Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhìn từ kinh nghiệm vượt “năm Covid” 2021

Phương Hiếu

Thứ bảy, 01/01/2022 - 06:37

(Thanh tra) - Năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, nhưng với sự đoàn kết thống nhất của tập thể Ban Cán sự Đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP), toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Cơ quan TTCP đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đón năm mới 2022 với nhiều niềm vui, phấn khởi.

Các cuộc họp triển khai công việc của Thanh tra Chính phủ được tổ chức bảo đảm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: LP

Linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế

Còn nhớ, ở thời điểm tháng 7/2021, khi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lúc này nhiều địa phương của cả nước, trong đó có TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Tại TTCP, để vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong yêu cầu thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị căn cứ yêu cầu nhiệm vụ được giao, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tuyến tại nhà.

Dừng các cuộc họp chưa cấp thiết, trong trường hợp cần thiết thì tổ chức họp trực tuyến. Tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động trực tuyến qua internet, chat, email, điện thoại, trong chỉ đạo, điều hành, trao đổi, làm việc; lưu ý chế độ bảo mật thông tin theo quy định.

Đối với các đoàn thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng đã triển khai trực tiếp, thực hiện nghiêm các qui định về phòng, chống dịch. Căn cứ nội dung, tình hình dịch trên địa bàn, cục trưởng, vụ trưởng xem xét, đề xuất với Phó Tổng TTCP phụ trách trực tiếp việc tiếp tục hoặc dừng triển khai và xin ý kiến Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã kết thúc sớm hoàn thành dự thảo kết luận, báo cáo Phó Tổng TTCP phụ trách và Tổng TTCP. Các cục, vụ, đơn vị chủ động triển khai thực hiện các công việc theo kế hoạch đã được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất tại trụ sở cơ quan TTCP, kiểm soát nghiêm ngặt việc ra, vào cơ quan, tạm dừng tiếp khách, tạm dừng các buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị, cá nhân ngoài cơ quan.

Trường hợp đến giải quyết công việc cấp bách phải được lãnh đạo TTCP phê duyệt. Thực hiện diệt khuẩn, khử trùng, vệ sinh môi trường làm việc, cung cấp đầy đủ vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại trụ sở cơ quan TTCP.

Và, một trong số các biện pháp cấp bách TTCP thực hiện đó là việc xem xét, đề xuất dừng, tạm dừng các đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tại Hà Nam và Yên Bái, Hà Nội.

Tiếp đó là hoãn tổ chức làm việc với UBND tỉnh Ninh Bình vào ngày 23/7 về việc công bố kết luận thanh tra để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tương tự, TTCP tạm dừng cuộc thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn.

Ngoài việc thực hiện tạm dừng, lùi các đoàn, đối với các đoàn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được triển khai cũng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

Đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành

Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong trạng thái bình thường mới, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và bảo đảm phòng, chống dịch, từ cuối tháng 10/2021, Tổng TTCP Đoàn Hồng Phong đã ký văn bản gửi bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; chánh thanh tra tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu, hoạt động thanh tra bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành.

Đặc biệt là phải đổi mới phương pháp, cách thức xây dựng kế hoạch thanh tra, tiến hành thanh tra, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thanh tra. Tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận có nhiều ý kiến.

Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch cần chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật tiêu cực, tham nhũng; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…

Theo đó, trong định hướng công tác thanh tra năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TTCP đã hướng dẫn cho thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng kế hoạch thanh tra tập trung tăng cường thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; thanh tra công tác quản lý và thực hiện các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại đô thị; thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị tại một số địa phương.

Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, Kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị trực thuộc; thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập (nếu có).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thủ trưởng các cơ quan thanh tra cần chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách linh hoạt, sáng tạo, vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với thực tế, bảo đảm thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động của TTCP và ngành Thanh tra phải bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Nâng cao năng lực và đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tùy theo tình hình cụ thể để quyết định tạm dừng, giãn, hoãn cuộc thanh tra, quan tâm đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra theo hướng yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về cơ quan thanh tra.

Khi làm việc, trao đổi với cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến, hạn chế đến mức tối đa hoạt động thanh tra trực tiếp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc và bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định). Khi thực sự cần thiết mới đến cơ quan, tổ chức, đơn vị kiểm tra, xác minh (nhất là những nơi đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm