Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đã đến lúc “cởi trói” cho vàng miếng

Thanh Giang

Thứ bảy, 07/06/2025 - 15:05

(Thanh tra) - Sau hơn một thập kỷ siết quản lý, thị trường vàng Việt Nam đang đứng trước cơ hội "cởi trói", xóa bỏ thế độc quyền vàng miếng để mở đường cho một sân chơi minh bạch, hiện đại, nhiều chủ thể tham gia.

Đã đến lúc “cởi trói” cho vàng miếng. Ảnh minh hoạ.

Vàng từ lâu đã là một kênh tích trữ giá trị quan trọng đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thị trường vàng trong nước vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ, thậm chí độc quyền trong sản xuất vàng miếng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho người tiêu dùng mà còn cản trở sự phát triển của thị trường vàng theo hướng minh bạch, hiện đại.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng diễn ra ngày 28/5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh quan điểm cần xóa bỏ thế độc quyền vàng miếng. Tổng Bí thư yêu cầu rằng Nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý, nhưng cần mở cửa, cho phép cấp phép nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sản xuất vàng miếng.

Quan điểm này mở ra một bước ngoặt trong chính sách quản lý vàng tại Việt Nam, phù hợp với xu thế thị trường toàn cầu, đồng thời góp phần tháo gỡ những nút thắt lâu nay về nguồn cung, quyền lựa chọn của người tiêu dùng, cũng như giảm thiểu tình trạng buôn lậu và quản lý kém hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi quan niệm, tương tự như các nước trên thế giới coi vàng là một loại hàng hóa, Ngân hàng Nhà nước cần tách bạch giữa quản lý và sản xuất kinh doanh. 

“NHNN không nên vừa sản xuất vừa kinh doanh vàng miếng, điều đó là không phù hợp với chức năng. Thay vào đó chỉ nên đóng vai trò quản lý, còn việc sản xuất kinh doanh trả lại cho doanh nghiệp”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Theo ông, trước đây thị trường từng tồn tại khoảng 10 thương hiệu vàng miếng và mức chênh lệch giá giữa các thương hiệu không đáng kể. Người dân có quyền lựa chọn, thị trường có cạnh tranh.

Tuy nhiên, từ khi chỉ còn một thương hiệu vàng miếng độc quyền SJC, sự lựa chọn bị bó hẹp, dẫn đến tình trạng khan hiếm và chênh lệch giá nội địa - quốc tế ngày càng giãn rộng.

“Người dân chịu thiệt thòi khi phải mua vàng với giá trong nước cao, chênh lệch với thế giới. Không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch cũng vô hình trung tạo điều kiện cho tình trạng buôn lậu phát triển. Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất vàng trong nước cũng không biết mua nguyên liệu ở đâu. Mua ngoài thì sợ vi phạm pháp luật", ông Hùng chia sẻ.

Một thực tế khác là khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì chúng ta cũng không xuất khẩu được, mặt khác mức thuế 1% giá xuất khẩu vàng trang sức là chi phí rất lớn với các doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM hoàn toàn đồng thuận với định hướng xóa bỏ độc quyền, nhưng nhấn mạnh rằng sự thay đổi này cần gắn với điều kiện chặt chẽ.

"Bất kỳ lĩnh vực nào bị độc quyền quá lâu đều tiềm ẩn rủi ro và kìm hãm sự phát triển. Nhưng nếu mở cửa sản xuất vàng miếng, cần đặt ra tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về năng lực tài chính, và quy định bắt buộc về khả năng mua lại vàng đã bán ra, tránh tình trạng ‘chỉ bán, không mua’, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng", ông Huân nhận định.

Ông cũng dẫn chứng giai đoạn trước năm 2012, khi nhiều đơn vị sản xuất vàng miếng không đảm bảo chất lượng. Có nơi chỉ sản xuất vàng ở mức 99% thay vì 99,99%, gây thiệt hại trực tiếp cho người mua. Việc sửa đổi Nghị định 24, nếu có, cần xác lập rõ đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, không thể thả nổi.

Ngoài ra, ông Huân cho rằng, một giải pháp trọng tâm hơn thay vì chỉ tập trung vào việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng là thành lập sàn giao dịch vàng. Trên sàn này, các thương hiệu được cấp phép có thể niêm yết sản phẩm vàng miếng công khai, giao dịch theo cơ chế thị trường, đảm bảo chất lượng và thanh khoản.

Khi thị trường có sàn giao dịch, người dân sẽ bớt nhu cầu nắm giữ vàng vật chất bởi người dân chủ yếu đầu tư vàng với mục tiêu “mua thấp, bán cao”. Một thị trường vàng hiện đại sẽ phục vụ đúng nhu cầu này mà không cần người dân phải trực tiếp giữ vàng tại nhà.

Vị chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cơ chế huy động vàng trong dân, đơn cử như việc cho phép NHNN huy động vàng có trả lãi. Giải pháp này không chỉ góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế, mà còn giúp giảm áp lực lên quỹ dự trữ ngoại tệ, qua đó củng cố ổn định kinh tế vĩ mô.

Khi người dân gửi vàng vào Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất hợp lý và đảm bảo an toàn, họ sẽ không còn xu hướng tích trữ vàng vật chất tại nhà. Theo quy luật, cũng như tiền gửi, sẽ không có tình trạng rút vàng hàng loạt cùng một lúc. Do đó, nguồn lực vàng trong dân hoàn toàn có thể được huy động và khai thác hiệu quả để phục vụ các dự án phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nhìn chung, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận vàng như một loại hàng hóa bình thường, mở cửa thị trường sản xuất vàng miếng với điều kiện chặt chẽ, tăng cường giám sát chất lượng, đồng thời xây dựng một sàn giao dịch vàng minh bạch và hiện đại để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Chỉ khi thị trường vàng Việt Nam được quản lý theo hướng minh bạch, cạnh tranh công bằng và hiện đại, người tiêu dùng và doanh nghiệp mới thực sự hưởng lợi, đồng thời góp phần củng cố an ninh tài chính – tiền tệ của đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục dẫn đầu danh sách “được chọn mua nhiều nhất”, 13 năm gần như không đối thủ của thương hiệu sữa tỷ đô

Tiếp tục dẫn đầu danh sách “được chọn mua nhiều nhất”, 13 năm gần như không đối thủ của thương hiệu sữa tỷ đô

(Thanh tra) - Theo Kantar Việt Nam, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất năm thứ 13, và chiếm sóng Top 10 với các nhãn hiệu cùng “nhà” là Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Susu và Probi. Đáng chú ý, sản phẩm Vinamilk có mặt trong gần 9/10 hộ gia đình Việt với tần suất mua đều đặn hàng tháng (14 lần/năm).

Uyên Phương

22:15 18/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm