Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thanh tra tỉnh Hà Nam phát hiện sai phạm hơn 21 tỷ đồng

Trần Kiên

Thứ ba, 05/07/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ quan thanh tra của tỉnh Hà Nam đã triển khai 127 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện sai phạm về kinh tế 21.218,6 triệu đồng. Trên địa bàn, số lượt tiếp công dân (TCD) giảm 27%, đơn thư tiếp nhận tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021; các cơ quan đã giải quyết 81% đơn khiếu nại (KN), tố cáo (TC) thuộc thẩm quyền.

Chánh Thanh tra tỉnh Hà Nam Lê Minh Đức chỉ đạo buổi công bố quyết định thanh tra một số dự án khu đô thị nhà ở trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ảnh: Thanh tra tỉnh

Thanh tra tỉnh phát huy vai trò chủ lực

Toàn ngành Thanh tra tỉnh Hà Nam đã triển khai 26 cuộc thanh tra hành chính trong 6 tháng đầu năm tại 119 đơn vị, phát hiện sai phạm 19.912,8 triệu đồng; đã kiến nghị thu hồi ngân sách Nhà nước (NSNN) 843,1 triệu đồng, giảm trừ quyết toán 13,9 triệu đồng; kiến nghị khác 19.055,8 triệu đồng.

Trong đó, riêng Thanh tra tỉnh đã thực hiện 16 cuộc thanh tra với 3 cuộc đột xuất tại 95 đơn vị, phát hiện sai phạm với số tiền 19.912,8 triệu đồng; trong đó kiến nghị thu hồi NSNN 843,1 triệu đồng; giảm trừ quyết toán 13,9 triệu đồng; kiến nghị khác 19.055,8 triệu đồng.

Thanh tra các sở, ngành đã tổ chức 101 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 635 lượt cá nhân, tổ chức. Phát hiện 91 cá nhân, tổ chức có sai phạm. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực 79 trường hợp với số tiền 1.305,8 triệu đồng, đã thu nộp NSNN là 1.305,8 triệu đồng.

Các cơ quan đã đôn đốc thực hiện 52 kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý hành chính; thu hồi về NSNN 1.509,98 triệu đồng; xử lý khác 1.045,1 triệu đồng; xử lý hành chính 4 tổ chức, 3 cá nhân. Qua đôn đốc thực hiện kết luận sau thanh tra, các sai phạm cơ bản đã được xử lý.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Hà Nam đã đề xuất việc thanh tra, kiểm tra đối với 2.087 đơn vị, doanh nghiệp. Qua rà soát, có 485 doanh nghiệp trùng lặp, chồng chéo; trong đó: Chồng chéo, trùng lặp giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh là 472 doanh nghiệp; với các bộ, ngành Trung ương là 13 doanh nghiệp. Sau khi xử lý, số doanh nghiệp thực tế được thanh tra, kiểm tra là 1.813 doanh nghiệp. 14 doanh nghiệp xin hoãn thanh tra, kiểm tra do ảnh hưởng dịch Covid-19.

81% đơn KN, TC đã được giải quyết

Trong 6 tháng đầu năm, tại trụ sở TCD các cấp, các ngành tiếp 1.759 lượt với 1.934 người, tương ứng 1.614 vụ việc, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2021.

Các cơ quan hành chính đã tiếp nhận 1.261 đơn thư các loại, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021. Qua phân loại có 964 đơn đủ điều kiện xử lý với 43 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2021.

Các cơ quan hành chính giải quyết 35/43 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81%; gồm: 20/24 vụ việc KN và 15/19 vụ việc TC.

Trong số 35 vụ việc đã giải quyết, có 7 vụ việc được giải quyết thông qua hoà giải, thuyết phục công dân đã tự nguyện rút đơn và đình chỉ vụ việc TC.

Kết quả giải quyết KN, TC, các cơ quan hành chính Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm liên quan đến công tác quản lý, đã trả lại quyền lợi chính đáng của người dân 220 triệu đồng.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã giải quyết 601 vụ việc liên quan đến kiến nghị, phản ánh của công dân. Các sở, ban, ngành có 43/44 báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc gửi đến các cơ quan Trung ương, địa phương, trả lời các cơ quan báo chí và công dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 8 vụ việc (KN 4 vụ, TC 4 vụ) các cấp, các ngành trong tỉnh đang tập trung giải quyết theo quy định pháp luật.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 9 vụ việc KN, TC phức tạp, kéo dài theo tiêu chí tại Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Đến nay, 2 vụ việc đã giải quyết xong, 3 vụ việc đang chỉ đạo địa phương, đơn vị giải quyết; 4 vụ việc đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức đánh giá, qua 6 tháng đầu năm 2022, công tác thanh tra đã được chỉ đạo triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo nội dung, yêu cầu; kết luận, kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành trên các lĩnh vực. Công tác xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đã phát huy hiệu quả trong công tác chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện xử lý sau thanh tra được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các kết luận thanh tra, những sai phạm cơ bản đã được xử lý, đặc biệt là sai phạm về kinh tế. Công tác TCD, giải quyết đơn thư KN, TC tiếp tục được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm. Chất lượng giải quyết các vụ việc KN, TC được nâng cao, tăng cường đối thoại với công dân; việc tổ chức các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC có hiệu lực pháp luật được thực hiện nghiêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm