Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 22/04/2011 - 05:04
(Thanh tra)- Sau một thời gian tăng giá với tốc độ chóng mặt, hiện giá thép tạm lắng xuống để chờ tăng giá mới do áp lực tăng chi phí đầu vào (như phôi thép, thép phế, giá USD, điều chỉnh giá điện…) tác động đến giá thành. Trong khi đó, thép ngoại nhập khẩu (NK), nhất là thép xây dựng của Trung Quốc đang cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép của Việt Nam về giá.
Hạ nhiệt để chờ… tăng giá
Trong vòng chưa đầy 3 tháng đầu năm, giá thép đã leo thang tới 4 - 5 lần, mỗi lần khoảng 400.000 - 600.000 đồng/tấn, thậm chí 800.000 đồng/tấn. Tổng mức tăng gần 2 triệu đồng/tấn, đẩy giá thép chạm ngưỡng 19 triệu đồng/tấn khiến các DN trong lĩnh vực xây dựng và người dân lao đao. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép tăng là do giá NK phôi thép tăng và tỉ giá VND/USD điều chỉnh tăng cao (9,3%), giá điện tăng (15,6%). Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, giá thép đã có dấu hiệu chững lại với mức giảm khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tấn so với trước.
Hiện, nhiều đại lý đã giảm giá bán thấp hơn giá bán tại nhà máy từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép D6, D8 của Thép Việt - Úc, Hòa Phát vẫn ở mức cao với 1,81 triệu đồng/tấn, thép cây D25 796.000 đồng/cây, thép D16 312.000 đồng/cây… Điều này được lý giải do các Cty thương mại, xây dựng đã mua tích trữ lượng lớn thép khi thị trường đang sôi động và nay phải xả hàng để cắt lỗ. Tuy nhiên, nhiều đại lý thép lớn cho rằng, giá thép khó có thể giảm sâu hơn nữa, thậm chí còn có nguy cơ tăng trở lại do các yếu tố tác động đến việc tăng giá thành như phôi thép, thép phế, giá USD, điều chỉnh giá điện, than…
Điều mà các DN thép đang lo ngại là, nếu không tăng giá sẽ không trụ được với giá xăng, điện, than tăng… Còn, tăng giá thì khả năng sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại giá rẻ tràn vào.
Nguy cơ tồn đọng cao
Hiện nay, các DN thép, đặc biệt là DN phía Nam đang phải đối phó với nhu cầu tiêu thụ giảm (do nhiều công trình tạm ngừng triển khai theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ) và sự cạnh tranh gay gắt của thép ngoại NK (nhiều nhất là thép Trung Quốc). Theo quy định của Bộ Tài chính, thép xây dựng Trung Quốc NK vào Việt Nam sẽ chịu thuế suất 15%; thép hợp kim NK làm thép xây dựng sẽ chịu thuế suất 10%; thép hợp kim dùng sản xuất que hàn được hưởng thuế suất 0%. Do vậy, các nhà NK lấy danh nghĩa nhập thép hợp kim dùng để sản xuất que hàn để né thuế, rồi làm thép xây dựng. Việc này vừa ảnh hưởng đến các DN sản xuất thép trong nước, vừa gây hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng chất lượng xây dựng, do tiêu chuẩn tối thiểu cho thép xây dựng là CT3, trong khi thép que hàn là CT0.
Bên cạnh thép NK từ Trung Quốc, lượng thép NK từ các nước Đông Nam Á được hưởng thuế 0% cũng đổ vào phía Nam khá nhiều. Chính vì vậy, các DN thép trong nước không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm thép ngoại nhập. Theo thống kê của VSA, thị phần thép cuộn phi 6, phi 8 của các DN phía Nam trong tháng 1 và 2 chỉ còn 14% và phía Bắc còn 20%, trong khi trước đó xấp xỉ 30%.
Điều đáng quan tâm là, lượng thép NK nhiều, trong khi công suất sản xuất thép xây dựng của Việt Nam đã được cảnh báo là đạt mức cao gấp đôi so với nhu cầu. Công suất của toàn ngành năm 2010 đạt 7,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ 4,9 triệu tấn/năm. Năm nay, dự kiến tổng công suất của ngành Thép sẽ đến 8,8 triệu tấn. Như vậy, nếu thị phần của DN trong nước bị thu hẹp vì không thể cạnh tranh nổi với thép nhập ngoại, cộng với lượng thép sản xuất trong nước vượt cao so với nhu cầu thì nguy cơ lượng thép tồn đọng của các DN sản xuất trong nước là điều không thể tránh được.
Kiểm soát chặt thép nhập khẩu
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA lưu ý, không thể cấm thép NK vì lộ trình giảm thuế là tất yếu. Tuy nhiên, để “cứu” DN thép trong nước, cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan liên quan.
Thực tế cho thấy, năm 2010, trong quá trình giám định phân loại mặt hàng thép, cơ quan hải quan đã phát hiện thép NK khai là thép hợp kim có chứa hàm lượng Bo (từ 0,0008% trở lên), nhưng thực chất được NK về để làm thép xây dựng. Theo biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc, các loại thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo (hàm lượng từ 0,0008% trở lên) ở dạng tấm, lá, thanh que, góc, khuôn hình NK từ Trung Quốc (có giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu E) thì có mức thuế NK ưu đãi đặc biệt 0%. Mức thuế NK ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc đối với các loại thép này được cam kết ngay từ khi ký hiệp định nên không thể điều chỉnh tăng thuế suất được.
Theo ông Cường, để hạn chế tình trạng NK thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo từ Trung Quốc, chỉ có thể áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ từ khâu NK về các điều kiện để hưởng thuế ưu đãi đặc biệt ASEAN - Trung Quốc và giám định hàng thực tế NK có đúng là thép hợp kim có chứa nguyên tố Bo hay không. Do vậy, VSA đã đề nghi Tổng cục Hải quan, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) và Vụ Xuất NK (Bộ Công thương) kiểm tra các lô thép cuộn thực hiện đúng quy định đăng ký NK tự động để kiểm soát chặt chẽ hàng NK, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
Đức Hoài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam vừa vinh dự được xướng tên trong danh sách 50 Doanh nghiệp niêm yết tiên phong và cam kết nâng cao quản trị công ty Việt Nam – VNCG50 tại Diễn đàn thường niên Quản trị công ty (AF7).
Theo VietinBank
21:28 11/12/2024(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.
Liên Hương
21:27 11/12/2024Trần Quý
19:12 11/12/2024TC
16:39 11/12/2024ĐT
14:46 11/12/2024T.Vân
12:50 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà