Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Năm 2022: Bộ Y tế sẽ thanh tra công tác tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vắc xin COVID-19

Phương Anh

Thứ năm, 25/11/2021 - 10:30

(Thanh tra) - Trong gần 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra ngành Y tế gặp rất nhiều khó khăn, trong đó một số kế hoạch phải dừng lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, trong kế hoạch thanh tra năm 2022, Bộ Y tế sẽ tập trung thanh tra về lĩnh vực xã hội hoá, liên doanh liên kết, mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, hoá chất, vật tư tiêu hao, thuốc. Tập trung thanh tra toàn diện tại một số bệnh viện thuộc quản lý của Bộ Y tế…

Cụ thể, theo Quyết định 5388 phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2022 do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên ký ngày 23/11/2021, Bộ Y tế sẽ tiến hành 47 cuộc thanh tra. Trong đó Thanh tra Bộ Y tế có 25 cuộc, các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có 22 cuộc.

Nội dung 25 cuộc thanh tra tại Thanh tra Bộ Y tế gồm: Đối với lĩnh vực y tế dự phòng, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra công tác tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vắc xin COVID-19 và an toàn sinh học phòng xét nghiệm; thanh tra công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thanh tra công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, môi trường y tế và phòng, chống HIV/AIDS.

Đối với lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế: Thanh tra việc chấp hành các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; việc chấp hành các quy định của pháp luật về dân số; thanh tra toàn diện một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Đối với lĩnh vực dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế: Thanh tra công tác quản lý nhà nước về tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt “phân phối thuốc” và “bán lẻ thuốc”, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; công tác quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc; về công bố, đăng ký, lưu hành, sản xuất, kinh doanh; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.

Về thanh tra hành chính: Tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tài chính, ngân sách; công tác đào tạo; việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư; thanh tra việc chấp hành các quy định trong quản lý và sử dụng kinh phí đối với một số dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và một số chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Y tế.

Theo quyết định phê duyệt kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế, năm 2022, tại Cục Y tế dự phòng sẽ tiến hành 3 cuộc thanh tra: Thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở có phòng xét nghiệm, cơ sở tiêm chủng; công tác quản lý, sử dụng vắc xin; về thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới.

Tại Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (4 cuộc): Thanh tra việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Tại Cục Quản lý Dược (2 cuộc): Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các GPs.

Cục An toàn thực phẩm (3 cuộc): Thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cục Quản lý Môi trường y tế (5 cuộc): Thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Tại Tổng cục Dân số (5 cuộc): Thanh tra việc thực hiện kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số; việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về quản lý, cập nhật thông tin, số liệu thống kê; việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Căn cứ vào kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu Thanh tra Bộ, Tổng cục Dân số và các cục thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Thanh tra Bộ để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.

Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn thanh tra độc lập hoặc chủ trì mời các vụ, cục tham gia để tiến hành thanh tra các nội dung chuyên môn của các vụ, cục phụ trách.

Các vụ, cục, văn phòng bộ, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc sở y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Bộ, Tổng cục, các cục thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Y tế. Quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo chánh thanh tra bộ để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo bộ xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Ngoài ra, căn cứ diễn biến tình hình thực tế việc thực hiện nhiệm vụ công tác của Thanh tra Bộ, Tổng cục Dân số, các cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, sự chỉ đạo điều hành của Thanh tra Chính phủ và Bộ Y tế, kế hoạch thanh tra năm 2022 có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

Bộ Y tế giao Thanh tra Bộ Y tế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của Bộ Y tế; Kiểm tra ngẫu nhiên việc triển khai các cuộc thanh tra đột xuất và việc thực hiện kết luận thanh tra của tổng cục, các cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nội dung kế hoạch này, tình hình thực tế tại địa phương chỉ đạo thanh tra sở xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, phê duyệt và tổ chức thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế theo quy định.

"Trong năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các cuộc thanh tra theo kế hoạch của Bộ Y tế. Đáng lưu ý, dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của nhân dân và việc kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Do tình hình dịch bệnh vẫn diến biến khó lường nên việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra trong thời gian tới có thể được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới nhằm tạo điều kiện cho các địa phương và doanh nghiệp ổn định sản xuất" .

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm