Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo Thanh tra góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực gas

Thứ tư, 27/11/2019 - 17:03

(Thanh tra)- Đó là thông điệp được ghi trong thư cảm ơn của Chi hội Gas miền Tây (thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam) gửi Báo Thanh tra, sau loạt bài vạch trần các hành vi khuất tất liên quan đến hoạt động kinh doanh gas của một doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang.

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đang kiểm đếm nghi vấn về một số bình gas có dấu hiệu cắt tai mài vỏ do Đội QLTT số 4 thu giữ trước đó. Ảnh: Nam Dũng

“Thay mặt các doanh nghiệp đang kinh doanh dầu mỏ khí hóa lỏng LPG tại các tỉnh miền Tây nói riêng và cả nước nói chung, chúng tôi trân trọng gửi lời cảm ơn tới Báo Thanh tra và những người đang công tác tại Báo Thanh tra. Với sự quan tâm, giúp đỡ từ quý Báo, các bài viết đã góp phần tích cực, thúc đẩy các cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc, điều tra hành vi của doanh nghiệp có sai phạm.

Từ đó, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ khí hóa lỏng”, Chi hội Gas miền Tây nhấn mạnh trong thư.

Từ ngăn chặn “ông trùm gas lậu” miền Tây…

Trước đó, Báo Thanh tra đã có những bài viết về Doanh nghiệp tư nhân gas Chín Thảo (gọi tắt là DN Chín Thảo, địa chỉ ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) có nhiều hành vi khuất tất liên quan đến hoạt động kinh doanh gas.

Cụ thể, tháng 12/2018, Công an tỉnh Hậu Giang kiểm tra đột xuất trạm chiết nạp gas của DN Chín Thảo. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện DN Chín Thảo đã có hành vi chiết nạp và thu giữ 576 vỏ bình gas của các công ty khác, trong đó có 485 vỏ bình không có gas bên trong và 91 bình đã nạp gas. Công an đã thu giữ tang vật là các vỏ bình gas của các công ty khác mà DN Chín Thảo không có hợp đồng thuê nạp LPG tại trạm nạp.

Sau khi thông tin trên được công bố rộng rãi trên truyền thông, Chi hội Gas miền Tây, Hiệp hội Gas Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo 389, Công an tỉnh Hậu Giang để gửi lời cảm ơn và đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang quan tâm, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh gas.

Tại sao “ông trùm gas lậu miền Tây” thực hiện nhiều hành vi phi pháp ở nhiều tỉnh miền Tây, dù không ít lần bị bắt quả tang, nhưng chỉ bị cơ quan chức năng, trong đó có Công an tỉnh Hậu Giang “giơ cao đánh khẽ”, để từ đó “ông trùm” tiếp tục có cơ hội lũng đoạn thị trường gas miền Tây nói riêng, thị trường gas Việt Nam nói chung.

Quá trình thâm nhập thực tế, phóng viên nhận thấy “ông trùm gas lậu miền Tây” có nhiều mối quan hệ khá phức tạp và nhạy cảm. Thậm chí, khi tiếp xúc với phóng viên, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang cũng… ngại cung cấp các thông tin liên quan đến DN Chín Thảo.

Sau phản ánh của Báo Thanh tra, hiện các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, xử lý. Tuy nhiên, có một vấn đề là phóng viên Báo Thanh tra đã nhiều lần đến các cơ quan như: UBND tỉnh Hậu Giang, Cục QLTT, Công an tỉnh Hậu Giang, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi về kết quả cuối cùng từ các cơ quan này.

… đến giải cứu doanh nghiệp kinh doanh gas tại Đắk Lắk suýt bị “xóa xổ”

Từ đầu tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” hoạt động bất hợp pháp, thì tình hình kinh doanh gas bán lẻ trên địa bàn tỉnh này cũng trở lên “bát nháo”, các hành vi đe dọa, ép buộc các đơn vị tham gia hiệp hội diễn ra công khai và rất ngang ngược.

Theo phản ánh của Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tin (viết tắt DN Thanh Tin, trụ sở tại 42 Nguyễn Văn Trỗi, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ), là một tổng đại lý kinh doanh khí gas (LPG) tại khu vực Đắk Lắk của nhiều công ty, tập đoàn lớn gần 20 năm nay, do không tham gia “Hiệp hội Gas Đắk Lắk” - tổ chức bị các cơ quan chức năng khẳng định là bất hợp pháp, nên đã bị nhóm doanh nghiệp thuộc “Hiệp hội” lên “kịch bản” hãm hại DN Thanh Tin.

Sau nhiều lần từ chối tham gia hiệp hội gas bất hợp pháp, ngày 9/7/2019, DN Thanh Tin bị Đội QLTT số 4, Cục QLTT Đắk Lắk tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Nội dung kiểm tra về việc “chiếm giữ trái phép, mua bán trao đổi, lưu giữ chai LPG không thuộc sở hữu”.

Vẫn hàng hóa như vậy, vẫn hoạt động như vậy, nhưng chỉ trước đó hơn 1 tháng, Đội QLTT số 4 vẫn khẳng định Thanh Tin chấp hành tốt pháp luật, không có sai phạm. Nay thì “đột nhiên phát hiện” doanh nghiệp lưu giữ 1.919 vỏ bình gas (chai LPG) loại 12kg mang các thương hiệu khác nhau.

Trên thực tế, không chỉ ở Đắk Lắk, mà ở nhiều tỉnh, thành khác từ lâu đã tồn tại một hình thức kinh doanh, tuy không được quy định trong các văn bản luật, nhưng cũng không phải hiếm thấy. Đó là các đơn vị kinh doanh gas thường xuyên có sự trao đổi vỏ bình gas nhằm mục đích kinh doanh, kinh tế và sự tiện lợi cho khách hàng.

Tức là, nếu doanh nghiệp có bình gas A muốn bán cho người tiêu dùng, trong khi người tiêu dùng đang sử dụng bình gas B, thì doanh nghiệp có bình A buộc phải đổi lấy bình B mang về và thông báo cho bên có bình B đến trao đổi bình ngang bình hoặc quy ra bằng tiền để trả cho nhau. Vì người tiêu dùng đã đóng đặt cọc vỏ bình với số tiền nhất định cho mỗi bình gas đã mua để sử dụng lần đầu rồi.

Thư cảm ơn Báo Thanh tra của Chi hội Gas miền Tây. Ảnh: Nam Dũng

Đây chính là một điều bất cập và cũng là kẽ hở pháp luật mà chưa có văn bản luật nào điều chỉnh phù hợp, làm nảy sinh các vấn đề cũng như tranh chấp phát sinh đối với giới kinh doanh gas ở nước ta hiện nay. Nếu không có quy định rõ ràng, thì bất cứ doanh nghiệp kinh doanh gas nào cũng có thể bị QLTT kiểm tra kiểu… tùy hứng.

DN Thanh Tin và các đối tác, trong đó có cả các đối tác là thành viên của “Hiệp hội Gas” bất hợp pháp, đều có giữ bình gas của nhau, và vẫn thanh toán bằng tiền mặt, hoặc chuyển khoản. Điều này QLTT nắm rõ, các doanh nghiệp cũng nắm rõ.

Với sự vào cuộc tích cực, Báo Thanh tra đã phơi bày những biểu hiện làm sai quy trình và không đúng quy định của pháp luật, nên ngày 6/9/2019, Đội QLTT số 4 đã phải ký quyết định trả lại DN Thanh Tin 1.854 vỏ chai LPG với lý do “đã xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh buôn bán LPG trong thời gian qua, Báo Thanh tra cũng đã nhận được đơn thư và có nhiều bài phản ánh tại các địa phương như: Lào Cai, Bắc Kạn, Hải Dương... Qua đó, góp phần tuyên truyền các chính sách, quy định của pháp luật trong lĩnh vực này để dư luận hiểu rõ hơn, để thuận tiện trong hoạt động kinh doanh hàng ngày.

Qua tuyên truyền, phản ánh, Báo Thanh tra đã chỉ ra những biểu hiện của sai phạm, tham nhũng có dấu hiệu “bảo kê” của một số cơ quan chức năng, qua đó cũng phần nào hạn chế được nạn nhũng nhiễu "hành" các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Chúng tôi mong rằng Báo Thanh tra tiếp tục là chỗ dựa vững chắc, tiếng nói mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải, trật tự, an ninh và pháp luật”, Chi hội Gas miền Tây nhắn gửi.

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm