Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoạt động thanh tra minh bạch, từng bước chuyên nghiệp hơn

Hương Giang

Thứ ba, 22/11/2022 - 06:35

(Thanh tra) - Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 với nhiều điểm mới được đánh giá sẽ tạo hành lang pháp lý để hoạt động thanh tra minh bạch, từng bước chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

"Tất cả những quy định mới trong Luật Thanh tra (sửa đổi) để bảo đảm thanh tra minh bạch, liêm chính, tránh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thanh tra", TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh. Ảnh: Đ.X

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, Luật Thanh tra (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở tổng kết hơn 10 năm thực hiện Luật Thanh tra năm 2010, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác thanh tra để phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước thời kỳ mới.

Sắp xếp hệ thống thanh tra bảo đảm hiệu quả, không tăng biên chế

+ So với luật hiện hành, Luật Thanh tra (sửa đổi) có những điểm mới đáng chú ý nào, thưa ông?

Điểm mới đầu tiên là Luật Thanh tra (sửa đổi) đã có những quy định để hoạt động thanh tra từng bước chuyên nghiệp, phân biệt với hoạt động kiểm tra thường xuyên.

Vì vậy, luật đã bỏ hình thức thanh tra thường xuyên, vì thực chất đây là hoạt động kiểm tra của bất kỳ cơ quan quản lý nào. Luật cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong tổ chức hoạt động kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sơ hở, yếu kém trong quản lý, làm tốt biện pháp ngăn ngừa, cũng như thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ công vụ, nâng cao tính liêm chính của đội ngũ công chức, viên chức. Từ đó, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thấy cần thiết thì sẽ tiến hành thanh tra một cách toàn diện để xử lý có hiệu quả hành vi vi phạm.

Ngay kế hoạch thanh tra cũng được xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các nguy cơ sai phạm trong ngành, lĩnh vực chứ không phải làm “lần lượt”. Có nghĩa, kế hoạch thanh tra được xây dựng bài bản, có trọng tâm, trọng điểm để hoạt động thanh tra chuyên nghiệp, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước.

Điểm mới thứ hai, là sắp xếp một bước hệ thống các cơ quan thanh tra Nhà nước, để làm sao vừa bảo đảm hiệu quả hoạt động, vừa không làm tăng biên chế, đầu mối đơn vị trực thuộc theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Về cơ bản, cơ quan thanh tra theo cấp hành chính không thay đổi nhiều, nhưng thanh tra theo ngành, lĩnh vực có một số thay đổi để phù hợp với yêu cầu quản lý.

Thực tế, rất nhiều hoạt động gọi là thanh tra chuyên ngành của các cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra. Ngược lại, một số hoạt động của một số cơ quan, tuy không phải cơ quan thanh tra, nhưng do yêu cầu của công tác quản lý lại được tổ chức khá chặt chẽ với đội ngũ làm công tác thanh tra chuyên nghiệp, đặt ra yêu cầu cần phải chuyên nghiệp hoá thanh tra trong lĩnh vực này.

Cho nên, lần này Quốc hội cho phép thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ với những ngành, lĩnh vực thực sự có nhu cầu, thay vì như hiện nay chỉ có thanh tra bộ. Sau này, Chính phủ sẽ tính toán rất cẩn thận xem tổng cục, cục nào được thành lập cơ quan thanh tra trên cơ sở thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra tại các tổng cục, cục này để bảo đảm không phát sinh thêm đầu mối và biên chế.

Tương tự như vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng quy định không phải tất cả các sở đều thành lập cơ quan thanh tra để tránh dàn trải. Điều này xuất phát từ thực tế, bởi biên chế ở tỉnh hạn hẹp, một số nơi, lĩnh vực quản lý không có nhu cầu lớn, thanh tra sở chỉ có 1 - 2 người, dẫn đến hoạt động hiệu quả thấp.

Thanh tra sở sẽ được xác định theo quy định của luật; ở lĩnh vực quản lý rộng, phức tạp và Quốc hội giao Chính phủ xác định.

Những sở còn lại, UBND tỉnh được giao quyết định có thành lập cơ quan thanh tra hay không trên cơ sở tính toán nhu cầu quản lý, biên chế. Quy định như vậy phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Ngoài ra, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng cho phép thành lập cơ quan thanh tra ở các cơ quan thuộc Chính phủ, ví dụ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, sau này Chính phủ sẽ quyết định thành lập tổ chức cơ quan thanh tra đó như thế nào.

Điểm mới rất quan trọng nữa là luật đã đưa ra trình tự, thủ tục rất chặt chẽ để tiến hành một cuộc thanh tra, từ thành lập đoàn thanh tra, thu thập thông tin, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra trực tiếp, ra kết luận thanh tra. Đây chính là điểm quan trọng để phân biệt hoạt động thanh tra, dù là thanh tra hành chính hay chuyên ngành cũng phải được tiến hành bài bản chuyên nghiệp, khác với hoạt động kiểm tra thường xuyên được thực hiện linh hoạt, mềm mại đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

“Luật Thanh tra năm 2010 có quy định về thanh tra nhân dân. Thực chất thanh tra nhân dân là giám sát của nhân dân ở cơ sở, nếu để trong Luật Thanh tra sẽ không phù hợp, đôi khi còn gây ra nhầm lẫn giữa thanh tra nhân dân và thanh tra Nhà nước. Vì vậy, Luật Thanh tra (sửa đổi) không quy định thanh tra nhân dân. Nội dung này được chuyển sang quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và cũng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 4 này” - TS Đinh Văn Minh.          

Tạo ra cơ chế, rõ trách nhiệm trong hoạt động thanh tra

+ Quá trình thảo luận, đại biểu Quốc hội yêu cầu không chỉ nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra mà còn phải kiểm soát quyền lực trong hoạt động này để tránh tham nhũng, tiêu cực?

Đúng vậy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong chính cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra Chính phủ đã có các nghị quyết quy định những điều cấm trong quá trình thanh tra như không được nhận quà cáp, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới bất cứ hình thức nào… Tới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng sẽ ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra.

Với Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này, chúng ta đã bổ sung các quy định liên quan đến kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Đó là, tạo ra cơ chế, gắn trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra với hoạt động thanh tra.

Bên cạnh đó, có các phương thức như thành lập tổ để giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Hoặc thiết lập các “kênh” để tiếp nhận tố cáo, phản ánh, kiến nghị của đối tượng thanh tra và xã hội về hoạt động của đoàn thanh tra.

Đặc biệt, luật lần này đã quy định rõ việc ban hành kết luận thanh tra để tránh tình trạng các kết luận chậm trễ do phải tham khảo, xin ý kiến. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận đó.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) tại kỳ họp 4 sáng ngày 14/11. Ảnh: P.Thắng

Với những vụ việc liên quan đến an ninh, quốc phòng, vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh giao thì phải báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trước khi ký kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, ý kiến của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước phải được thể hiện bằng văn bản, có thời hạn. Nếu quá thời hạn mà không có ý kiến thì người ra quyết định thanh tra vẫn ký ban hành kết luận đúng thời hạn pháp luật đã quy định.

Tất cả những quy định mới đó để bảo đảm thanh tra minh bạch, liêm chính, tránh những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động thanh tra.

+ Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng có quy định, có thể sửa đổi, bổ sung kết luận thanh tra đã ban hành trước khi công khai. Tại sao lại có quy định như vậy, thưa ông?

Thực tế các cuộc thanh tra thường diễn ra trong thời gian dài với rất nhiều nội dung. Cho nên, khi chưa công khai, cơ quan thanh tra rà soát, nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh kết luận thanh tra đã ký cho phù hợp. Điều này để bảo đảm tính chính xác, khách quan, khả thi của kết luận thanh tra, cũng như bảo đảm lợi ích tối đa cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cũng phải nói thêm rằng, Luật Thanh tra (sửa đổi) còn cho phép một cuộc thanh tra có thể ban hành nhiều kết luận thanh tra. Bởi cuộc thanh tra có nhiều nội dung, thì nội dung nào rõ và đủ cơ sở thì kết luận ngay để phục vụ công tác quản lý Nhà nước và tiếp tục tiến hành thanh tra các nội dung khác theo quyết định thanh tra. Đây là quy định mà thực tiễn đã chứng minh sự cần thiết; đồng thời làm cho hoạt động thanh tra linh hoạt, gắn bó với hoạt động quản lý.

Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt ngay mà không phải đợi kết luận thanh tra

+ Kết luận thanh tra được ban hành rồi, điều quan trọng để đánh giá hiệu quả hay không nằm ở khâu thực hiện kết luận đó?

Thực hiện kết luận thanh tra là vấn đề đặt ra rất nhiều. Thực tế, một số kết luận thanh tra không được thực hiện triệt để hoặc thực hiện rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân vẫn là trách nhiệm. Chúng ta có Nghị định 33 năm 2015 quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, tuy nhiên vấn đề trách nhiệm cũng không thật rõ ràng.

Vì vậy, lần này, Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rất cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, thủ trưởng cơ quan thanh tra, đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra. Đương nhiên, những người không thực hiện thì phải xử lý trách nhiệm.

Hiện nay, chúng ta có các quy định rất nghiêm khắc với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ. Thực hiện kết luận thanh tra là một nhiệm vụ công vụ, là thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước mà anh không chỉ đạo tổ chức thực hiện là vi phạm rồi, phải xem xét xử lý trách nhiệm.

Còn đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận mà không thực hiện thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để xử lý. Chúng ta không hình sự hóa mà cố gắng để thực hiện các biện pháp kinh tế, nhưng cố tình chây ỳ, chống đối thì phải xử lý nghiêm khắc, và có thể xử lý cả bằng biện pháp hình sự.

Ở đây, để thực hiện kết luận thanh tra hiệu quả thì đòi hỏi kết luận thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, bên cạnh tính chính xác, khách quan.

Thanh tra không phải chỉ vấn đề luật pháp, mà còn phải đánh giá những kiến nghị có khả thi không, có cơ sở thực hiện không, đặc biệt là khi thanh tra các dự án vì liên quan đến quá trình đầu tư, việc làm, sự phát triển kinh tế -xã hội…

Không thể mong cứ có kết luận là sẽ được thực hiện, mà đây là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi các cơ quan phải theo dõi, đôn đốc, thậm chí phải bàn bạc, trao đổi để có phương án thực hiện kết luận thanh tra.

+ Cũng liên quan đến thực hiện kết luận thanh tra, vấn đề thu hồi tài sản được đặc biệt quan tâm. Luật mới lần này có mở ra những cơ chế để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản không, thưa ông?

Thu hồi tài sản là vấn đề quan trọng. Lần sửa đổi này, chúng ta đưa ra quy định, ngay trong quá trình thanh tra, với những vụ việc đã rõ ràng thì người ra quyết định thanh tra ra quyết định thu hồi tài sản ngay mà không phải đợi kết luận thanh tra.

Trường hợp chưa thu hồi ngay được thì yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; kiến nghị cơ quan khác có biện pháp ngăn chặn đối tượng có hành vi tẩu tán tài sản. Những biện pháp này để bảo đảm thu hồi được tài sản khi kết thúc cuộc thanh tra, mọi việc đã rõ ràng.

Cơ quan thanh tra không chỉ kết luận đúng - sai, đánh giá các nội dung mà phải hết sức quan tâm đến thu hồi tài sản. Đây cũng là yêu cầu của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra để tránh chồng chéo

Theo TS Đinh Văn Minh, hiện tượng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là vấn đề xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm, thậm chí bức xúc. Để giảm tình trạng này, Luật Thanh tra (sửa đổi) có nhiều quy định mới.

Khác với trước kia, các cơ quan thanh tra có kế hoạch thanh tra riêng lẻ thì nay tập trung về một đầu mối. Ví dụ, một bộ có 1 kế hoạch thanh tra do bộ trưởng ban hành (gồm các kế hoạch thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục - nếu có); hay ở địa phương cũng có 1 kế hoạch thanh tra do chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành (gồm các kế hoạch thanh tra cấp tỉnh, thanh tra sở, thanh tra huyện). Như vậy, ngay từ khâu lập kế hoạch đã “khử” sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra.

Để tránh chồng chéo với kiểm toán, luật mới đã quy định các nguyên tắc xử lý từ khâu xây dựng kế hoạch hàng năm. Hiện, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng có quy chế phối hợp để xử lý tốt ngay từ đầu.

Trường hợp kế hoạch đã ban hành rồi mà xuất hiện trùng lặp thì cũng có những quy định nguyên tắc để làm sao đối với một nội dung thì chỉ có 1 cơ quan đến thanh tra, kiểm toán. Ngoài ra, cũng có quy định về việc trao đổi thông tin, sử dụng, tham khảo kết quả thanh tra, kiểm toán để giảm bớt gánh nặng cho đối tượng thanh tra, kiểm toán… Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ có trách nhiệm điều hòa, xử lý những việc như vậy. 

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương): Luật mới đòi hỏi ngành Thanh tra phải làm việc trách nhiệm hơn Với Luật Thanh tra (sửa đổi), ngành Thanh tra phải làm việc tích cực hơn, trách nhiệm hơn, đảm bảo kết luận thanh tra chất lượng, chứ không chậm trễ, kéo dài.  Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương). Ảnh: P.Thắng Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), mở ra cho ngành Thanh tra những điều kiện thuận lợi để tiến hành công việc nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ví dụ, quá trình thanh tra, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, chức vụ… thì cơ quan thanh tra có thể chuyển ngay hồ sơ, kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, thông báo cho Viện KSND cùng cấp biết. Như vậy, sẽ nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thanh tra. Tôi rất ủng hộ khi Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định rành mạch thẩm quyền, quy trình, thời hạn ban hành kết luận thanh tra, cũng như trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, đối tượng thanh tra… Với những quy định này, đòi hỏi ngành Thanh tra phải làm việc tích cực hơn, trách nhiệm hơn, đảm bảo kết luận thanh tra chất lượng, chứ không chậm trễ, kéo dài, “phân bua” trình bày. Đối tượng thanh tra, tổ chức, cơ quan liên quan cũng phải có trách nhiệm thực hiện kết luận thanh tra, nếu không thực hiện thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý. Khi luật đi vào cuộc sống thì rõ ràng, vừa có tác dụng trong công tác thanh tra nói chung, vừa tạo những hiệu ứng tích cực cho xã hội trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc): Có thanh tra tổng cục, cục sẽ phát huy hiệu quả quản lý với ngành, lĩnh vực rộng Tôi nhất trí việc Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho thanh tra bộ, ngành Trung ương có đủ lực lượng chính thức để bao phủ và phát huy hiệu quả quản lý Nhà nước với ngành, lĩnh vực rộng, ảnh hưởng nhiều đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước.  Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc). Ảnh: P.Thắng Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ trên thực tế không làm phát sinh bộ máy, biên chế mới, vì thực tế hiện nay đã tổ chức các đơn vị làm công tác thanh tra tại các tổng cục, cục thuộc bộ. Hơn nữa, luật đã quy định nguyên tắc thành lập với 3 tiêu chí, như vậy sẽ loại trừ việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ ở những nơi không cần thiết, làm phát sinh tổ chức bộ máy, biên chế. Quan trọng là việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra của bộ và tổng cục, cục đã được luật quy định cơ chế kiểm soát. Cụ thể là đã phân định nhiệm vụ của thanh tra bộ và có cơ chế chồng chéo ngay từ giai đoạn xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra. Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành để hoạt động thanh tra bảo đảm đúng nguyên tắc đặt ra trong Nghị quyết 18 “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Nam Định): Doanh nghiệp sẽ rất phấn khởi khi hoạt động thanh tra minh bạch, không trùng lặp Tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán khiến các doanh nghiệp “kêu” rất nhiều. Bởi một năm có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào làm việc, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường nên họ không đồng tình. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Dũng (Nam Định). Ảnh: P.Thắng  Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp để khắc phục tình trạng chồng chéo và địa phương cũng vậy. Lần này, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã luật hóa, đưa ra các quy định để tránh chồng chéo, trùng lặp là điều rất đáng quý như quy định mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 kế hoạch thanh tra hàng năm. Khi luật có hiệu lực thi hành thì Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương bắt buộc phải thực hiện, từ đó sẽ giúp các cơ quan hoạt động thuận lợi hơn. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng, khi đón nhận thông tin này sẽ đồng tình, phấn khởi vì thấy hoạt động thanh tra minh bạch, công khai. Nếu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có trùng lặp, chồng chéo thì doanh nghiệp cũng có căn cứ để phản ánh. Xét ở khía cạnh xã hội thì cũng tiết kiệm được rất nhiều công sức, chi phí khi khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp như vậy.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm