Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thanh Thanh
Thứ năm, 04/04/2024 - 20:56
(Thanh tra) - “Tái thiết đô thị” đã được nêu ra bàn và đề nghị cần được làm rõ tại Hội nghị Phản biện xã hội dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, vừa diễn tra hôm nay (4/4), do Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức.
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu vấn đề về "tái thiết đô thị" tại cuộc họp. Ảnh: Q.V
“Tái thiết đô thị” là bỏ cũ xây mới, cơi nới hay làm mới?
“Tái thiết đô thị" là bỏ cũ xây mới, cơi nới hay làm mới, đô thị cổ, cũ, xuống cấp, không đạt chuẩn làm lại, hay do thiên tai, địch họa phải tái thiết... Cần giải thích từ ngữ đối với nội dung này?”, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đặt vấn đề.
Mặc dù dự thảo luật đã bổ sung khái niệm quy hoạch không gian ngầm, công trình ngầm, nhưng theo ông Ngô Sách Thực rất cần thiết quy định không gian chiều cao.
Tại đây, ông Thực cũng chia sẻ thêm, ở nhiều đô thị trên thế giới đã thực hiện lý thuyết “không gian sinh lời”. Ông cũng chỉ ra trong thực tế, nhiều khu đô thị ở Việt Nam phải khống chế chiều cao của các công trình.
“Nhiều khu dân cư mật độ nhà cao từ 30 đến 50 tầng rất dày. Nếu không có quy định rất khó xử lý vi phạm”, ông Thực nói.
Vì vậy, ông Thực đề xuất, cần có quy định chặt chẽ về thay đổi quy hoạch và hệ quả pháp lý; toàn bộ dự thảo chưa thấy đề cập đến thời gian của các loại quy hoạch đô thị. "Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch bổ sung nguyên tắc “không phá vỡ quy hoạch chung, bảo đảm môi trường, cảnh quan” là chưa đủ".
Vừa qua, nhiều khu đô thị thay đổi phân khu, chức năng, cốt đường tạo ra thiệt hại, bức xúc trong Nhân dân. Cần phải quy định trách nhiệm nếu điều chỉnh sai, gây thiệt hại cho người dân.
Quy hoạch đưa ra lấy ý kiến cộng đồng rất hình thức
Trong phát biểu, ông Thực còn đề cập tới việc tổ chức lấy ý kiến quy hoạch đô thị và nông thôn, thì tại Điều 33 và 34 cần quy định mang tính thiết thực, tránh thủ tục, hình thức.
Về lấy ý kiến cộng đồng nên quy định rõ quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu của đô thị nơi cư dân sinh sống trước khi phê duyệt hoặc điều chỉnh.
“Quy hoạch của tỉnh, của huyện đưa ra lấy ý kiến cộng đồng rất hình thức”, ông Thực nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh, hình thức lấy ý kiến khu dân cư bằng hình thức hội nghị hay lấy bằng phiếu do khu dân cư lựa chọn quyết định theo quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trách nhiệm của cơ quan lập, điều chỉnh quy hoạch lựa chọn một hoặc nhiều hình thức công khai.
Tại Điều 34: “Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và quy hoạch được thực hiện bằng một hoặc các hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, niêm yết, trưng bày tại nơi công cộng hoặc phát phiếu điều tra, phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo với các hình thức theo quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở” là chưa phù hợp, ông Thực nêu rõ.
Lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng, cần có các quy định về tổ chức lấy ý kiến theo từng cấp quy hoạch phù hợp với tính chất, tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của cấp quy hoạch.
Bên cạnh đó, cần có quy định về số lượng chuyên gia, tiêu chuẩn chuyên gia và quy định về trách nhiệm, quyền lợi của chuyên gia trong việc tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch.
Trong trường hợp này, phù hợp nhất là thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm tập hợp đông đảo hơn sự tham gia của đội ngũ trí thức, thu hút được nhiều hơn các ý kiến phản biện, tránh được hiện tượng “thân quen” và thiếu khách quan trong việc mời chuyên gia tham gia ý kiến.
Theo ông Dũng, cần có định nghĩa về cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố tham gia ý kiến về quy hoạch, quy định cụ thể đối tượng, thành phần (số lượng) đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến theo từng cấp quy hoạch, loại đô thị đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong các hoạt động quy hoạch.
Cần bổ sung quy định về trình tự lấy ý kiến đối với từng loại quy hoạch, thời gian tối đa cho việc lấy ý kiến; bổ sung các quy định về chế tài trong trường hợp không tổ chức lấy ý kiến hoặc phát hiện việc lấy ý kiến không đảm bảo quy định.
Ngoài ra còn một số các ý kiến tập trung vào nội dung quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được quy định trong dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; nguồn lực trong xây dựng, quản lý và triển khai quy hoạch; quản lý Nhà nước về quy hoạch; tính khả thi của dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trong thực tiễn hiện nay...
Được biết, các ý kiến phản biện xã hội đối với dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại hội nghị sẽ được tổng hợp để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét trước khi trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 7, vào tháng 5/2024.
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 chương, 61 điều; dự kiến tập trung giải quyết một số vấn đề chính như thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết số 06; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật; cụ thể hóa các chính sách thành yêu cầu, quy phạm pháp luật trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.
Dự thảo Luật đề cập một số điểm mới như: Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; đơn giản hóa trình tự thủ tục hành chính; bổ sung quy định về quy hoạch, tổ chức không gian ngầm; quy định rõ yêu cầu về quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Luật đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; bổ sung quy định rõ về nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch; bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của tổ chức tư vấn lập quy hoạch, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, MTTQ; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật.
Hải Hà
16:27 20/11/2024(Thanh tra) - Đó là phát biểu của Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Học viên Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, khi bàn về Luật Giáo dục, nhân ngày 20/11- Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Trà Vân
16:21 20/11/2024Phương Anh
15:07 20/11/2024Thúy Hằng
14:06 20/11/2024Kim Thành
22:23 19/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên