Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hoàn thiện đề tài khoa học “Kết luận thanh tra - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Thái Hải

Thứ sáu, 17/12/2021 - 19:11

(Thanh tra) - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) vừa tổ chức hội thảo hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Kết luận thanh tra - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT làm chủ nhiệm.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh trình bày kết quả nghiên cứu đề tài. Ảnh: TH

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng, kết luận thanh tra là văn bản hành chính quan trọng trong hoạt động thanh tra.

Nội dung kết luận thanh tra và việc thực hiện kết luận thanh tra phản ánh kết quả cuối cùng của hoạt động thanh tra và mức độ đạt được mục đích thanh tra. Mặc dù vậy, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của ngành Thanh tra, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đối với kết luận thanh tra cả trên phương diện lý luận, pháp luật và thực tiễn thi hành.

“Do chưa có quy phạm giải thích “kết luận thanh tra” và quy định giá trị pháp lý của kết luận thanh tra nên còn có nhiều quan niệm khác nhau về kết luận thanh tra và bản chất của kết luận thanh tra”, TS. Khanh nói.

Bên cạnh đó, có một số vướng mắc trong trình tự, thủ tục ban hành kết luận thanh tra. Ví dụ: Việc xác định trách nhiệm của các chủ thể về kết luận thanh tra (trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, người thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước (trong trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp có ý kiến chỉ đạo can thiệp trực tiếp vào nội dung kết luận thanh tra); thời hạn ban hành kết luận thanh tra; nội dung kết luận thanh tra liên ngành; công khai kết luận thanh tra…

“Thực tiễn áp dụng tại nhiều bộ, ngành, địa phương, việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra cũng có những cách làm khác nhau. Có nơi thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra ra văn bản chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện kết luận thanh tra. Có nơi không cần ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra”, TS. Nguyễn Tuấn Khanh nhấn mạnh.

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về kết luận thanh tra, đề tài phân tích, làm rõ thực trạng các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng và thực hiện kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra Nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; chỉ ra được những những ưu điểm cũng như những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế, bất cập trong xây dựng và thực hiện kết luận thanh tra; đề xuất quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về kết luận thanh tra và bảo đảm xây dựng và thực hiện kết luận thanh tra.

Góp ý tại hội thảo, ông Trần Xuân Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ nhất trí với bố cục của Dự thảo Báo cáo tổng thuật. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn kết quả nghiên cứu, đề tài cần thể hiện rõ và sâu hơn tính pháp lý của kết luận thanh tra và vấn đề thực tiễn của việc chậm ban hành kết luận thanh tra.

“Ban Chủ nhiệm Đề tài cần quan niệm rằng, thanh tra là công cụ của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước cùng cấp; khái niệm kết luận thanh tra cần làm rõ, không nên khẳng định kết luận thanh tra là quyết định hành chính”, ông Dũng bày tỏ.

Đối với phần thực trạng của việc ban hành kết luận thanh tra, việc chậm ban hành kết luận thanh tra là khá phổ biến. Vấn đề này cần phân tích sâu và kỹ ở việc luận giải những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Hơn nữa, Ban Chủ nhiệm Đề tài cần cập nhật những văn bản mới ban hành và trình bày lại một số nội dung cho chính xác.

Bà Nguyễn Thị Yến, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao giá trị thực tiễn của đề tài. Với hàm lượng nội dung nghiên cứu thể hiện trong báo cáo tổng thuật, đề tài sẽ đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về kết luận thanh tra và bảo đảm việc ban hành và thực hiện kết luận thanh tra có giá trị trong thực tiễn.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cần luận giải rõ hơn nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đã trình bày tại phần thực trạng, trong đó, đặc biệt cần nhấn mạnh tới vấn đề địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra chưa độc lập, thẩm quyền chưa đủ mạnh, quy định về ban hành và thực hiện kết luận thanh tra trong Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều hạn chế, bất cập.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, đây là đề tài rất sâu về kết luận thanh tra, có nhiều vấn đề mới được Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp cận nghiên cứu. Tuy nhiên, đề tài cần làm rõ hình thức, giá trị pháp lý, thi hành của của kết luận thanh tra.

Kết thúc hội thảo, Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự để hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm