Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngành Thanh tra Tài chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra

Minh Anh (Thực hiện)

Thứ sáu, 26/11/2021 - 16:39

(Thanh tra)- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường nhấn mạnh đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường

+ Thưa ông, thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, ngành Thanh tra Tài chính đã triển khai các giải pháp gì để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19?

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường: Dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, khó lường, tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia; làm gián đoạn dòng luân chuyển thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế; lao động mất việc làm tăng cao... Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi và phát triển kinh tế đất nước; ngành Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành kịp thời các giải pháp miễn giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước (NSNN), phối hợp với các bộ, ngành rà soát miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, ngày 11/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo số 616/TB-BTC về việc phân công triển khai thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó chỉ đạo các đơn vị “... tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát”.

Thanh tra Bộ Tài chính đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2020. Ảnh: Trần Quý

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong ngành được giao chức năng thanh tra, kiểm tra nghiêm túc quán triệt, rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra; thường xuyên có biện pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện xử lý chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra và báo cáo về Bộ Tài chính (qua Thanh tra Bộ Tài chính) để xử lý theo đúng nguyên tắc và thẩm quyền được quy định tại Điều 15, Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính. Định kỳ hàng quý, các đơn vị có nhiệm vụ báo cáo lãnh đạo Bộ về kết quả rà soát và kiến nghị xử lý đối với các trường hợp có trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kế hoạch kiểm toán để kịp thời có biện pháp điều chỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật.

Để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, các đơn vị trong hệ thống Thanh tra tài chính đã chủ động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra, đổi mới cách thức làm việc, thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch, như: Tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan; nghiên cứu kỹ tài liệu tại các ứng dụng tại cơ quan thuế, cơ quan hải quan, kho bạc Nhà nước, hồ sơ niêm yết trên thị trường chứng khoán... áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro; hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị; yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, báo cáo, gửi hồ sơ, tài liệu về trụ sở cơ quan; khi cần làm việc, trao đổi với các bên liên quan thì thực hiện qua hệ thống thông tin trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và quy định bảo vệ bí mật Nhà nước...

+ Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Thanh tra tài chính đã triển khai các nhiệm vụ ra sao và đạt được những kết quả gì từ đầu năm đến nay, thưa ông?

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường: Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã quán triệt, thực hiện xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 đảm bảo bám sát định hướng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ; gắn liền với nhiệm vụ, yêu cầu quản lý của Bộ, của ngành tập trung vào đơn vị có rủi ro cao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 1037/TTr-KHTH ngày 8/10/2021 gửi các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính thực hiện và chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống triển khai thực hiện Công văn số 1785/TTCP-KHTH ngày 6/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2021.

Kết quả, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, trình Bộ ban hành quyết định không thực hiện 103 cuộc thanh tra, kiểm tra trong năm 2021 (trong đó 11 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra 8/33 cuộc, còn lại 25/33 cuộc đã điều chỉnh không thực hiện trong năm 2021, chiếm 100% số cuộc còn lại).

Kết quả trong 11 tháng năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 57.366 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 756.555 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 10.968 vụ; kiến nghị xử lý tài chính 48.053.489 triệu đồng (trong đó: Kiến nghị thu hồi nộp 10.075.289 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 35.505.432 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 2.472.768 triệu đồng); số tiền đã thu nộp NSNN 8.060.028 triệu đồng.

Do có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các nhiệm vụ đột xuất được giao nên chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra được nâng cao, kiến nghị đề xuất mang tính thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý điều hành tài chính ngân sách của Bộ Tài chính cũng như công tác quản lý tài chính của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

+ Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ngành Thanh tra Tài chính cần thực hiện các giải pháp gì, thưa ông?

Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Trần Huy Trường: Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, Thanh tra ngành Tài chính cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là: Thường xuyên bám sát, cập nhật tình hình thực tiễn, thời sự ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của đơn vị; bám sát chỉ đạo, định hướng của Quốc hội, Chính phủ; nắm bắt thông tin về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ, của Bộ; chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 được Bộ phê duyệt, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được giao; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra.

Hai là: Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như: Cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng chính sách pháp luật với các đơn vị trong và ngoài ngành Tài chính.

Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường giáo dục chính sách chế độ, văn bản pháp luật cho công chức. Nâng cao năng lực chuyên môn cho công chức thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Bốn là: Tăng cường kỷ cương, kỷ luật đối với công chức; Phát động phong trào thi đua, động viên công chức vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

 (Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm