Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sợ lạm quyền, tiêu cực vô hình chung “trói tay, trói chân” thanh tra

Hương Giang

Thứ hai, 13/06/2022 - 18:34

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, tiêu cực vô hình chung “trói tay, trói chân” thanh tra, cho nên việc nào ra việc đó. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cũng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong giải trình, làm rõ hơn một số nội dung mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Một trong những vấn đề được đại biểu quan tâm là hoạt động thanh tra.

Thanh tra báo trước có khi người ta chuẩn bị “vở sạch, chữ đẹp”

Nêu ý kiến, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) nói, thanh tra, kiểm tra là hoạt động bình thường của cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và trật tự xã hội.

Tuy nhiên, ông Hiếu thấy, thực tế thanh tra, kiểm tra cũng có thể tạo ra những gánh nặng không cần thiết với nhiều doanh nghiệp, khi nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp. Đặc biệt, có hiện tượng cán bộ lợi dụng công tác thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp; một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức…

“Hệ quả, các doanh nghiệp thường phải dành nhiều thời gian, bỏ dở công việc kinh doanh chỉ để xoay sở với những yêu cầu của cán bộ thanh tra, kiểm tra”, ông Hiếu nói.

Do vậy, ông Hiếu đề nghị thiết kế quy định riêng áp dụng với doanh nghiệp. Đại biểu nêu nguyên tắc thanh tra doanh nghiệp theo hướng giảm tối đa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; thanh tra theo kế hoạch, được báo trước…

Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình). Ảnh: Đ.X

Tranh luận lại, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM) nói, từ thực tế công tác, bà thấy trong thanh tra phải có các hình thức vừa theo kế hoạch, vừa phát huy đột xuất.

“Thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước nữa thì người ta sẽ chuẩn bị “vở sạch, chữ đẹp” để đón tiếp đoàn thanh tra”, bà Lan thẳng thắn nêu và cho hay, bà nói với cán bộ thanh tra là phải phát huy tất cả mặt mạnh, làm bất ngờ để phát hiện sai phạm.

Theo đại biểu đoàn TP HCM, việc sợ đội ngũ thanh tra lạm quyền, lợi dụng chức vụ, tiêu cực vô hình chung “trói tay, trói chân” thanh tra, trong khi mục tiêu cao nhất là làm sao để hiệu lực thanh tra tốt nhất.

Bà Lan cho rằng, nếu chỉ trông đợi vào thanh tra theo kế hoạch mà còn báo trước thì thanh tra không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tranh luận. Ảnh: Đ.X

“Tiêu cực thì phải có cơ chế giám sát của các cơ quan chức năng, của thủ trưởng, phải đào tạo, răn đe, trường hợp sai phạm thì xử lý. Không phải vì sợ tiêu cực mà chúng ta lựa chọn cách dễ nhất là đến hẹn lại lên, mỗi năm thông báo trước với doanh nghiệp tới ngày đó, giờ đó đến thanh tra”, đại biểu Lan nói thêm.

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra là nội dung quan trọng nhằm thực hiện đúng mục đích và yêu cầu của cuộc thanh tra, cũng như phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các quy định này.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ cũng đang sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Uỷ ban Pháp luật nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa về trình tự, thủ tục thanh tra.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo luật theo hướng quy định khung một số khâu về trình tự, thủ tục hoạt động thanh tra cho hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như ban hành quyết định thanh tra, xây dựng Kế hoạch thanh tra, Báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra… Đồng thời, quy định riêng về trình tự, thủ tục cho thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính phù hợp với đặc điểm quản lý Nhà nước theo lĩnh vực và ngành”, ông Đoàn Hồng Phong nêu rõ trước Quốc hội.

Tranh luận giữ hay bỏ thanh tra cấp huyện

Vấn đề nữa liên quan đến tổ chức cơ quan thanh tra. Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cho rằng, các ý kiến đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện vì nhu cầu thanh tra ở cấp này ít, trình độ nghiệp vụ hạn chế; nếu bỏ thì giảm được 1.426 người giữ chức danh chánh thanh tra, phó chánh thanh tra huyện, tiết kiệm ngân sách… “là chưa sâu sát”.

