Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần phải thay đổi từ tư duy đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành

Lê Phương

Thứ sáu, 01/10/2021 - 21:44

(Thanh tra) - Đó là ý kiến tham luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan tại Hội thảo trực tuyến “Bức tranh kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022” diễn ra ngày 1/10.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LP

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các nhà quản lý địa phương, doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiểu rõ hơn về bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước trong đại dịch Covid-19, những thách thức phải đối mặt cũng như nắm bắt, xây dựng chính sách và kế hoạch kinh doanh thích ứng khi bước vào giai đoạn phục hồi.

Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cả nước, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Trong 8 tháng năm 2021, cả nước có hơn 81.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.133 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598.000 lao động; số doanh nghiệp, vốn đăng ký và số lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, có khoảng 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại ĐBSCL, một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước với các thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, trái cây, lúa gạo nhưng tác động dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn ra đã khiến vùng ĐBSCL chịu tác động nặng nề. Hầu như các nhà máy, xí nghiệp chế biến phải đóng cửa và ngừng hoạt động.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng ĐBSCL trong tháng 8 đạt 1,97 tỷ USD, giảm gần 50% so với tháng 7. Có hơn 2.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường của cả nước cũng như ở khu vực ĐBSCL gia tăng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 lần thứ 4.

Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, tổng sản phẩm trong nước quý III ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Ngoài ra, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Trong 9 tháng đầu năm có hơn 90.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp).

Riêng ĐBSCL, con số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng qua lên tới gần 90%. Ngoài ra, các doanh nghiệp duy trì hoạt động “3 tại chỗ” chỉ hoạt động được từ 5-10% công suất, trong khi chi phí rất cao. Tuy đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng như GDP 9 tháng tăng trưởng dương 1,42%.

Ông Thành cũng cho biết, sau một thời gian dài chống dịch, nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL từng bước nới lỏng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc. Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm 2021 được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản cuối năm, nhất là dịp Noel của các nước phương Tây và Tết Cổ truyền các nước châu Á vốn là thị trường lớn. Do vậy, hiện Bộ NNPTNT đang bám sát nội dung này, để cố gắng từ nay đến cuối năm đạt được kết quả cao nhất.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, vừa qua, ông có dịp sang các nước châu Âu và trao đổi với bộ trưởng nông nghiệp một số nước. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã nhập khẩu nông sản Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu của Thái Lan, Nam Mỹ, Châu Phi. Ở các nước châu Âu, họ rất thích nông sản của Việt Nam và cần mua.

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và ĐSBCL nói riêng phải đối mặt với tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng khắt khe. Do vậy, nông sản trong nước hiện nay phải đáp ứng và chịu sự biến động thị trường liên tục diễn ra, chứ không chỉ từ đồng ruộng đến bàn ăn nhà mình nữa.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu hẹp quy mô sản xuất, thiếu lao động, chịu áp lực lãi suất ngân hàng. Dẫn đến các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội ngành hàng đã có nhiều đề xuất với các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khôi phục sản xuất.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, bên cạnh sự hỗ trợ của các bộ, ngành thì các địa phương và doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để bàn giải pháp chung, hợp lý để khôi phục sản xuất. Và giải pháp không chỉ riêng trong chuỗi ngành hàng trong tỉnh mà phải hướng tới định hướng chung cho cả vùng, thay đổi từ tư duy đơn ngành sang tư duy tích hợp đa ngành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm