Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 05/07/2023 - 08:15
(Thanh tra) - Ngày 06/6/2023, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra. Nhân dịp này Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã có bài viết quan trọng. Ban Biên tập Báo Thanh tra xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong. Ảnh: TL
Trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật.
Cụ thể là trong năm 2022, ngành Thanh tra đã triển khai 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 26.654 tỷ đồng và 574 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 59.344 tỷ đồng, 8.203 ha đất; ban hành 145.558 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.641 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 451 vụ, 295 đối tượng, do đó, kết quả toàn ngành Thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm về kinh tế tăng khoảng 14%; chuyển cơ quan điều tra tăng 48% số vụ việc so với năm 2021.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm 4.956 tỷ đồng, 7,5 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 2.230 tỷ đồng, 3 ha đất; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 2.726 tỷ đồng, 4,5 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 35 vụ, tăng 19 vụ việc (2,18 lần) so với năm 2021.
Những kết quả này đã phần nào phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành trong việc không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm pháp luật, góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra thời gian qua có nhiều khó khăn, thách thức và cả những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục. Đó là việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn chậm, chưa kịp thời; một số cuộc thanh tra khó khăn trong việc làm rõ hậu quả, thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan thanh tra chưa quan tâm sát sao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ.
Với tinh thần quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 06/6/2023, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.
Nghị quyết này là động lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, tổ chức thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra; tích cực, chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức hoạt động thanh tra; làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong hoạt động thanh tra, cũng như chủ động trong việc phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra.
Đồng thời, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp, tuân thủ quy định của pháp luật và quán triệt tinh thần cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cần phải thực hiện nghiêm những nội dung sau:
Thứ nhất, giai đoạn chuẩn bị thanh tra: Thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ đạo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra tiến hành thu thập thông tin, tài liệu để phục vụ cho việc ban hành quyết định thanh tra, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, trong đó, phải làm rõ nội dung, đối tượng, thời kỳ, thời hạn thanh tra, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi, đồng thời dự kiến nhân sự đoàn thanh tra là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra.
Thứ hai, giai đoạn thanh tra: Đoàn thanh tra có trách nhiệm tiến hành thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt, không được bỏ lọt, bỏ sót nội dung, đối tượng, phạm vi thanh tra; tập trung thu thập, nghiên cứu thông tin, tài liệu, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thanh tra; yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, giải trình; làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, củng cố chứng cứ và lập biên bản ghi nhận các hành vi vi phạm pháp luật; trên cơ sở đó, kiến nghị ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định ngay việc chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật (không chờ đến khi kết thúc thanh tra, kết luận thanh tra); đồng thời, thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết.
Đối với vụ việc phức tạp, cơ quan thanh tra tổ chức cuộc họp với cơ quan điều tra, viện kiểm sát cùng cấp để phân tích, đánh giá hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, thống nhất xác định dấu hiệu tội phạm trước khi chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Khi thấy cần thiết, trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn để đối tượng thanh tra không có thời gian, cơ hội tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tiền, tài sản đã chiếm đoạt.
Trường hợp phát hiện tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước thì chuyển hồ sơ cho ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, người được giao thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Trường hợp phát hiện đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra vi phạm pháp luật hoặc bao che, bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua vi phạm của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì báo cáo thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.
Thứ ba, giai đoạn kết thúc thanh tra: Đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra, cùng thủ trưởng đơn vị tham mưu người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý chính xác, kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, không được bao che, bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của đối tượng thanh tra, nhất là các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra, tạo bước đột phá trong thực hiện nghị quyết của Ban Cán sự Đảng, trong thời gian tới, ngành Thanh tra cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp mà Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ đề ra, đó là:
Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra, nhất là các quy định của Luật Thanh tra năm 2022. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra.
Việc nâng cao nhận thức pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra có vai trò rất quan trọng. Bởi muốn đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra thì trước hết phải nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác thanh tra phải thật sự gương mẫu, chấp hành nghiêm túc pháp luật. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, trưởng đoàn thanh tra cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, trong lãnh đạo, quản lý, không ngừng nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, tích cực học tập để tự mình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật. Thường xuyên quan tâm đến việc đẩy mạnh tuyên truyền, phố biến pháp luật thông qua các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị và ở ngay trong các đoàn thanh tra.
Đồng thời khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong đơn vị mình nghiên cứu, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các đạo luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành thông qua các tin, bài, chuyên trang, chuyên mục trên Tạp chí Thanh tra, Báo Thanh tra, Trang Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Trường Cán bộ Thanh tra và các trang thông tin truyền thông khác…
Cần xây dựng những tiêu chí cụ thể đế đánh giá hiệu quả công tác thanh tra nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng cuộc thanh tra. Coi chất lượng, hiệu quả thanh tra là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.
Hai là, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra và thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; chuyển thông tin vi phạm của tổ chức Đảng, đảng viên phát hiện qua hoạt động thanh tra sang ủy ban kiểm tra của Đảng.
Hiện nay, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố cũng đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác thanh tra, qua đó, ràng buộc trách nhiệm giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện phối hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật và xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thanh tra chuyển đến.
Do đó, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thanh tra có văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp.
Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp giữa công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng phối hợp trong việc trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, kế hoạch thanh tra hàng năm; xác định dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, đấu thầu, đấu giá, đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, ngân sách, công tác cán bộ và những nội dung có liên quan đến trách nhiệm của tổ chức đảng, đảng viên thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý.
Ba là, tăng cường giám sát hoạt động đoàn thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với thành viên đoàn thanh tra vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra, nhất là các trường hợp bao che, bỏ lọt, bỏ sót hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng hoạt động thanh tra để trục lợi.
Việc giám sát hoạt động của đoàn thanh tra nhằm tránh lạm quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, do đó, cần phải được triển khai ngay từ khi công bố quyết định thanh tra. Thông qua giám sát phải đánh giá được tình hình thực hiện nhiệm vụ, triển khai hoạt động thanh tra trực tiếp của đoàn thanh tra tại đơn vị được thanh tra có đảm bảo theo tiến độ, nội dung thanh tra được phê duyệt và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hay không.
Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, việc chấp hành chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của cán bộ thanh tra và ý thức kỷ luật của đoàn thanh tra, cũng như việc thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra đối với đối tượng thanh tra. Kịp thời báo cáo người ra quyết định thanh tra xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc khi tiến hành thanh tra, các ý kiến khác nhau giữa đoàn thanh tra với đối tượng thanh tra và những hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Khi kết thúc thanh tra trực tiếp, phải có báo cáo kết quả giám sát hoạt động của đoàn thanh tra gửi đến trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra; qua đó có các kiến nghị, đề xuất theo hướng đảm bảo hoạt động thanh tra vừa đúng quy định pháp luật, vừa nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra trong thời gian tới.
Bốn là, hiện nay, việc phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra mặc dù đã được quy định trong một số văn bản luật, song vẫn chưa tạo sự chủ động, ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan, cũng như không thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan thanh tra.
Việc chuyển vụ việc vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên sang ủy ban kiểm tra của Đảng cũng mới được thực hiện thông qua quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Bên cạnh đó, tính độc lập, chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức thanh tra chưa được phát huy mạnh mẽ; việc xử lý các sai phạm qua thanh tra phát hiện gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chuyển vụ việc vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên sang ủy ban kiểm tra của Đảng.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật, liêm chính, trách nhiệm trong thực thi công vụ; kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức lối sống.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác thanh tra; chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động nghiệp vụ của Đoàn thanh tra.
Việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ, giải pháp nói trên trong toàn ngành Thanh tra có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của từng cá nhân, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.
Do đó, cấp ủy, thủ trưởng cơ quan thanh tra các cấp cần cụ thể hóa Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình, đồng thời chủ động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra.
Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Trung ương Đảng,
Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hà Tĩnh, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024.
Hoàng Nam
21:38 22/11/2024(Thanh tra) - Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Tọa đàm “Gặp mặt Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam 23/11”.
Phương Hiếu
21:36 22/11/2024Cảnh Nhật
21:31 22/11/2024Lê Hữu Chính
17:40 22/11/2024Lâm Ánh
15:43 22/11/2024Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Hoàng Nam
Lâm Ánh
Phương Hiếu
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Trần Kiên
PV
PV
Thu Huyền
Văn Thanh
T.Thanh