“Đề nghị khảo sát có bao nhiêu người trong số hơn 700 chủ tịch UBND huyện trong cả nước nói không cần thiết thanh tra cấp huyện. Đây là những người sát thực nhất nắm tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có thanh tra cấp huyện”, nữ đại biểu nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh)

Ở góc độ cá nhân, bà Hà thấy cần thiết giữ nguyên mô hình thanh tra cấp huyện. Bởi nếu không có thanh tra cấp huyện thì ai sẽ giúp chủ tịch UBND huyện phát hiện sơ hở, vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn?

“Nói chuyển nhiệm vụ này cho thanh tra tỉnh làm thì khi đó thanh tra tỉnh ngoài chức năng là cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh, lại giúp việc cho cả UBND cấp dưới, liệu có ổn không?”, bà Hà nói.

Theo bà, hàng năm thanh tra cấp huyện thực hiện ít cuộc thanh tra vì còn phải tập trung thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh để giúp UBND cùng cấp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Bỏ thanh tra cấp huyện thì phải có bộ máy thay thế, khi đó việc giảm biên chế, đầu mối ở cấp huyện lại là chuyện đánh bùn sang ao”, đại biểu đoàn Quảng Ninh nhấn mạnh.

Thêm nữa, theo đại biểu, khi bỏ thanh tra cấp huyện chuyển nhiệm vụ cho thanh tra tỉnh thì phải tăng biên chế cho thanh tra tỉnh, chưa kể còn hàng loạt vấn đề khác kèm theo như chi phí đi lại tăng thêm; mối quan hệ công tác giữa thanh tra tỉnh với ủy ban kiểm tra huyện trong xử lý cán bộ cấp huyện là đảng viên như thế nào?

Đồng tình duy trì thanh tra cấp huyện, song đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề: Có phải huyện nào cũng cần cơ quan thanh tra?

Đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Theo ông Cừ, trong 705 đơn vị hành chính cấp huyện thì các quận, TP thuộc TP và thị xã “khác biệt rất xa” so với nhiều huyện miền núi, cả về quy mô, tính chất trong công tác quản lý Nhà nước...

“Một quận ở Hà Nội thu (ngân sách) năm 2021 là 12.000 tỷ đồng, trong khi một huyện miền núi cũng năm đó thu trên địa bàn chỉ 15 tỷ. Khác biệt rất lớn”, ông Cừ dẫn chứng.

Đại biểu đoàn Hà Nội nghĩ, có quận, huyện, TP sau 10, 20 năm nữa có thể tiến tới thành lập cả thanh tra cấp phường vì 1m2 đất hàng tỷ đồng, công tác quản lý ở các lĩnh vực nảy sinh các vấn đề phức tạp.

Tuy nhiên, nếu huyện nào cũng thành lập cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra là cấp xã thì ông Cừ băn khoăn. Bởi, “năm 2016 tôi đến một xã, thu ngân sách của xã được huyện giao cho 14 triệu đồng/năm. Thanh cái gì, nói thật với các đồng chí”.

Từ đó, đại biểu đề nghị, với huyện nghèo và cận nghèo thì cân nhắc thành lập cơ quan thanh tra. “Thành lập 1 phòng ít nhất phải có 3 người, vì phải có chánh thanh tra, phó chánh thanh tra và chuyên viên. Trong khi, các phòng, ban khác lo về xoá đói giảm nghèo, lo vấn đề dân sinh thì “đầu tắt mặt tối”, ông Cừ nêu ý kiến.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) tranh luận. Ảnh: Đ.X

Không đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) giơ biển tranh luận. Theo đại biểu, việc xác định tiêu chí thu ngân sách cấp huyện để xem “có hay không tổ chức thanh tra cấp huyện cần đánh giá thật kỹ”.

Ông An cho rằng, nơi nào có quản lý Nhà nước thì ở đó có thanh tra và cấp huyện là cấp quản lý Nhà nước nên có cơ quan thanh tra là hợp lý.

“Cơ quan thanh tra không chỉ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra mà còn thực hiện nhiệm vụ khác như tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thường trực của cơ quan phòng, chống tham nhũng…”, đại biểu đoàn Đồng Nai bày tỏ quan điểm giữ cơ quan thanh tra cấp huyện.

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra cho hay, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của thanh tra huyện, cũng như tham mưu trình Chính phủ các quy định cụ thể nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho cơ quan thanh tra huyện, đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước hiện nay.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm