Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực hiện linh hoạt công tác thanh tra trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Phương Anh

Thứ ba, 28/09/2021 - 06:36

(Thanh tra)- Trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, chủ động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã hoàn thành 66,2% kế hoạch và 3 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất bảo đảm chất lượng, quy định của pháp luật.

Các đơn vị thuộc Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trước diễn biến mới của đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Internet

Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo của Bộ LĐTB&XH cho thấy, 9 tháng qua, Bộ LĐTB&XH đã tiến hành 250 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 1.118 kiến nghị, 35 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng, 8 quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 319 triệu đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 38,4 triệu đồng.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, hoạt động thanh tra được thực hiện có trọng điểm đối với từng lĩnh vực (triển khai chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng, thanh tra chuyên đề) nhằm phát huy tối đa nguồn lực và đem lại cái nhìn tổng quan, sâu sắc trong mỗi nội dung được thanh tra để phục vụ công tác xây dựng định hướng thanh tra; kiến nghị sửa đổi, chính sách.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH đã thực hiện tốt việc tiếp công dân thường xuyên và Bộ trưởng tiếp công dân định kỳ; đã xử lý 100% đơn thư, không có đơn thư tồn đọng. Thực hiện xử lý đơn thư, đôn đốc các đơn vị xử lý đơn thư hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo (KN,TC); giải quyết dứt điểm các vụ việc KN,TC.

Về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãnh đạo Bộ LĐTB&XH đã ban hành kế hoạch PCTN năm 2021 của Bộ, theo đó các đơn vị thuộc Bộ tự nhận diện lĩnh vực, vị trí, công việc có nguy cơ, dấu hiệu dễ xảy ra tham nhũng để có biện pháp phòng ngừa. Bộ cũng xây dựng, ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2021 của Bộ theo Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; triển khai xác minh, tài sản thu nhập tại 6/9 đơn vị thuộc Bộ; triển khai công tác thanh tra hành chính kết hợp với thanh tra trách nhiệm thủ trưởng về công tác PCTN tại 2 đơn vị thuộc Bộ. Qua công tác thanh tra, giúp nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước tại các đơn vị, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là công tác PCTN.

Cùng với công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN, Bộ LĐTB&XH chú trọng công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý nội bộ qua hệ thống emolisa, ethanhtra, trang thông tin điện tử molisa.gov.vn, thanhtralaodong.gov.vn, triển khai chữ ký số và các ứng dụng tích hợp khác, nhằm giúp công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt, tạo hiệu quả trong quản lý; xây dựng, nâng cấp các phần mềm phục vụ công tác thanh tra của ngành.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, hiện nay, đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp trong vùng có dịch. Do đó, một số cuộc thanh tra, kiểm tra đã phải chuyển thời gian sang thời điểm khác hoặc thôi không tiến hành thanh tra để tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị, doanh nghiệp. Việc nắm thông tin, tình hình đối tượng thanh tra (đặc biệt là các công trình xây dựng) trước khi tiến hành thanh tra còn hạn chế nên một số cuộc thanh tra, kiểm tra không được tiến hành theo kế hoạch (do các công trình đã hoàn thành).

Đáng lưu ý, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị đã được tập trung thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, việc kiểm tra đối với các đối tượng chưa thực hiện kiến nghị còn chưa được triển khai nhiều; việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng còn chưa kịp thời, đầy đủ; công tác thu hồi tiền sai phạm gặp nhiều khó khăn đặc biệt trong lĩnh vực người có công. Việc thực hiện cưỡng chế đối với các đối tượng chưa thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn dẫn đến tỷ lệ thu hồi, nộp phạt chưa cao. Công tác giám sát hoạt động của đoàn thanh tra còn mang tính hình thức, chưa thực sự đạt hiệu quả; việc thực hiện giám sát hoạt động của một số đoàn thanh tra chưa thường xuyên, liên tục đặc biệt đối với các đoàn thanh tra có thời gian thanh tra dài ngày; các báo cáo giám sát vẫn chủ yếu ghi nhận trên cơ sở báo cáo của đoàn thanh tra và phiếu lấy ý kiến đối tượng thanh tra.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp

Để khắc phục những khó khăn trên, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện rà soát thông tin các đơn vị, doanh nghiệp trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra kiểm tra theo kế hoạch thanh tra, tránh chồng chéo. Các đơn vị thuộc Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trước diễn biến mới của đại dịch COVID-19.

Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra; hỗ trợ, hướng dẫn Thanh tra Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng phần mềm phiếu tự kiểm tra, phần mềm báo cáo trực tuyến, phần mềm quản lý các cuộc thanh tra; nghiên cứu, đổi mới phương thức giám sát hoạt động đoàn thanh tra, theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra.

Thanh tra Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung thanh tra theo kế hoạch, hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra và các công việc đột xuất. Nghiên cứu, xem xét các nội dung, lĩnh vực có nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn lao động, dư luận quan tâm, bức xúc; những vấn đề cấp thiết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và theo yêu cầu quản lý Nhà nước của bộ, ngành để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022…

Tổng hợp, rà soát các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc liên quan đến công tác thanh tra và các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Thực hiện xử lý đơn thư, đôn đốc các đơn vị xử lý đơn thư hiệu quả, không để tồn đọng; nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn thư, KN,TC; giải quyết dứt điểm các vụ việc KN,TC. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai, dân chủ trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết KN,TC.

Bên cạnh đó, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ báo cáo việc thực hiện kế hoạch PCTN (đặc biệt là nội dung nhận diện lĩnh vực, vị trí, công việc có nguy cơ, dấu hiệu dễ xảy ra tham nhũng để phòng ngừa; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định do Bộ ban hành).

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.

Lâm Ánh

15:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm