Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phối hợp sớm hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ Luật Thanh tra (sửa đổi)

Thái Hải

Thứ ba, 01/03/2022 - 16:59

(Thanh tra) - Đó là yêu cầu của Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong tại buổi làm việc để nghe báo cáo tiếp thu ý kiến Chính phủ về Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vào ngày 1/3. Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm.

Tổng Thanh tra yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp sớm hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: TH

Báo cáo việc xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, sau khi được Chính phủ nhất trí thông qua Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại phiên họp ngày 16/2/2022, được sự chỉ đạo của Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm, Vụ Pháp chế đã chủ động chỉnh lý Dự thảo Luật, trao đổi với Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ và Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội để thực hiện các công việc chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Theo đó, Vụ đã chỉnh lý Dự thảo Luật và Dự thảo Tờ trình Quốc hội theo ý kiến của các thành viên Chính phủ; rà soát kỹ thuật nội dung, bảo đảm tính chính xác trong các quy định của Dự thảo Luật.

Theo Vụ Pháp chế, để Dự án Luật được trình Quốc hội trong kỳ họp tới, Thanh tra Chính phủ hoàn thiện Dự thảo Luật và Tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ. Đồng thời sẽ chuyển cho Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội trước ngày 20/3 để Ủy ban Pháp luật thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tổ chức vào khoảng ngày 10-15/4/2022 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022.

Tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đánh giá cao kết quả công việc của Vụ Pháp chế. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã hoàn thành và chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Về tiến độ các công việc, Tổng Thanh tra yêu cầu Vụ Pháp chế chuẩn bị, hoàn thiện kịp thời các hồ sơ bao gồm Tờ trình Quốc hội, Dự thảo Luật; Dự thảo Nghị định; Báo cáo Tổng kết Luật Thanh tra năm 2010; báo cáo rà soát pháp luật trình Tổng Thanh tra trước ngày 10/3.

Về việc phối hợp với Vụ Pháp luật của Văn phòng Chính phủ và Vụ Pháp luật của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thanh tra đề nghị Vụ Pháp chế phải đẩy mạnh thường xuyên, liên tục hoàn thành hồ sơ sớm nhất trình Chính phủ đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ với Ủy ban Pháp luật tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia khoa học, quản lý, đại biểu Quốc hội, đại diện các ủy ban của Quốc hội và tiến hành khảo sát tại một số bộ, ngành, địa phương.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương với 117 điều.

Chương I: Những quy định chung bao gồm 9 điều (Điều 1 đến Điều 9).

Chương II từ Điều 10 đến Điều 36, chia làm 7 mục nêu rõ tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra (Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra quận, huyện, thành phố thuộc cấp tỉnh, thành phố; thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục; do Chính phủ quyết định thành lập; thanh tra sở do UBND tỉnh quyết định thành lập).

Chương III từ Điều 37 đến Điều 42 quy định về thanh tra viên, tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, miễn nhiệm, cấp thẻ.

Chương IV từ Điều 43 đến Điều 99, chia làm 8 mục, quy định về hoạt động thanh tra từ việc xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra; kế hoạch thanh tra, hình thức, thời hạn, căn cứ ra quyết định thanh tra cũng như trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, người ra quyết định, trưởng đoàn thanh tra; nhiệm vụ, quyền hạn của người tiến hành thanh tra; chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra; kết thúc thanh tra được quy định như thế nào.

Bên cạnh đó, tại chương này cũng quy định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra; quyền và nghĩa vụ  của đối tượng thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị trong hoạt động thanh tra…

Chương V từ Điều 100 đến Điều 105 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra.

Chương VI từ Điều 106 đến Điều 110 quy định việc phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán Nhà nước, điều tra nhằm góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý Nhà nước

Chương VII từ Điều 111 đến Điều 113 quy định điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra.

Chương VIII từ Điều 114 đến Điều 117 với các điều khoản thi hành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm