Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 17/01/2024 - 09:23
(Thanh tra) - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Chung cho rằng, để giải quyết triệt để tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, giải pháp hàng đầu là tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra.
Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Chung. Ảnh: MIC
Theo ông Nguyễn Thành Chung, đó là giải pháp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm và dấu hiệu vi phạm; đảm bảo hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai đồng đều tại các địa phương, nhằm tối ưu hóa nguồn lực của hệ thống thanh tra TT&TT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
PV: Để tập trung xử lý tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí như tình trạng “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí thời gian qua, Bộ TT&TT đã đề ra những giải pháp quản lý Nhà nước, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra đã đem lại những kết quả cụ thể nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Chung: Trong thời gian qua, Bộ TT&TT, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về báo chí, tập trung xử lý tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí như tình trạng “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí.
Quyết tâm của các cơ quan chức năng đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động báo chí, tuy nhiên trong hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập, một số tạp chí của các hội xã hội nghề nghiệp, các viện ngoài công lập chưa thực hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính chuyên sâu, chuyên ngành, một số cơ quan báo chí vẫn còn dấu hiệu hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, sa đà khai thác mặt trái, những tồn tại, hạn chế, tiêu cực, sai phạm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, trục lợi.
Đặc biệt, tình trạng nhà báo, phóng viên, cộng tác viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng tư cách báo chí để sách nhiễu, cưỡng đoạt tài sản, thu lợi bất chính. Riêng năm 2023 đã có 15 nhà báo, phóng viên, cộng tác viên bị bắt giữ, xử lý hình sự.
Trước thực trạng đó, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh. Bộ đã ban hành Kế hoạch số 4000/KH-BTTTT ngày 31/7/2022 triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 156-KH/BTGTW này 14/6/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay; Kế hoạch số 1029/KH-BTTTT ngày 29/3/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về việc tập trung chấn chỉnh và giải quyết cơ bản tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí (quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022); thành lập tổ công tác liên ngành gồm đại diện các cơ quan của Bộ; Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an để rà soát, đánh giá, chấn chỉnh toàn diện hoạt động của cơ quan báo chí; tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm; kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xử lý vi phạm của cơ quan báo chí. Mặt khác, kết quả xử lý được công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo, răn đe chung.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Thể hiện được tinh thần quyết liệt, kiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ, năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT lần đầu tiên triển khai kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thành Chung: Với quyết tâm xử lý hiệu quả tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, trong 2 năm qua, Bộ TT&TT đã xử lý hành vi vi phạm của 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng, dừng hoạt động 05 chuyên trang, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời gian 03 tháng đối với 03 tạp chí, nhắc nhở, chấn chỉnh đối với 08 cơ quan tạp chí; tổ chức làm việc với 110 tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội, đã tiến hành xử phạt vi phạm đối với 19 trường hợp với tổng số tiền 463 triệu đồng, thu hồi 16 giấy phép hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội của cơ quan báo chí, chuyển sở TT&TT các tỉnh, thành phố 54 trường hợp để xem xét xử lý theo thẩm quyền.
Ngoài ra, có văn bản chấn chỉnh 102 tạp chí trong việc thể hiện thông tin trên mẫu trình bày tên gọi của tạp chí không đúng quy định, yêu cầu 131 cơ quan chủ quản báo chí báo cáo tình hình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí nhằm rà soát, đánh giá và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan chủ quản báo chí, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí.
Trong thời gian này, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT lần đầu tiên triển khai kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí, qua kiểm tra đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh, trong đó đáng lo ngại nhất là dấu hiệu buông lỏng quản lý, không đảm bảo điều kiện hoạt động ban đầu cho cơ quan báo chí.
Cá nhân 05 tổng biên tập tạp chí đã bị xử phạt vi phạm hành chính do đã thực hiện hành vi cử nhà báo, phóng viên hoạt động báo chí không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí và yêu cầu cung cấp thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí. Đặc biệt, một cơ quan chủ quản báo chí có vi phạm nghiêm trọng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động báo chí, tổ chức hoạt động báo chí trái phép đã bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt rất cao.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, ngoài trách nhiệm chính thuộc về lãnh đạo, ban biên tập cơ quan báo chí thì còn có trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, cụ thể như:
Nhận thức về pháp luật báo chí của một số lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí còn hạn chế, không làm tốt nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng hoạt động cho cơ quan báo chí, cá biệt có trường hợp còn vi phạm, thực hiện các hoạt động báo chí mà không được phép, dẫn tới bị xử lý vi phạm hành chính.
Một số cơ quan chủ quản không có kinh phí để bảo đảm cho hoạt động của cơ quan báo chí, buông lỏng quản lý, phó mặc để cơ quan báo chí tự hoạt động, tự trang trải chi phí và nuôi bộ máy. Cá biệt có những trường hợp cơ quan chủ quản còn giao, khoán chỉ tiêu, doanh thu, áp đặt nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan báo chí trái quy định pháp luật hoặc can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ quan báo chí, chiếm quyền, vô hiệu hoá vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Một số cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí, nhất là tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các viện nghiên cứu không phải đơn vị sự nghiệp công lập, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý.
Để giải quyết triệt để tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, trong thời gian tới các cơ quan có liên quan cần triển khai nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, đảm bảo hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai đồng đều tại các địa phương nhằm tối ưu hóa nguồn lực của hệ thống thanh tra TT&TT, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thứ hai, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí để xảy ra vi phạm nghiêm trọng, vi phạm kéo dài theo Quyết định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư để cảnh báo, răn đe.
Thứ ba, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý đối với các cơ quan chủ quản khi để cơ quan báo chí trực thuộc xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật kéo dài, nhất là hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ để đánh giá tình trạng báo hóa nhằm xác định rõ mức độ thông tin phù hợp tôn chỉ, mục đích của tạp chí điện tử.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong xử lý vi phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp, ngoài xử lý hành chính cần xử lý về công tác tổ chức, người đứng đầu cơ quan báo chí để xảy ra sai phạm, đảm bảo việc xử lý được nghiêm minh, triệt để.
Thứ sáu, cơ quan chuyên môn cần tham mưu chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các loại hình báo chí, có cơ chế quản lý giá phù hợp để các cơ quan báo chí thuận lợi trong việc nhận đặt hàng thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, truyền thông chính sách,...
PV: Nội dung thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý tình trạng “báo hóa”, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí có được đưa vào định hướng công tác thanh tra năm 2024 không, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Chung: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, trong năm 2024 Thanh tra Bộ TT&TT tiếp tục triển khai chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét.
Hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm như kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí nơi có biểu hiện mâu thuẫn nội bộ, buông lỏng quản lý, rà soát tổng thể hoạt động của cơ quan báo chí có dấu hiệu vi phạm, bị nhiều tổ chức, cá nhân phản ánh để xử lý, trong đó kết hợp kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện; giám sát chặt chẽ cơ quan báo chí đã bị xử phạt vi phạm hành chính, các cơ quan báo chí hoạt động chệch hướng, không đúng đề án đã đề được cấp phép.
Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực của toàn ngành thanh tra TT&TT, nhất là cho các sở TT&TT ở địa phương nhằm đảm bảo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thanh tra Bộ TT&TT cũng đề nghị các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí cần quan tâm các nội dung sau đây để phòng ngừa, tránh mắc phải các vi phạm trong hoạt động báo chí, cụ thể:
- Đối với các cơ quan chủ quản cần thực hiện đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ quy định tại Điều 15 Luật Báo chí, theo đó tập trung chỉ đạo, ban hành văn bản phê duyệt kế hoạch, định hướng hoạt động hàng năm của cơ quan báo chí; xây dựng quy trình, quy chế để làm căn cứ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản hồi thông tin đối với cơ quan báo chí; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ lãnh đạo cơ quan cơ quan báo chí vừa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Ban Bí thư, quy định của Luật Báo chí, vừa phù hợp với nhu cầu đặc thù của cơ quan chủ quản; tăng cường công tác quản lý biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên nhất là phóng viên văn phòng đại diện, thường trú; quán triệt phóng viên, cộng tác viên tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tổ chức thực hiện giám sát thường xuyên hoạt động của cơ quan báo chí và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.
- Đối với cơ quan báo chí cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin và các văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; nâng cao chất lượng tuyển chọn nhân sự, phóng viên, nhất là những người giữ trọng trách quan trọng trong cơ quan báo chí; xây dựng quy chế, quy trình quản lý chặt chẽ nhân sự, nhất là việc cấp và sử dụng giấy giới thiệu nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng danh nghĩa làm việc tại cơ quan báo chí để trục lợi hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; bố trí nhân sự có đủ điều kiện, trình độ chuyên môn tham gia công tác biên tập nội dung tin, bài; xây dựng, triển khai các quy trình, quy chế tác nghiệp, biên tập, kiểm duyệt tin, bài nhằm quản lý chặt chẽ, tuân thủ nghiêm chỉ đạo, định hướng, kỷ luật thông tin trên báo chí, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, các quy định tại giấy phép và pháp luật về báo chí, bảo đảm khách quan, chính xác khi đưa tin, tăng cường chất lượng nội dung và các tin, bài có tính chất chuyên ngành, chuyên sâu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Nam đã tiến hành 810 vụ kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, số vụ vi phạm bị xử lý 415 vụ (số vụ vi phạm QLTT xử phạt 414 vụ, số vụ chuyển xử lý hình sự 1 vụ); thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 2.500.821.495 đồng.
Lâm Ánh
15:43 22/11/2024(Thanh tra) - Sáng ngày 22/11, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam.
Phương Hiếu
12:31 22/11/2024Phương Hiếu
16:23 21/11/2024Trung Hà
14:02 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân