Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoàng Nam - Hoàng Long
Thứ sáu, 11/10/2024 - 15:11
(Thanh tra) - Ngày 11/10/2024, Bộ Công an đã tổ chức tập huấn công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu phức tạp và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thanh tra Chính phủ đã cử 234 công chức, viên chức thuộc các cục, vụ, đơn vị tham gia tập huấn.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, công tác chuyển giao vụ việc có dấu hiệu phức tạp và kiến nghị khởi tố được phát hiện qua hoạt động thanh tra đến các cơ quan điều tra có thẩm quyền do Bộ Công an tổ chức sáng ngày 11/10/2024. Ảnh: Hoàng Long
Trình bày về các chuyên đề tại Hội nghị tập huấn, Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận và xử lý tin tố giác, tin báo tội phạm.
Trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, gồm: Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; viện kiểm sát các cấp; công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an; tòa án các cấp, các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức khác.
Cơ quan thanh tra của các bộ, ngành trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Tuy nhiên, các cơ quan này không có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, mà phải có trách nhiệm chuyển và thông báo ngay tin đã nhận được cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại và hình thức khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản. Trường hợp chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì chuyển ngay cho cơ quan điều tra cùng cấp.
Dấu hiệu tội phạm qua công tác thanh tra
Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Mục đích của hoạt động thanh tra nhằm phát hiện hạn chế, bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp, biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thanh tra về kết quả giải quyết vụ việc; trường hợp hết thời hạn xem xét giải quyết kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không nhận được thông báo bằng văn bản hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết thì trao đổi với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp để làm rõ lý do, nếu vẫn không đồng ý thì kiến nghị với cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân cấp trên xem xét, giải quyết và báo cáo cơ quan thanh tra cấp trên.
Điều 111 của Luật Thanh tra quy định, cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận văn bản kiến nghị khởi tố và hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tài liệu có liên quan do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Chuyển vụ việc, hồ sơ thanh tra sang cơ quan điều tra
Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
Đối với vụ việc vi phạm pháp luật có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nếu xét thấy cần thiết thì trước khi chính thức kết luận thanh tra và kiến nghị khởi tố, cơ quan thanh tra tổ chức họp lãnh đạo liên ngành gồm cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá những tài liệu đã thu thập được. Trường hợp liên ngành thống nhất xác định vụ việc đã rõ dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự.
Sau khi kết thúc cuộc thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp.
Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, điều tra
Công tác phối hợp trong trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra của cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thanh tra được thực hiện theo các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trường hợp có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự đối với kiến nghị khởi tố do cơ quan thanh tra chuyển đến thì cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố (điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 03/2018) và gửi 1 bản cho viện kiểm sát cùng cấp biết.
Khi viện kiểm sát ra các quyết định, văn bản tố tụng đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì gửi cho cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết trong vòng 3 ngày.
Trường hợp cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra thì trao đổi với cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị đến viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Nếu Thanh tra Chính phủ kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét, giải quyết; Thanh tra Bộ Quốc phòng kiến nghị thì Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đồng ý với kiến nghị của cơ quan thanh tra thì ra quyết định hủy bỏ quyết định của viện kiểm sát cấp dưới hoặc yêu cầu viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra cấp dưới; nếu không đồng ý với kiến nghị của cơ quan thanh tra thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Kết quả giải quyết của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương là quyết định cuối cùng.
Nếu có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết và gửi 1 bản cho viện kiểm sát cùng cấp.
Khi viện kiểm sát ra các quyết định, văn bản tố tụng đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự thì gửi cho cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết trong vòng 3 ngày.
Trường hợp cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố không đồng ý với quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự của viện kiểm sát thì cơ quan thanh tra trao đổi với cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền để làm rõ lý do; nếu thấy cần thiết thì kiến nghị đến viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, nếu viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đồng ý với kiến nghị của cơ quan thanh tra thì ra quyết định hủy bỏ quyết định của viện kiểm sát cấp dưới; nếu không đồng ý với kiến nghị của cơ quan thanh tra thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Kết quả giải quyết của viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương là quyết định cuối cùng.
Trường hợp chưa đủ căn cứ khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra tiến hành xác minh để thu thập, bổ sung chứng cứ và đề nghị cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố phối hợp thực hiện, cung cấp thông tin, tài liệu khi xét thấy cần thiết.
Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự mà cần xử lý bằng biện pháp khác thì cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra, viện kiểm sát.
Trường hợp có căn cứ tạm đình chỉ hoặc phục hồi việc giải quyết kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ hoặc phục hồi và gửi cho cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố, viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.
Lâm Ánh
15:43 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng ngày 22/11, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Phương Hiếu
16:23 21/11/2024Trung Hà
14:02 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân