Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 14/03/2016 - 19:21
(Thanh tra) - Hôm nay (14/3), Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết toàn quốc 2 năm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở GDĐT (GDĐT) từ năm 2013 - 2014.
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh. Ảnh: Thảo Nguyên
Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến; Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh; đại diện lãnh đạo các ngành, sở GDĐT 63 tỉnh, TP và các cơ sở GDĐT thuộc nhiều loại hình cùng các giáo viên, giảng viên tiêu biểu.
Hình thành năng lực tự bảo vệ trước tham nhũng
Đưa nội dung PCTN vào chương trình GDĐT, bồi dưỡng là một chính sách lớn của Chính phủ, có ý nghĩa chính trị, pháp lý và giáo dục hết sức quan trọng. Chính sách này có phạm vi tác động rộng rãi, nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong hơn 5 năm qua, nhất là trong hơn 2 năm trở lại đây.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh cho biết, điều này đã góp phần nâng cao ý thức của người học trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển nhân phẩm liêm chính, năng lực tự bảo vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.
“Nhiều địa phương, cơ sở GDĐT đã có sự linh hoạt, sáng tạo, với những mô hình, cách làm hiệu quả trong việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy. Một số bộ, ngành đã tích cực, chủ động trong thực hiện Chỉ thị, tiêu biểu nhất là Bộ GDĐT”, Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh.
Đồng tình với đánh giá của Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh, qua các tiết dạy về PCTN, học sinh, sinh viên đã nhận thức, phân biệt được hành vi tham nhũng là xấu. Từ đó, thực hiện tốt nghĩa vụ cá nhân thông qua việc chấp hành tốt nội quy của nhà trường, không tham lam, phá hoại của công, nhặt được của rơi tự giác mang đến văn phòng nhà trường để trả lại.
Không để thiếu tư liệu án tham nhũng
Vấn đề khiến nhiều thầy, cô giáo “đau đầu” là nội dung giảng dạy mang tính “hàn lâm”, trong khi tài liệu tham khảo, tư liệu minh họa thiếu tính thực tiễn, thiếu minh họa cụ thể, chưa thực sự phù hợp với cả người dạy và người học.
Tài liệu tham khảo để dạy nội dung này còn hạn chế, chưa có những số liệu, hình ảnh chính thống về thực trạng tham nhũng, trong khi đây là vấn đề phức tạp nên giáo viên, giảng dạy khó dẫn chứng, ví dụ để minh họa.
PGS.TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phản ánh, Học viện có hệ thống “đồ sộ” với hàng nghìn đầu sách, trong đó có số lượng lớn các đầu sách về nội dung PCTN. Một số đơn vị còn xây dựng cả “tủ sách về PCTN” nhưng việc dẫn chứng, ví dụ minh họa cũng gặp không ít khó khăn. “Đây là một nội dung mới, mang tính thời sự và tương đối nhạy cảm, hơn nữa thực trạng tham nhũng khá phức tạp. Thanh tra Chính phủ cần bổ sung thêm các tài liệu tham khảo liên quan đến công tác PCTN định kỳ hàng năm cung cấp cho các đơn vị giảng dạy về PCTN”, bà Thông đề nghị.
Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cũng cho rằng, hàng năm Thanh tra Chính phủ cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức PCTN cho đội ngũ cốt cán của nhà trường; bổ sung các tài liệu tham khảo, băng hình về một số vụ án tham nhũng điển hình làm tư liệu cho thư viện các trường học.
“Chia” cấp học để giảng dạy
Từ thực tiễn đưa chỉ thị vào nhà trường, ông Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) đề nghị có hướng dẫn chi tiết việc lồng ghép cho phù hợp với đặc điểm của trường phổ thông để các em có thể nhận thấy, quay cóp bài, nói dối thầy cô, lười học, “chạy” điểm cũng là biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng.
“Nếu dẫn chứng những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm sẽ ảnh hưởng đến tâm hồn non trẻ của học sinh, lo sợ học sinh có suy nghĩ lệch lạc, dẫn đến mất niềm tin về cán bộ, xã hội. Ví dụ thực tế cũng có thể làm học sinh hoang mang, lo lắng trước vấn đề tham nhũng của đất nước”, ông Quý nói.
Hơn nữa, mặc dù được tích hợp vào các tiết học của bộ môn giáo dục công dân, nhưng thời lượng các bài lại không được giảm, khiến việc lồng ghép thêm nội dung mới trở nên khó khăn trong việc cân đối thời gian với học sinh trong quá trình tiếp nhận.
Chưa kể, hiện vẫn còn nhiều loại ý khác nhau về việc tổ chức giảng dạy nội dung PCTN đối với khối THPT như: Giữ nguyên mô hình lồng ghép, tích hợp như hiện nay nhưng cần tập huấn sâu hơn cho giáo viên; không chỉ giáo dục pháp luật mà giáo dục cả đạo đức, liêm chính để học sinh thấy gần gũi, dễ tiếp thu; hoặc chỉ nên đưa nội dung này vào chương trình giáo dục công dân khối lớp 12 và thiết kế thành một số tiết cụ thể, không tích hợp…
Các đại biểu cho rằng, thời lượng giảng dạy nội dung PCTN trong các cấp học chỉ nên quy định thời lượng tối thiểu, phù hợp với từng cấp học như cấp THPT chỉ nên dạy về đạo đức liêm chính (không tham lam, không lấy của người khác…) không nhất thiết phải dạy về luật PCTN. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện; chủ động và kịp thời khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý, chấn chỉnh những tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt Chỉ thị.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2025, Sở Tài chính Hà Nội sẽ tiến hành thanh tra chuyên đề công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước và mua sắm, quản lý tài sản công.
Hải Hà
(Thanh tra) - Trong năm 2025, UBND thành phố Hà Nội giao Thanh tra thành phố tiến hành kiểm tra trách nhiệm giám đốc các sở, ngành, quận, huyện trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
Hải Hà
Nam Dũng
Hương Trà
Thu Huyền
Nhật Minh
Hải Hà
Hương Giang
Văn Thanh
Bùi Bình
Lê Phương
Trần Quý
T.Lương
Trọng Tài
Nam Dũng