Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều lô hàng đã tới thị trường EU theo Hiệp định EVFTA

Lê Phương

Thứ tư, 23/09/2020 - 21:02

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau hơn một tháng rưỡi thực thi Hiệp định EVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA gồm 1 nghị định, 2 quyết định và 1 thông tư. Có 13/25 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 37/63 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của cơ quan mình.

"Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh, trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Ngày 6/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Trên cơ sở kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì xây dựng, phối hợp các đơn vị liên quan để ban hành Quyết định số 2091/QĐ-BCT về kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong 7 tháng đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm cung cấp, phổ biến thông tin và hướng dẫn thực thi các cam kết trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp, cá nhân và các cơ quan Nhà nước.

Trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của ta sang 6 nước đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP năm 2019 đạt gần 34,4 tỷ USD, tăng 8,2% so với năm 2018. Tỷ trọng trong tổng xuất nhập khẩu năm 2019 cũng đạt 14,1% so với con số 12,9% của năm 2018. 

Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 6 hội trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA; cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA...

Ngoài ra, để đổi mới phương pháp tuyên truyền trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang triển khai chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA, tập trung vào các cam kết về dịch vụ - đầu tư, thuế, quy tắc xuất xứ, phát triển bền vững, quyền sở hữu trí tuệ.

Kể từ khi công bố thông tin về chương trình vào ngày 15/5/2020, đến nay Bộ Công Thương đã nhận được hơn 1.600 lượt đăng ký đến từ 1.000 doanh nghiệp, 20 hiệp hội và hơn 10 trường đại học tại 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục vận hành chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ http://evfta.moit.gov.vn/ để liên tục tiếp nhận và xử lý nhiều vướng mắc thực tiễn mà các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trên cả nước gặp phải cũng như cung cấp thông tin giải thích liên quan đến các cam kết trong Hiệp định.

Nếu chỉ tính kim ngạch xuất nhập khẩu sang 2 thị trường mới chưa có FTA là Ca-na-đa và Mê-hi-cô thì trong năm 2019 Việt Nam xuất siêu hơn 5 tỷ USD, tương đương 50% tổng giá trị xuất siêu của Việt Nam. Đây cũng chính là hai đối tác có quan hệ FTA mới. Xuất khẩu sang Ca-na-đa tăng 29,8%, Mê-hi-cô tăng 26,3%. Trong 6 nước đối tác, xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 8,4%), xếp thứ hai là Ca-na-đa (1,6%). 

Đồng thời, cùng với Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đang tích hợp toàn bộ nội dung thông tin, cam kết và dữ liệu liên quan tới Hiệp định EVFTA và thị trường các nước EU lên Cổng Thông tin điện tử FTA mà Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới đang phối hợp xây dựng.

Với tư cách là cơ quan đầu mối thực thi EVFTA trên toàn quốc, Bộ Công Thương đã chủ động và tích cực tiến hành các công việc cần thiết chuẩn bị cho việc triển khai những cam kết thuộc phạm vi phụ trách, cụ thể là xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Nhóm Tư vấn trong nước liên quan đến thương mại và phát triển bền vững; thực hiện nhiệm vụ đầu mối trao đổi với phía EU về công tác triển khai Hiệp định trong các lĩnh vực có liên quan...

Kể từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan...

Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Vương quốc Anh, trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi từ Hiệp định này.

Hiệp định EVFTA mới đi vào thực thi trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu được những kết quả hết sức tích cực và khả quan. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định quan trọng này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát để hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với Hiệp định EVFTA, trong thời gian tới, trên cơ sở các kiến nghị và giải pháp đã trình bày đối với Hiệp định CPTPP.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm