(Thanh tra) - Dự thảo “Về Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân” ĐBSCL, nhằm áp dụng lâu dài, định kỳ hàng năm. Chủ trương là sẽ tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo định kỳ hàng năm nhằm đảm bảo cho nông dân có lợi nhuận tốt nhất từ hạt lúa, chứ không phải cứ khi nào giá lúa gạo bị rớt thì mới tạm trữ, cũng như để chấm dứt “điệp khúc” được mùa mất giá. Tuy nhiên, từ tư duy đến hành động lại không dễ dàng như suy nghĩ…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, xuất phát từ hạn chế của phương thức cũ là cho doanh nghiệp (DN) vay vốn mua tạm trữ lúa, gạo nhưng chỉ tổ chức mua thời gian ngắn, và mua chủ yếu qua thương lái; trong khi người trồng lúa (ND) thường bán lúa cho thương lái trước khi DN mua tạm trữ... nên dù giá lúa gạo có tăng trong và sau tạm trữ thì lợi nhuận không thuộc về ND.
Quy chế mới này cho hay, thay vì cho DN vay vốn thu mua tạm trữ như lâu nay, nguồn vốn sẽ được chuyển sang cho ND vay hỗ trợ lãi suất 100% trong 3 tháng để tự tạm trữ lúa, gạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa hỗ trợ ND, và các DN tạm trữ lúa gạo trong vụ Đông Xuân và Hè Thu hàng năm, giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ sản xuất, nâng cao giá bán cũng như thu nhập cho ND, tránh được nghịch cảnh được mùa rớt giá.
Theo đó, ban soạn thảo bước đầu đưa ra chủ trương quy định vào các tháng 2 và 3 sẽ triển khai mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn quy gạo của vụ Đông Xuân hàng năm. Tháng 7, 8, 9 tiếp tục mua tạm trữ thêm 1 - 1,5 triệu tấn quy gạo của vụ Hè Thu.
Nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, đây là lần đầu tiên chính sách về hỗ trợ hạt lúa mà người thụ hưởng trực tiếp là nông dân. Hy vọng ND sẽ có nhiều phấn khởi hơn với hạt lúa do chính mình làm ra với tư duy mới này…
Với phương thức mới, theo đề xuất ND sẽ tạm trữ lúa tại nhà, cơ sở sản xuất, kho của DN... Mức tạm trữ đối với hộ ND (hoặc các hộ liên kết lại) tối thiểu 10 tấn/1 điểm chứa.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cho rằng, phương thức mới khó có thể thực hiện, bởi nông dân ĐBSCL hiện nay có thói quen bán lúa ngay tại ruộng.
Mặt khác, mức tạm trữ đối với hộ ND hoặc các tổ liên kết phải từ 10 tấn/điểm chứa lúa là quá lớn so với thực tế. Bởi hiện nay, hơn 86% trong tổng số gần 1,5 triệu hộ ND ở ĐBSCL chỉ canh tác trên diện tích từ 0,3 đến dưới 1 ha đất, mỗi vụ họ thu hoạch bình quân từ 1,5 - 5 tấn lúa. Như vậy hầu hết ND sẽ không đủ điều kiện để được tham gia chương trình tạm trữ. Nên chăng cần sửa điều kiện này là “ND muốn tạm trữ thì đăng ký số lượng”, để khi đó, ai có bao nhiêu cũng tham gia được.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối Võ Thành Đô cho rằng, nếu từng hộ ND chưa đủ điều kiện tham gia chương trình, họ có thể liên kết thành tổ hợp tác, để có được 10 tấn lúa trở lên, cùng đầu tư xây dựng kho chứa, đầu tư máy sấy... khi đó các hộ sẽ đủ điều kiện tham gia chương trình và không phải bán lúa sớm như trước đây. Ở đây cái được hơn cho người nông dân chính là họ sẽ được hưởng lợi khi hợp tác sản xuất, hợp tác làm ăn.
Chủ trương sẽ triển khai thuận lợi hơn nếu ND tham gia vào hợp tác xã (HTX). Nhưng ở ĐBSCL hiện nay, số lượng HTX nông nghiệp còn rất khiêm tốn, và số HTX nông nghiệp làm ăn hiệu quả cao càng ít ỏi. Muốn vậy thì cần nâng chất HTX để hình thức làm ăn tập thể này đủ lực thu hút ND tham gia. Đây là một việc không dễ làm ngay được.
Mặt khác, lâu nay hầu hết ND đều không có kho chứa. Với sản lượng lúa hàng hóa lên đến 7 - 8 triệu tấn (vụ Đông Xuân), nếu số lượng ND đăng ký tạm trữ nhiều thì giải quyết kho chứa là vấn đề nan giải; giám sát việc tạm trữ của ND thực hiện như thế nào (rất nhiều so với con số vài chục DN tham gia mua tạm trữ như trước đây)... ND tự liên kết xây kho, ai sẽ đầu tư. Mà xây xong thì bao giờ mới hoàn vốn, nếu kho chỉ dùng tạm trữ lúa gạo chỉ một thời gian ngắn trong năm.
Còn nếu ND thuê kho của DN để tạm trữ lúa gạo, thì các DN đều khẳng định rằng, không làm được vì sẽ có rất ít nông dân chở lúa đến kho DN do họ không có phương tiện. DN cũng không thể chia nhỏ diện tích kho để cho ND thuê trữ lúa một cách lắt nhắt.
Giám đốc Công ty CP Mê Kông Cần Thơ, Lê Việt Hải thì nêu ra một quan tâm khác là việc hỗ trợ trực tiếp 100% lãi suất cho ND. Theo ông Hải, thủ tục xác nhận thời gian tạm trữ của ND sẽ nhiêu khê. Chẳng lẽ mỗi lần gặt lúa về và bán ra, bà con phải gọi chính quyền địa phương đến chứng kiến và xác nhận. Đồng loạt 1,5 triệu hộ gọi phường, xã lấy đâu ra người chứng kiến và xác nhận. “Chưa kể hồ sơ tạm trữ, các hóa đơn chứng từ ND phải tìm ở đâu? Nếu không có những giấy tờ này, ngân hàng làm sao cho vay?” - ông Hải thắc mắc.
Mặt khác, cơ sở vật chất, tay nghề tạm trữ của ND cũng là một “rắc rối” khác. Nếu lúa gạo tạm trữ bị ố vàng, không đúng tiêu chuẩn xuất khẩu, hay chất lượng giảm, giá bán ra thấp, bị lỗ, thì những trường hợp này ai sẽ bù lỗ cho ND. Mức hỗ trợ liệu có đủ bù đắp?
Nhiều ý kiến khác cho rằng, hầu hết nông dân ĐBSCL đều bán lúa tươi tại ruộng để lấy tiền trả nợ vật tư nông nghiệp và quay vòng sản xuất vụ sau, nên hỗ trợ trực tiếp từ đầu vào sẽ công bằng và thiết thực hơn.
Tổng Giám đốc Công ty XNK An Giang Nguyễn Văn Tiến cho biết, hàng năm nông dân sản xuất hơn chục triệu tấn lúa, nhưng chỉ thu mua tạm trữ 1 - 2 triệu tấn, như vậy chỉ giúp được một bộ phận rất nhỏ người ND. Trong khi đó, ND đang phải chịu mức vật tư nông nghiệp khá cao, giá lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng hàng ngày làm giảm lợi nhuận. Do đó, việc hỗ trợ trực tiếp từ đầu vào sẽ giúp hầu hết bà con giảm giá thành sản xuất, từ đó lợi nhuận sẽ tăng lên.
Trên thực tế hiện nay, ND đang phải chịu đến 13 - 14 loại phí khác nhau, từ phí cầu đường, thủy lợi đến phí xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng… Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, Lê Minh Trượng cho rằng, Nhà nước có thể tính ra mức hỗ trợ từng đợt tạm trữ là bao nhiêu, lấy tiền đó hỗ trợ cho ND những khoản phí này còn thiết thực hơn, lại đỡ mất công các khoản giấy tờ, nhân lực…
Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân cho biết, thay vì cho DN vay vốn thu mua tạm trữ, vốn sẽ được chuyển sang cho nông dân vay hỗ trợ lãi suất 100% trong 3 tháng để tự tạm trữ lúa, gạo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa hỗ trợ nông dân, và các DN tạm trữ lúa gạo trong vụ Đông Xuân và Hè Thu hàng năm, giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ, nâng cao giá bán, tránh được nghịch cảnh được mùa rớt giá.” |
Kỳ Phong