Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Văn Yên: Nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm quế vươn xa

Hồng Vân

Thứ ba, 11/10/2022 - 22:19

(Thanh tra) - Nằm ở phía Bắc của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên có tổng diện tích đất tự nhiên trên 139.000 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 75%, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%.

Rộn ràng mùa thu hoạch vỏ quế

Vùng Quế Văn Yên được hình thành từ lâu đời nay và gắn liền với cuộc sống của người Dao vùng cao Văn Yên, gồm các xã Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Tân Hợp, Viễn Sơn và Đại Sơn. Các xã này nằm trong vùng khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây Quế Văn Yên. Người Dao nơi đây chịu khó, cần cù, đã gắn bó với cây quế, nghề quế từ lâu đời, do đó những kinh nghiệm trồng quế đặc trưng như kỹ thuật chọn giống, trồng cây, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao. Nhiều gia đình đã coi quế là thứ “vàng xanh” quý giá, là của để dành cho con cháu muôn đời sau.

Để giúp người dân khai thác giá trị của cây quế, nhiều năm qua, huyện Văn Yên đã đưa chỉ tiêu trồng quế vào kế hoạch hàng năm; xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua quế vỏ, chế biến tinh dầu quế tại các xã, thị trấn. Hàng năm diện tích quế trồng mới và trồng vào diện tích đã khai thác trên địa bàn huyện đạt từ 2.000 - 2.500 ha/năm, trong đó chủ yếu là trồng lại sau khai thác.

Nhờ đó đến nay Văn Yên đã hình thành vùng nguyên liệu quế rộng lớn ở khắp 25/25 xã thị trấn với trên 52.000 ha, trong đó diện tích quế tập trung trên  25.300 ha đã được xác lập chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tại 8 xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng; trên 4.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 5.000 tấn vỏ quế khô các loại; sản lượng cành lá quế đạt khoảng 65.000 tấn/năm; sản lượng tinh dầu đạt khoảng 300 tấn/năm; sản lượng gỗ quế đạt gần 51.000 m3/năm; cây quế giống trên 150 triệu cây. Quế vỏ và tinh dầu được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt của khách hàng.

Các sản phẩm từ quế đã xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, ngoài ra còn nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ vỏ quế, tinh dầu, gỗ quế rất đa dạng và phong phú với trên 30 loại như hộp quà quế, túi thơm, tinh dầu treo xe, lọ tăm, lọ hoa, lọ trà, đèn ngủ, tranh quế, ấm chén quế, điếu quế... ; các sản phẩm chế biến tiểu thủ công nghiệp từ quế như trà quế, hương nhang quế, nước lau sàn, rửa chén từ quế.

Nguồn thu từ cây quế mang lại cho người dân Văn Yên mỗi năm khoảng gần 1 nghìn tỷ đồng. Cây quế đã giúp hàng nghìn hộ nông dân của huyện vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, nhất là lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện cải thiện thu nhập, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Công nhân chế biến quế kẹp số 3 - mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao

Nhiều hộ người Dao có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ cây quế. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trung bình mỗi năm giảm 5,3%. Kinh tế khởi sắc, đời sống vật và  chất tinh thần của người dân không ngừng tăng lên. Đến nay, huyện Văn Yên có 15/25 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến đến hết năm 2022 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện lên 18 xã.

Đi đôi với việc vận động nhân dân trồng quế theo vùng nguyên liệu tập trung với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu quế bằng việc xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, tập trung vào các xã vùng cao nhằm bảo tồn nguồn gien có giống tốt.

Thực hiện đề án bảo tồn nguồn giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ bản địa, huyện Văn Yên đã lựa chọn được 90 cây quế khỏe mạnh, sạch bệnh, đường kính thân trên 30 cm, chiều cao 15m ở các xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm để bảo tồn nguồn gien.

Ngoài ra còn bảo tồn 14,5 ha quế tập trung ở các xã Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn để làm nguồn giống cung ứng cho công tác trồng quế hằng năm và phục vụ du lịch sinh thái.

Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ, đã cấp bằng chỉ dẫn địa lý cho 8 xã vùng quế của huyện.

Từ tháng 8/2020, quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi EVFTA.

Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ.

Cùng đó, Văn Yên có trên 4.000 ha quế hữu cơ đạt chứng nhận Châu Âu, Mỹ.

Năm 2021, huyện đã xây dựng 1 dự án liên kết theo chuỗi giá trị quế hữu cơ trên địa bàn huyện, quy mô 1000 ha tại xã Đại Sơn. Hiện nay, huyện Văn Yên đã có 27 sản phẩm OCOP, trong đó 16 sản phẩm từ quế được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, năm 2022 đang xây dựng sản phẩm quế hữu cơ đạt chứng nhận OCOP 4 sao.Trên địa bàn huyện có 2 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh trong đó có nhiều các sản phẩm OCOP về quế.

Để tạo mối dây liên kết người trồng và những người kinh doanh các sản phẩm chế biến từ cây quế, huyện Văn Yên đã xây dựng các chính sách hỗ trợ khoa học kỹ thuật; tổ chức tập huấn cho người dân cách trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ quế đúng quy trình kỹ thuật; thành lập hiệp hội chế biến quế;  đồng thời huyện đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, thu mua và tiêu thụ sản phẩm từ vỏ, gỗ và cành, lá quế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến quế; xúc tiến thương mại liên kết sản xuất, kinh doanh quế trên địa bàn, từng bước nâng cao giá trị của cây quế.

Đến nay trên địa bàn huyện có 11 nhà máy chưng cất tinh dầu quế; 16 doanh nghiệp, hợp tác xã gia công sơ chế, kinh doanh quế vỏ đảm bảo chất lượng xuất khẩu; hàng trăm cơ sở, hộ gia đình thu mua, gia công, sơ chế, kinh doanh trên 50 sản phẩm quế như: Quế kẹp số 3, quế khâu, quế chẻ, quế bào ống điếu, quế khúc, quế thuốc lá, quế bột... các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế...; 9 hợp tác xã và trên 100 cơ sở chế biến gỗ quế; ngoài ra còn có 5 hợp tác xã,  trên 200 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cây quế giống, để cung ứng cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm quế Văn Yên ngày càng đa dạng, phong phú

Nhờ hướng đi đúng, cây quế Văn Yên đã vượt qua những thăng trầm biến động của cơ chế thị trường,  vững vàng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường sinh thái, khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong vùng.

Với những ưu thế vượt trội là cây trồng đa lợi ích, giá trị kinh tế cao, quế trở thành cây kinh tế chủ lực của riêng Văn Yên và là một trong số những cây kinh tế chính tham gia vào thị trường nông - lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), huyện Văn Yên quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu; đến năm 2025 phát triển diện tích cây quế đạt từ 60.000 ha trở lên, trong đó vùng trồng quế tập trung trên 25.000 ha tập trung tại các xã vùng chỉ dẫn địa lý của cây quế Văn Yên.

Ông Luyện Hữu Chung, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện Văn Yên tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất quế theo hướng bền vững tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, nhằm đưa quế Văn Yên vào các thị trường phát triển như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; gắn trồng quế với công nghiệp chế biến các sản phẩm từ quế; quy hoạch các cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế theo hướng bền vững, hướng tới việc áp dụng các công nghệ chế biến và quy trình quản lý chất lượng tốt cho sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm quế; tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp, trong đó có sản phẩm quế, theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị của cây quế. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai một số mô hình kết hợp với trồng quế như mô hình nuôi gà ri, nuôi lợn bản, trồng cây dược liệu dưới tán quế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm