Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy mạnh việc triển khai phiếu tự kiểm tra trực tuyến

Thứ ba, 29/06/2021 - 06:00

(Thanh tra)- Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang khó kiểm soát, thời gian tới, Thanh tra ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai phiếu tự kiểm tra trực tuyến, tiến tới 100% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản và thực hiện tự kiểm tra trực tuyến qua trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang khó kiểm soát, thời gian tới Thanh tra ngành LĐTB&XH sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai phiếu tự kiểm tra trực tuyến. Ảnh minh họa: Internet

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH, kế hoạch thanh tra của Bộ LĐTB&XH hàng năm được lập và phê duyệt từ tháng 10 của năm trước đó, đồng thời Bộ có văn bản đôn đốc các sở LĐTB&XH xây dựng và phê duyệt kế hoạch sớm để đảm bảo tính chủ động trong hoạt động thanh tra của ngành.

Năm 2021, Chiến dịch Thanh tra lao động với chủ đề “Tăng cường tuân thủ pháp luật, an toàn, vệ sinh lao động tại công trường xây dựng” được phát động tại tỉnh Đắk Lắk. Thông qua các thông điệp được truyền tải qua phương tiện truyền thông để người dân biết và hiểu những quy định cơ bản của pháp luật, người sử dụng lao động được hiểu về những sai phạm thường gặp trong từng lĩnh vực cụ thể để có biện pháp ngăn ngừa và có phương án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, sau dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, tình hình dịch Covid-19 trở nên khó kiểm soát, lan nhanh ra nhiều địa phương trên cả nước, để phù hợp với đòi hỏi của tình hình mới về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu thanh tra các địa phương chủ động tập trung thanh tra tại các công trường xây dựng (các đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ chỉ thực hiện thanh tra tại địa bàn TP Hà Nội và các địa phương chưa công bố dịch).

Cũng theo ông Tùng, thay vì thanh tra toàn diện việc thực hiện pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, đề cương thanh tra chủ yếu tập trung vào những nội dung gây mất an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động để rút ngắn thời gian làm việc trực tiếp và  đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch nhưng vẫn thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước của ngành.

Dự kiến, cuối tháng 6/2021, Bộ LĐTB&XH sẽ ban hành quyết định điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2021 theo hướng giảm số cuộc thanh tra tại doanh nghiệp và các cuộc thanh tra tiếp xúc với nhiều đối tượng, di chuyển nhiều địa phương.

Theo Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH, ngoài việc điều chỉnh giảm số lượng các cuộc thanh tra, nhiều đơn vị trong ngành Thanh tra còn đề xuất thực hiện thêm một số hình thức mới không phiền hà đến đơn vị được thanh tra, đó là không tiếp xúc trực tiếp với đối tượng thanh tra (chỉ làm việc qua hồ sơ).

Ngay từ năm 2006, việc sử dụng phiếu tự kiểm tra pháp luật lao động để doanh nghiệp tự kê khai đã trở thành một công cụ hữu hiệu phục vụ hoạt động của Thanh tra ngành LĐTB&XH. Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, tuy không hiệu quả, toàn diện và chính xác như hình thức thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng phiếu tự kiểm tra cũng là một kênh giúp cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá tình hình tuân thủ của các doanh nghiệp, xác định được các sai phạm chủ yếu theo từng lĩnh vực để khoanh vùng kiểm soát; về phía doanh nghiêp, phiếu tự kiểm tra như một công cụ tư vấn, tự rà soát lại tình hình tuân thủ của mình, những điểm chưa đạt cần khắc phục.

Năm 2017, phiếu tự kiểm tra pháp luật lao động bắt đầu được triển khai theo hình thức trực tuyến đã giúp mở rộng số lượng các doanh nghiệp tham gia, tính chính xác của kiến nghị thanh tra được nâng lên, các kiến nghị đối với các hành vi vi phạm được đưa ra ngay sau khi doanh nghiệp kê khai thông tin trong phiếu, thanh tra viên hầu như không mất thời gian xử lý phiếu.

“Việc thực hiện tự kiểm tra trực tuyến đặc biệt phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, mọi người dân được khuyến cáo tránh tiếp xúc gần”, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh.

Năm 2020, phần mềm phiếu tự kiểm tra trực tuyến tiếp tục được hoàn thiện, cập nhật quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn. Hiện tại, phần mềm bao gồm 11 mẫu phiếu áp dụng cho doanh nghiệp hoạt động ở 11 lĩnh vực của nền kinh tế: May, da giầy, thủy sản, du lịch, xây dựng, khai thác mỏ lộ thiên, cơ khí, điện tử, gỗ, vật liệu xây dựng, doanh nghiệp không thuộc 10 loại hình trên.

Dự kiến trong năm 2021, 2022, sẽ xây dựng và triển khai hình thức phiếu tự kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khó kiểm soát, thời gian tới thanh tra ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai phiếu tự kiểm tra trực tuyến, tiến tới 100% số doanh nghiệp đăng ký tài khoản và thực hiện tự kiểm tra trực tuyến qua trang thông tin điện tử http://tukiemtraphapluatlaodong.gov.vn.

Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19, phương thức này đã phát huy tác dụng trong việc giúp cơ quan quản lý có thể phát hiện được sai phạm của doanh nghiệp mà không phải thực hiện thanh tra trực tiếp. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền về tuân thủ pháp luật lao động, khuyến cáo sai phạm theo từng ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, sẽ quan tâm mở thêm các kênh thông tin trao đổi 2 chiều giữa doanh nghiệp/người lao động và cơ quan thanh tra để kịp thời đưa ra các hướng dẫn tuân thủ.

Đối với các cuộc thanh tra trực tiếp, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, tạm thời chỉ tập trung thanh tra các nội dung vi phạm gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe của người lao động, vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động để rút ngắn thời gian thanh tra tại doanh nghiệp.

PV

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam: Thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.

Lâm Ánh

15:43 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm