Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sóc Trăng: Tập trung thanh tra lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, dư luận quan tâm

Cảnh Nhật

Thứ năm, 16/11/2023 - 11:00

(Thanh tra) - Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản hướng dẫn dự thảo lập danh mục các cuộc thanh tra và xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024. Trong đó, yêu cầu tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, dư luận quan tâm, giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh…

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng công bố kết luận thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu. Ảnh: thanhtra.soctrang.gov.vn

Phấn đấu giải quyết khiếu nại đạt tỷ lệ trên 95%

Theo Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu, yêu cầu đặt ra là triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và UBND tỉnh liên quan đến hoạt động thanh tra.

Tiếp tục đổi mới công tác thanh tra theo hướng tăng cường thanh tra theo chuyên đề, thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ. Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, vấn đề xã hội quan tâm. Hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra.

Thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật.

Đối với giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thanh tra tỉnh đề nghị tổ chức tiếp công dân định kỳ và đột xuất; đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, công tác dân vận, công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại, gắn tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm chắc tình hình khiếu kiện đông người và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để xử lý kịp thời các tình huống phức tạp.

Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh từ cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90%.

Triển khai thực hiện có hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, của UBND tỉnh về kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ tốt cho công tác điều hành phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung thanh tra lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm

Thanh tra tỉnh Sóc Trăng yêu cầu công tác thanh tra hành chính tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách, mua sắm công; quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ ngân sách; thanh tra công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách…

Thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan Nhà nước; thanh tra chuyên đề về quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; thanh tra các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn khác, các dự án, địa phương phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo, tham nhũng, tiêu cực.

Chủ động nắm tình hình, phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật để thanh tra đột xuất; thanh tra các vụ việc do giám đốc sở, thủ trưởng ban, ngành; chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố giao.

Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi nộp ngân sách trên 90% các khoản sai phạm về kinh tế được phát hiện qua thanh tra, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có thiếu sót, vi phạm.

Thanh tra các sở, ban, ngành căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý thuộc phạm vi quản lý, tổ chức thanh tra chuyên ngành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tập trung thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn, kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, dư luận quan tâm, các vấn đề gây bức xúc trong xã hội để ngăn chặn, chấn chỉnh, khắc phục; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội, đời sống của nhân dân...

Trong công tác phòng, chống tham nhũng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, chú trọng giải pháp công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm