Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phải ngăn chặn hành vi tẩu tán, che giấu tang vật

Thứ ba, 06/12/2016 - 06:51

(Thanh tra)- Là một trong những nội dung quy định tại Thông tư 33/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/10/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành và trang phục, thẻ công chức thanh tra chuyên ngành NN&PTNT. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016.

Thông tư này áp dụng đối với Thanh tra Bộ NN & PTNT, Thanh tra Sở NN & PTNT, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (sau đây viết chung là công chức thanh tra chuyên ngành) NN & PTNT; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập ở Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục thuộc Bộ NN&PTNT, Chi cục thuộc Sở NN&PTNT được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành) để tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập ở Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở có trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên và thành viên khác; trường hợp cần thiết có phó trưởng đoàn thanh tra; thành viên khác là công chức thuộc Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở hoặc cộng tác viên thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở trưng tập hoặc người của cơ quan liên quan được mời tham gia đoàn thanh tra. Đoàn thanh tra chuyên ngành được thành lập ở cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Tổng cục, Cục thuộc Bộ NN&PTNT, Chi cục thuộc Sở NN&PTNT) có trưởng đoàn thanh tra, công chức thanh tra chuyên ngành và thành viên khác; trường hợp cần thiết có phó trưởng đoàn thanh tra; thành viên khác là công chức, viên chức của Tổng cục, Cục thuộc Bộ NN&PTNT, Chi cục thuộc Sở NN&PTNT hoặc người của cơ quan có liên quan được mời tham gia đoàn thanh tra.

Việc lựa chọn người tham gia đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.

Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra, thành viên và người ra quyết định thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 53, Điều 54, Điều 55 Luật Thanh tra 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành NN&PTNT có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT hoặc Sở NN&PTNT quyết định phân công công chức thuộc quyền quản lý, có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành NN&PTNT.

Bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành ở cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đề nghị thủ trưởng cơ quan phân công công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có quyết định phân công công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành NN&PTNT.

Chương II Thông tư quy định, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành NN&PTNT theo kế hoạch được thực hiện theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-TTCP. Trường hợp cần thiết phải lấy mẫu kiểm nghiệm thì việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.

Đối với cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất phải tiến hành nhanh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm, ngăn chặn hành vi tẩu tán, che giấu tang vật, phương tiện vi phạm, cản trở, chống đối của đối tượng thanh tra; căn cứ vào Khoản 3 Điều 40 Thông tư 05/2014/TT-TTCP:

Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được thực hiện theo các quy định từ Điều 7 đến Điều 11 của Thông tư này. Các quy định khác về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra không quy định chi tiết trong Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.

Nội dung quyết định thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 52 Luật Thanh tra năm 2010. Trường hợp cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này, trong quyết định thanh tra nếu không thể ghi tên, địa chỉ đối tượng thanh tra thì phải ghi phạm vi, nội dung, nhiệm vụ, thời hạn thanh tra.

Cũng theo quy định, quyết định thanh tra được công bố cho đối tượng thanh tra ngay khi tiến hành thanh tra và không thông báo thời gian công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra. Việc yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo được thực hiện khi tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra được thể hiện trong biên bản làm việc với đối tượng thanh tra thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp cần thiết, trưởng đoàn thanh tra quyết định việc lấy mẫu kiểm nghiệm và các chỉ tiêu phân tích mẫu kiểm nghiệm. Trình tự, thủ tục, phương pháp lấy mẫu, gửi mẫu, phân tích thực hiện theo quy định của pháp luật về lấy mẫu, gửi mẫu và phân tích mẫu kiểm nghiệm.

Khi kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thông báo cho đối tượng thanh tra về thời gian kết thúc thanh tra. Thông báo thời gian kết thúc thanh tra tại nơi thanh tra được thể hiện trong biên bản làm việc với đối tượng thanh tra theo mẫu.

Theo yêu cầu của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra.

Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải có văn bản báo cáo kết quả thanh tra với người ra quyết định thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 33 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP. Việc xây dựng kết luận thanh tra thực hiện theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra. Nội dung kết luận thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 35 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP.

B.B.Đ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

Phú Thọ: Cử tri phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường

(Thanh tra) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, nhiều vấn đề được cử tri quan tâm liên quan đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập; tình trạng kê thuốc không có đơn của bác sỹ; ô nhiễm môi trường... đã được các sở, ngành giải trình làm rõ tại hội trường.

Nam Dũng

21:51 10/12/2024

Tin mới nhất