Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế đã có bước phục hồi nhờ các giải pháp đồng bộ

Phương Hiếu

Thứ tư, 11/10/2023 - 18:40

(Thanh tra)- Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, 9 tháng đầu năm, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi nhờ các giải pháp đồng bộ như ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số… nhờ vậy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đã có những tín hiệu tích cực.

Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: PH

Bà Thắng cũng cho biết, các khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu… tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động nhận định tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả; linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020, 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 nhưng với xu hướng tích cực.

GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023 (đạt lần lượt là tăng 2,19% và 1,57%).

“Nhìn chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023 đã dần được hồi phục, đóng góp tích cực đối với đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế”, bà Thắng nhấn mạnh.

Về sản xuất công nghiệp, theo bà Thắng, tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%...

Sau 4 tháng tăng trưởng liên tiếp, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước. Trong quý III năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 94,6 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,3% so với quý II năm 2023.

Tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,2%). Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao nhất trong các nhóm hàng (tăng 3,1%).

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, cần tiếp tục tập trung các giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam…

Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel, ký kết các FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là các CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm