Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Nội vụ: Thực hiện kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Phương Anh

Thứ bảy, 21/10/2023 - 14:12

(Thanh tra)- Từ đầu năm đến nay, Bộ Nội vụ đã tổ chức thực hiện theo định hướng của Thanh tra Chính phủ, thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2023 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, đồng thời tập trung đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành công khai kết luận các cuộc thanh tra.

Thanh tra Bộ Nội vụ công bố quyết định thanh tra tại UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Thanh tra Bộ Nội vụ

9 tháng đầu năm 2023, Bộ Nội vụ đã triển khai thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực luôn coi trọng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng và thực hiện định hướng, chương trình, kế hoạch thanh tra hằng năm; việc tiếp công dân, giải quyết KNTC và công tác PCTN, tiêu cực nhằm góp phần ổn định hệ thống chính trị - xã hội của đất nước.

Trong công tác thanh tra, Bộ Nội vụ đã tổ chức thực hiện theo định hướng của Thanh tra Chính phủ; thực hiện Kế hoạch thanh tra năm 2023 đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; đã chỉ đạo tiến hành thực hiện các cuộc thanh tra đảm bảo theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt; tập trung đẩy tiến độ, hoàn thiện dự thảo, ban hành công khai kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã kết thúc thanh tra trực tiếp.

Quý III/2023, Bộ Nội vụ đã tiến hành 11 cuộc thanh tra chuyên ngành, tích luỹ 9 tháng đầu năm đã tiến hành 25 cuộc. Đến nay, Bộ Nội vụ đã công bố kết luận thanh tra đối với 11 cuộc; xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, lấy ý kiến kết luận thanh tra đối với 12 cuộc và đang tiến hành thanh tra đối với 2 cuộc.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, PCTN tiêu cực luôn được lãnh đạo Bộ Nội vụ quan tâm chỉ đạo sát sao đến các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm KNTC, kiến nghị, phản ánh.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, có 393 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh (trong đó, quý III/2023 có 148 lượt người). Nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh chủ yếu liên quan đến việc giải quyết đất đai tại các địa phương; ra quyết định trái pháp luật, số lượng cấp phó; sắp xếp tổ chức bộ máy, bổ nhiệm không đúng quy định; công tác bầu cử; chế độ tiền lương; bảo hiểm; tham nhũng, tiêu cực; thi hành công vụ; việc hưởng chế độ phụ cấp; cựu thanh niên xung phong; các hành vi vi phạm pháp luật...

Tất cả đơn thư gửi đến Bộ Nội vụ và các đơn vị trực thuộc đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo luật định.

Thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019, Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có Văn bản số 125/BNV-VP ngày 11/5/2022 gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc yêu cầu giải quyết tình trạng công dân khiếu kiện đông người. Kết quả, trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023, Bộ Nội vụ không có tình trạng tồn đọng công dân khiếu kiện đông người thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ.

Theo dự báo, trong quý IV/2023, tình hình công dân đến Bộ Nội vụ KNTC vẫn tập trung vào các nội dung như đã báo cáo liên quan đến việc giải quyết đất đai tại các địa phương; sai phạm trong việc thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp, tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức, viên chức; các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN tiêu cực, thi đua, khen thưởng, tín ngưỡng, tôn giáo...

Với kết quả đạt được trên các mặt hoạt động trong thời gian qua, có thể xác định các giải pháp trong công tác PCTN, tiêu cực tại Bộ Nội vụ đã và đang thực hiện có hiệu lực, hiệu quả.

Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, Bộ Nội vụ đề nghị Thanh tra Chính phủ tham mưu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bổ sung cơ chế, chính sách hoặc ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công tác tiếp công dân, PCTN, tiêu cực giúp các cơ quan, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt, cần có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện việc kê khai tài sản, trong đó, nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân tiếp nhận, ký nhận, niêm yết công khai bản kê khai và hướng dẫn quy trình cụ thể, thống nhất về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh tài sản, thu nhập hằng năm.

Bộ Nội vụ đề nghị Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng, triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thống nhất.

Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đối với những người được giao phụ trách liên quan đến công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập để kịp thời giải quyết các vấn đề còn chưa rõ hoặc có vướng mắc giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể sớm triển khai thực hiện, bảo đảm thống nhất và đúng quy định.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm