Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế Việt Nam trước những 'luật chơi mới'

Thanh Thanh

Thứ năm, 11/01/2024 - 22:43

(Thanh tra) - Ngày 11/1, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Q.H

Diễn đàn VESF được kỳ vọng sẽ góp phần đưa ra các dự báo về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, khu vực, điều chỉnh chính sách của các nước và tác động đến Việt Nam, đồng thời khuyến nghị các giải pháp mang tính đột phá cho phát triển trong thời gian tới.

Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn

 Tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, đây cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030.

Đánh giá triển vọng kinh tế thế giới, bà Hằng cho rằng, sẽ tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái.

Thực tế diễn ra năm 2023 cho thấy các dự báo này là chính xác, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính trị.

Trong bối cảnh bất ổn đó càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được, bà Hằng nhấn mạnh.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Q.H

Xu thế mới tác động đến kinh tế Việt Nam

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 của Chính phủ, đã đánh giá hết sức toàn diện: Bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời...

Thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển; thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Bước sang năm 2024, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý: Kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi; tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng...

Các nước đang phát triển ước tính cần đầu tư 2,4 nghìn tỷ USD/năm đến năm 2030 để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, cần đánh giá sâu thêm tác động đến Việt Nam, bà Hằng nêu rõ.

Thứ trưởng cho rằng, địa chính trị toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, các điểm nóng xung đột ngày càng gia tăng, đặt ra nhiều hệ luỵ đa chiều đối với kinh tế toàn cầu, nhất là phân mảnh kinh tế ngày càng sâu sắc; liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Nhiều nhận định cho rằng các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển.

Do đó, cần phân tích xu thế mới tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Huy động nguồn lực cho nền kinh tế

 Với chủ đề của diễn đàn lần này "Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới" là rất phù hợp, đúng và trúng quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2024, với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm.

Trong đó, tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, theo dõi sát tình hình, điều chỉnh chính sách của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin thiết thực, kịp thời để phân tích xu thế tác động đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam trước những 'luật chơi mới', Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng lưu ý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm