Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao

Lê Phương

Thứ năm, 30/09/2021 - 22:03

(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ Công thương về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2021 diễn ra chiều ngày 30/9.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: LP

Chia sẻ về kết quả tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 9 tháng đầu năm tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, đặc biệt là bám sát diễn biến dịch bệnh để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, với các biện pháp vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển công nghiệp và thương mại tháng 9 có dấu hiệu khả quan.

Về sản xuất công nghiệp, 9 tháng năm 2021 tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước vẫn giữ được mức tăng cao (18,8%) đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch ở trong nước thì đây là một nỗ lực rất lớn của các ngành, lĩnh vực.

Nhập khẩu trong 2 tháng gần đây có dấu hiệu giảm (tháng 9 giảm 3,1% so với tháng 8, tháng 8 giảm 5,5% so với tháng 7). Tuy nhiên so với cùng kỳ thì nhập khẩu tháng 9 vẫn tăng 9,5%. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với thị trường nội địa, hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã có dấu hiệu tăng trở lại. Thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, nhiều tỉnh/thành phố đã dỡ bỏ giãn cách, hoạt động của các chợ đầu mối và chợ truyền thống đã dần mở cửa trở lại. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 tăng khoảng 6,5% so với tháng 8 (tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7). Tuy nhiên, 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,7%).

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về tình hình cán cân thương mại, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với hoạt động sản xuất bao gồm cả sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp cũng như khai thác các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản.

Quý II và III/2021 dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, thậm chí bùng phát mạnh đã tác động trực tiếp đến trung tâm sản xuất công nghiệp lớn, tại các tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang; các tỉnh, thành phía Nam như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh và 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Hải cũng cho biết, khu vực 19 tỉnh, thành ở phía Nam tương đương với 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các tỉnh, thành này trong thời gian vừa qua bị tác động của dịch khi phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao nhất theo Chỉ thị 16, thậm chí cao hơn cả Chỉ thị 16 nên có tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất, qua đó ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu.

“Tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu vẫn đang ở mức cao (hiện đang là 18,8%, trong khi năm 2020 mới chỉ tăng trưởng ở mức 7 -10%). Tháng 9 chúng ta đã ghi nhận xuất siêu với trị giá 500 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng năm 2021, nước ta đang nhập siêu 2,13 tỷ USD. Nếu so sánh với kim ngạch nhập khẩu, tương đương 0,8 %. Đây là một khoảng cách không phải là quá lớn và chúng ta còn 3 tháng của quý IV. Chính vì vậy, nếu như không có biến động lớn trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam lấy lại được sự phục hồi, đà tăng trưởng. Khi đó, có thể tin tưởng đến thời điểm kết thúc năm 2021, cán cân thương mại sẽ duy trì ở mức cân bằng. Nếu tình hình lạc quan, có thể xuất siêu ở tỷ lệ nhất định” - ông Hải cho biết.

Đối với công tác điều hành giá bán điện, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Trần Tuệ Quang cho biết, giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Trong đó, có các cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm và điều chỉnh giá bán điện bình quân hàng năm.

Cũng theo ông Quang, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện. Trong thời gian qua, giá bán điện bình quân được thực hiện điều chỉnh theo đúng các quy định hiện hành, góp phần đảm bảo tài chính cho ngành điện để đầu tư, phát triển các công trình điện đáp ứng cung cấp nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Liên quan đến thị trường xăng dầu, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bình ổn thị trường và hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công thương luôn bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, qua đó phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Tháng 9/2021, CPI tăng 1,82% ở mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của giá xăng dầu trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa với mức chi phí hợp lý và hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp trong thời điểm rất khó khăn này.

Vụ Thị trường trong nước cũng đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới, bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ Bình ổn giá của xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm