Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần nhận diện và kiểm soát “phản ứng phụ”

Thứ tư, 16/02/2011 - 21:46

(Thanh tra)- Việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD mới đây của ngân hàng nhà nước (NHNN) được kỳ vọng nhiều mục tiêu: hạn chế, giải tỏa tình trạng găm giữ USD, góp phần cân đối cung – cầu ngoại tệ theo nguyên tắc thị trường, kích thích xuất khẩu, từ đó góp phần kiềm chế lạm phát, hạn chế nhập siêu.

Tuy nhiên, tăng tỷ giá sẽ gây ra những phản ứng phụ ngoài mong muốn, nhất là trong bối cảnh năm nay sẽ điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với một số mặt hàng Nhà nước quản lý. Vì vậy, rất cần những biện pháp đồng bộ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.


Cảnh giác với tác động phụ và cộng hưởng tăng giá


Trước việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN, giới tài chính trong nước và nước ngoài nhận định: Đây là hoạt động bình thường trong đời sống kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh có sự gia tăng “cuộc chiến” tiền tệ với sự dịch chuyển liên tục tỷ giá các đồng tiền trên thế giới thời kỳ hậu suy giảm toàn cầu, chấm dứt bản vị vàng trong chính sách tiền tệ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, sự điều chỉnh tỷ giá lần này đã thu hẹp chênh lệch tỷ giá chính thức với tỷ giá trên thị trường tự do sẽ giúp cải thiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam do không phải bán USD theo tỷ giá thấp, giảm bớt kỳ vọng đầu cơ và cả hoạt động buôn bán vốn và ngoại tệ lòng vòng kiếm lời dựa trên chênh lệch giữa 2 tỷ giá. Điều này còn giúp tăng cường việc quản lý, kinh doanh ngoại tệ trên thị trường có tổ chức, giúp cho các doanh nghiệp (DN) tính đúng, tính đủ chi phí vốn ngoại tệ trong hạch toán mà trước đó thường phải che giấu, hợp lý hóa các khoản mua USD trên thị trường với giá cao hơn giá chính thức. Như vậy, tình trạng chênh lệch cao 2 tỷ giá chính thức và không chính thức tồn tại, kéo dài trong thời gian qua, gây căng thẳng giả tạo cung - cầu trên thị trường ngoại tệ, cũng như gây thiệt hại “kép” cho DN và nhiều hệ lụy tiêu cực khác trong việc thanh toán qua hệ thống NH được giải tỏa, tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt.


Tuy nhiên, tăng tỷ giá dù là việc phải làm, vẫn gây ra những phản ứng phụ không mong muốn như hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt lên, tăng thêm khoản  nợ công nếu quy đổi ra VND… Việc tiền đồng giảm giá khiến các nhà xuất khẩu sẽ được lợi, còn hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu sẽ đắt hơn. Điều này tác động làm tăng chi phí sản xuất của DN, cũng như giảm lượng hàng nhập khẩu, từ đó có thể làm gia tăng áp lực lạm phát cung - cầu và chi phí đẩy. Mặt khác, việc điều chỉnh tỷ giá có mức độ lớn (9,3%), có thể tạo khả năng rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những DN vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào bằng ngoại tệ để sản xuất…


Trong khi đó, gánh nặng vĩ mô từ năm ngoái như lạm phát, lãi suất cao, nhập siêu lớn… vẫn đang gây áp lực cho nền kinh tế. Tháng 1/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,74%, trong khi theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, CPI tháng 2 có thể tăng 1,8 - 2% theo quy luật của những tháng có Tết. Trong năm 2011, Chính phủ xác định sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với một số mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Tại Công điện số 167 vừa được ban hành cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng: Điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường. Trong đó, phương án tăng giá điện dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 3/2011. Với mức độ tăng giá như vậy, việc kiềm chế CPI ở mức 7% trong cả năm 2011 sẽ là một thách thức nặng nề. Nếu lạm phát không được kéo giảm, mục tiêu hạ lãi suất để hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh sẽ rất khó khăn.


Cần giải pháp đồng bộ


Từ đầu tháng 2/2011 đến nay, lãi suất trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã qua thời điểm “nóng” trước và sau Tết. Nhiều DN cho biết, hiện DN đang phải cạnh tranh với gay gắt với hàng ngoại nhập, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng cao, nhất là khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá nên giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng, cộng với lãi vay NH từ 18 - 20%/năm, quá sức chịu đựng của DN. Để vượt khó, DN buộc phải tăng giá sản phẩm theo tốc độ tăng lãi suất và tỷ giá, nhưng cũng không thể tăng quá mạnh vì sẽ mất thị phần. Lãi suất vay tiêu dùng ở nhiều NH còn lên tới 25 - 30%.


Theo lãnh đạo 1 NH thương mại (TM) cổ phần, với việc tăng tỷ giá, nếu các NHTM giảm nhanh lãi suất VND, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý găm giữ ngoại tệ của dân cư khi kỳ vọng vào xu hướng có lợi từ tỷ giá tăng lẫn lãi suất huy động USD đang trên 6%/năm như hiện nay. Ngoài ra, do các NHTM phải bảo đảm các yêu cầu an toàn vốn của NHNN nên việc tăng huy động cao nhiều hơn cho vay cũng gây áp lực khiến NH khó giảm lãi suất. Một trở ngại khác là việc NHNN chỉ khống chế đầu vào lãi suất huy động mà cho phép thỏa thuận lãi suất đầu ra đã là “cơ hội” lớn cho các NHTM gia tăng lợi nhuận. Do vậy, việc giảm lãi suất sẽ không thể từ các NHTM nếu không có sự hỗ trợ từ NHNN và Chính phủ.


Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, lãi suất tùy thuộc vào lạm phát, nhưng nếu tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao như hiện nay thì việc kiềm chế lạm phát càng khó khăn hơn. Một khi DN không dám làm ăn sẽ dẫn đến hàng hóa khan hiếm, giá cao, tác động ngược đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Giải pháp để hạ nhiệt lạm phát không chỉ sử dụng chính sách tiền tệ mà còn chính sách tài khóa, chi tiêu công. Đặc biệt, phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong điều hành nền kinh tế mới có khả năng cùng NHTM kéo giảm lãi suất xuống. Tuy nhiên, trước khi hạ nhiệt lãi suất tiền đồng đòi hỏi phải hạ nhiệt ngay lãi suất USD, tránh gây áp lực lên lãi suất tiền đồng. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, không chỉ điều chỉnh tỷ giá, mà trước hết là cắt giảm bội chi ngân sách, tăng hiệu quả đầu tư công khu vực kinh tế Nhà nước, kiểm soát chặt việc đầu tư và tài chính lành mạnh khối DN Nhà nước. Trên cơ sở đó mới có thể điều chỉnh nhập khẩu, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát có hiệu quả.

 Trần Anh Thái

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024
VPBank dẫn đầu xu hướng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản tại Việt Nam

VPBank dẫn đầu xu hướng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản tại Việt Nam

(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa mới tiên phong triển khai tính năng thanh toán “một chạm” bằng tài khoản (Pay by Account). Đây là tính năng được phát triển bởi VPBank và Tổ chức phát hành Mastercard, đón đầu xu hướng thanh toán “một chạm” mới nhất đang được triển khai rộng rãi tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh…

TC

08:25 12/12/2024

Tin mới nhất