hành công vụ. Như vậy, vừa giảm được thời gian, chi phí chính thức và phi chính thức, vừa tạo dựng được sự minh bạch, hạn chế và cắt bỏ quyền lợi không chính đáng, tham nhũng vặt, tiêu cực.
Đúng là khi thực thi, không phải ai cũng đồng thuận ngay lập tức, hiểu ngay một lúc. Nhưng, Chính phủ nêu ra thông điệp phải từ bỏ "trên nóng, dưới lạnh", từ bỏ tham nhũng vặt, yêu cầu minh bạch nên tất cả bộ, ngành, địa phương đều phải tham gia cải cách mạnh mẽ
Với những kết quả đã đạt, tôi khẳng định, chúng ta đã làm được, có nghĩa đã dám vứt bỏ quyền lợi cát cứ, xác định phải chịu sự giám sát của người dân, DN. Tất nhiên, không phải một lúc mà làm hết được, có thể đâu đó vẫn có những rào cản, nhưng cải cách vẫn là mục tiêu hàng đầu.
+ Năm 2021 được nhận định vẫn còn nhiều thách thức mà chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Theo ông, cần làm gì để Việt Nam giữ vững và bứt tốc hơn vị thế thương hiệu quốc gia?
- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tôi cho rằng, năm 2021 vẫn phải thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch nghiêm ngặt, quyết liệt, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, chúng ta phải tạo ra những đột phá rất mạnh về đầu tư hạ tầng từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội. Không thể vẫn theo trào lưu của nhiều địa phương rất muốn có sân bay, cảng biển riêng. Muốn vậy, phải có quy hoạch quốc gia, tầm nhìn thứ tự ưu tiên, đảm bảo hài hòa, linh hoạt, mềm dẻo để tạo sự đồng thuận tham gia của cả xã hội.
Quan trọng hơn nữa là hỗ trợ DN hiệu quả, để một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. DN phải tiếp cận được những dịch vụ đặc biệt về tiền tệ, tài chính, ngân hàng, lãi suất phải thực chất, giảm nhiều hơn.
Nếu lãi suất cứ 9-11% trung, dài hạn thì rất lo vì DN sẽ còn khó khăn, nên phải tính toán làm sao để tiếp cận tín dụng thuận lợi. DN sinh ra nhiều nhưng “đi viện, ốm đau, tử vong” nhiều thì không ổn.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị DN xác định chiến lược đầu tư kinh doanh để vượt qua khó khăn. DN không quản trị tốt, có nguồn lực tốt, không nắm bắt được thị trường thì sẽ đổ bể. Chúng ta trân trọng những DN trực tiếp sản xuất, làm thật, hiệu quả thật, nếu không làm thật, hiệu quả thật thì chính DN sẽ không chơi được với ai.
+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
“Việt Nam và một số nước đã sản xuất được vaccine phòng COVID-19 và cũng đã tiêm thử trên người. Tôi cho rằng, các đơn vị trong nước sản xuất được vaccine là rất tốt, để chủ động nguồn cung ứng. Nhưng nếu chưa có vaccine sớm, thì tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là vẫn phải mua từ nước ngoài.
Khi đã có vaccine, Chính phủ sẽ khuyến khích người dân tiêm. Những ai được ưu tiên tiêm, chính sách ra sao thì lúc đó sẽ có cụ thể. Gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo... có thể được đề xuất với Thủ tướng để có chính sách hỗ trợ tiêm vaccine phù hợp” - Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới
5 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù trong muôn vàn khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới kể từ đại suy thoái 1929-1932, kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%.
Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương hoặc vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực, kể cả một số "con hổ" của Đông Á. Tạp chí Nhà Kinh tế của Anh xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Còn số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã CK: CTG) vừa được vinh danh tại 2 giải thưởng “Top 10 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành Tài chính” và “Tiến bộ vượt trội dành cho Báo cáo thường niên” tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm (VLCA) 2024 do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức.
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
14:29 22/11/2024(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.
Chu Tuấn - Quang Dân
14:25 22/11/2024Văn Thanh
12:45 22/11/2024Văn Thanh
12:43 22/11/2024Trần Quý
12:40 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh