Theo dõi Báo Thanh tra trên
Khánh Linh
Thứ tư, 01/01/2025 - 10:00
(Thanh tra) - Cơ hội kinh doanh đang rộng cửa với những doanh nghiệp đón được làn sóng dịch chuyển và tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn và các dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, nền kinh tế đang cần những bước tăng trưởng đột phá ngay trong năm 2025 - năm bản lề của kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng ông Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo. Ảnh: TTXVN
Cơ hội đổi vận của doanh nghiệp
“Cơ hội đang rất lớn, thậm chí là ngàn năm có một, nếu lúc này không tận dụng để thay đổi vận doanh nghiệp thì không còn lúc nào, vì cơ hội lớn sẽ không lặp lại”, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse chia sẻ, với sự hào hứng rất lớn về cơ hội đầu tư kinh doanh năm 2025 và những năm sắp tới.
Chuyến đi cuối năm 2024 của ông Phú là Trung Quốc, nơi theo ông phân tích là có cả công nghệ, chuyên gia, thị trường và cả các kế hoạch kinh doanh hấp dẫn khi làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc tới các bến đỗ thế chân đang gia tăng. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và đối tác của họ đang tìm kiếm cơ hội làm ăn, hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục, dù thời của tổng thống Mỹ nào, vì đó là sự tranh chấp vị trí số 1 thế giới. Việt Nam nằm sát Trung Quốc, với những lợi thế rất lớn, không khác gì Nhật Bản, Hàn Quốc những năm 70 của thế kỷ trước”, ông Phú nói.
Nhưng cơ hội không chỉ nằm ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hỗ trợ cho ngành sản xuất thay thế sản phẩm từ Trung Quốc, không gian mới để bước chân vào bán dẫn, công nghệ đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam. Sự xuất hiện của các tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cùng với các thương vụ hợp tác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024, là chỉ dấu cho sự gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong ngành này.
Trong suy tính của ông Phú cũng như nhiều doanh nghiệp Việt, sự khởi sắc của kinh tế Việt Nam năm 2025 là rõ ràng khi dòng vốn FDI trong năm tới tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2024. Sự hồi phục của kinh tế thế giới cũng tiếp tục thúc đẩy động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu sau khi đạt kỷ lục trên 780 tỷ USD vào năm 2024. Đặc biệt, đầu tư công với sự có mặt của nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn sẽ tạo nên những tác động lan tỏa tới khu vực tư nhân.
“Có thể những tác động lan tỏa chưa thực sự đột phá trong năm 2025, do độ trễ trong thực hiện, do những bất định từ thị trường thế giới. Song nhiều khả năng đây là bước đệm cho giai đoạn phát triển đỉnh cao của chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế, diễn ra vào năm 2026-2029”, ông Phú tin tưởng.
Cũng có nghĩa, cửa đang rất sáng cho những doanh nghiệp đón được làn sóng dịch chuyển và tận dụng được cơ hội trong lĩnh vực công nghệ, bán dẫn và các dịch vụ liên quan.
Và tham vọng tăng trưởng hai con số của nền kinh tế
174 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD tính đến hết năm 2024 có thể sẽ nhanh chóng lạc hậu. Thông tin về nhiều dự án lớn khác, có thể có quy mô lên tới hàng tỷ USD, sẽ được đầu tư trong thời gian tới không chỉ đến từ phía các nhà đầu tư, doanh nghiệp mà còn đến từ các cơ quan Chính phủ.
Thậm chí, nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu, như Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... đã có kế hoạch cụ thể về chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm R&D, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam... Đặc biệt, sự kiện NVIDIA ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Chính phủ Việt Nam về việc phát triển Trung tâm R&D AI và Trung tâm Dữ liệu AI đầu tháng 12/2024 không chỉ gây tiếng vang lớn ở Việt Nam, mà còn trên toàn cầu.
“Năm 2025 không phải là một năm bản lề như thông thường, mà là năm bản lề bước vào kỷ nguyên mới, năm thiết lập tiền đề cho sự thay đổi thực chất sức mạnh của nền kinh tế. Từ đây, chúng ta hoàn toàn có thể tính tới tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới nhờ sự đóng góp của khoa học, công nghệ, các ngành, lĩnh vực mới bên cạnh sự chuyển dịch đáng kể của các ngành, lĩnh vực truyền thống”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định.
Mong muốn này từng được giới chuyên gia kinh tế nhắc đến, khi các mục tiêu tham vọng của kinh tế Việt Nam 2035-2045 được đặt ra, đó là trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Bởi nếu chỉ đạt tốc độ tăng trưởng GDP quanh mức 6-7%/năm, việc hiện thực hóa khát vọng vô cùng khó khăn.
Thực tế, trong quá trình phát triển, các nền kinh tế trước khi thành công, bước vào nhóm nước phát triển, có thu nhập cao đều có giai đoạn tăng trưởng cao, tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc...
Như vậy, ông Cường cho rằng, mục tiêu năm 2025 có lẽ sẽ không chỉ là đạt được mức tăng trưởng 7 hay 8%, dù đây là mục tiêu thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, mà phải là hoàn thành các mục tiêu của giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn 2026-2030.
“Điều này đồng nghĩa với thể chế, chiến lược hành động cho giai đoạn tăng trưởng bứt phá của kinh tế Việt Nam. Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp vì vậy sẽ tăng gấp nhiều lần”, ông Cường khuyến nghị.
Cụ thể, ông Cường đề xuất, nền kinh tế cần khung khổ thuận lợi nhất, hiệu quả nhất để không chỉ đón nhận cơ hội mới, tiềm năng mới từ bên ngoài, mà còn để chuyển dịch nền kinh tế từ chỗ tận dụng nguồn lao động, nguồn nhân lực sẵn có, hoạt động chủ yếu là gia công sang nền kinh tế đi vào khoa học, công nghệ, trí tuệ.
“Chúng ta sẽ không thể thức dậy với đội ngũ lao động chất lượng cao, sẽ không thể loại bỏ ngay các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, nhưng cần xác định rõ giai đoạn chuyển tiếp, các yêu cầu chuyển đổi của đội ngũ lao động chất lượng cao, của năng suất, của năng lực cạnh tranh...”, ông Cường nhấn mạnh.
Đặc biệt, đây là thời điểm quan trọng để hậu thuẫn cho sự phát triển vững mạnh của các tập đoàn, nhà đầu tư trong nước.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang có cơ hội hình thành các tập đoàn lớn, doanh nghiệp tiên phong đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Bản thân các doanh nghiệp đang rất nỗ lực, tìm kiếm cơ hội để có mặt trong các dự án, công trình thế kỷ, để cùng với các tập đoàn hàng đầu toàn cầu trong nhiều ngành, lĩnh vực.
“Dành cơ hội thị trường và bảo vệ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, đó là những điều Chính phủ cần làm”, ông Cường khuyến nghị.
Một điều chắc chắn, sức mạnh, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh, sức khỏe và niềm tin của cộng đồng kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới cũng phụ thuộc vào những yếu tố nêu trên.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quý phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.
Hương Giang
(Thanh tra) - Ghi nhận điểm sáng khi nhiều dự án trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực được triển khai, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025.
Hương Giang
Trần Quý
Trần Quý
Theo VietinBank
Thái Hải
Chính Bình
Thu Huyền
Hải Hà
Hương Giang
Hương Giang
Lê Phương
Đông Hà
Trần Quý
Lê Phương
Hải Hà