Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gian nan đích đến

Thứ bảy, 28/07/2012 - 07:52

(Thanh tra) - Năm 2011, với 691 triệu euro bị thụt két, tính bình quân, mỗi ngày, ở Liên minh châu Âu (EU) có gần 1,9 triệu euro bị tham ô, biển thủ. Đổi lại, các quan tham cũng đã phải nhận tổng cộng 511 năm tù giam và 155 triệu euro tiền phạt.

691 triệu euro đã bị cảnh sát điều tra phát hiện và thu hồi cho ngân sách EU

Ngày 11/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, sẽ triển khai áp dụng nhiều biện pháp xử lý hình sự mới nhằm chống lại những hành vi gian lận tài chính liên quan đến ngân sách chung châu Âu, trong đó nhấn mạnh đến hành vi tham ô, biển thủ công quỹ.

Đây được coi là một trong những hành động khá quyết liệt của EC trong nỗ lực chống tham nhũng, tham ô và biển thủ công quỹ, vốn đang là một trong những nguyên nhân chính gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay ở nhiều nước thành viên của EU.

Để có được quyết định cứng rắn này là cả một quá trình vận động kéo dài của Văn phòng Chống gian lận thuộc EC (OLAF). Kể từ tháng 2/2011, sau khi lên nắm quyền điều hành OLAF, Tổng Thư ký người Italy Giovanni Kessler đã liên tục vận động và yêu cầu EC phải sớm triển khai những biện pháp cứng rắn mới nhằm trừng trị những hành vi gian lận, tham nhũng với mục tiêu kiểm tra, giám sát và trừng trị những hành vi tham ô, biển thủ công quỹ trong các hoạt động tài chính trong phạm vi EU. Đây là việc làm hết sức quan trọng và cần được ưu tiên trong hệ thống cải cách tư pháp không chỉ đối với EU mà đối với tất cả các quốc gia thành viên khác.

Những con số khủng

Nhờ những con số thống kê hàng năm của OLAF, người ta mới thấy hết được “sự thật kinh hoàng” về hành vi tham ô, biển thủ công quỹ đang diễn ra ở EU.

Nếu như năm 2009, số tiền tham ô bị phát hiện và thu hồi về cho EU chỉ có 68 triệu euro, thì đến năm 2010, con số này đã lên đến 251 triệu euro, và tiếp tục tăng khủng khiếp hơn vào năm 2011, lên tới 691 triệu euro. Tính bình quân, mỗi ngày, ở EU có gần 1,9 triệu euro bị tham ô, biển thủ. Theo OLAF, để tham ô được số tiền này, không từ gì có thể miêu tả đối với các quan tham bằng 2 từ “trắng trợn”.

Đôi nét về OLAF

OLAF bảo vệ những lợi ích tài chính của EU và sẽ tiến hành điều tra những hành vi gian lận, tham nhũng liên quan đến bất cứ dự án nào do EU tài trợ, giải ngân.

OLAF giám sát, kiểm tra những vụ việc trầm trọng liên quan đến việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ bởi các thành viên trong EC, các công chức trong các phòng, ban thuộc bộ máy điều hành của EU, và có thể theo đuổi vụ việc đó đến cùng.

OLAF hỗ trợ EC trong việc xây dựng và triển khai các chính sách phòng ngừa và điều tra các hành vi gian lận, tham nhũng.

Năm 2011, bên cạnh số tiền khổng lồ thu hồi được thì số năm tù giam mà các quan tham phải chịu cũng chẳng hề kém cạnh - với tổng cộng 511 năm tù giam và 155 triệu euro tiền phạt.

Theo thống kê của OLAF, tình trạng tham ô, biển thủ ngày càng gia tăng nguyên nhân một phần bắt nguồn từ “miếng bánh” ngân sách hỗ trợ hàng năm của EU. Tính bình quân, mỗi năm EU trợ cấp khoảng 142 tỷ euro. Con số này là quá lớn và nó không thể không “khêu gợi sự thèm muốn” của các quan tham. Bất chấp tất cả, nhiều quan tham đã không ngần ngại chia sẻ “miếng bánh” này một cách bất hợp pháp, cho dù “miếng bánh” này thực chất cũng đều là tiền thuế của người dân EU.

Để điều tra, tìm ra các hành vi tham ô, biển thủ công quỹ, OLAF chẳng phải đi tìm ở đâu xa mà chỉ cần tìm ở ngay chính trong “ngôi nhà EU”. Bằng chứng là, trong tổng số 463 vụ tham ô, biển thủ bị phát hiện trong năm 2011 thì có đến 122 vụ liên quan đến các quan chức quản lý, điều hành của EU. Con số này lớn hơn rất nhiều các vụ việc ở những lĩnh vực khác, chẳng hạn như trong lĩnh vực nông nghiệp (89 vụ), trợ giúp nước ngoài (67 vụ), hạ tầng cơ sở (64 vụ)...

Đáng nói là, trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, dù số vụ vi phạm diễn ra ít, nhưng số tiền vi phạm lại lớn hơn tất cả, với tổng số tiền sai phạm và bị thu hồi lên tới 524,7 triệu euro. Xếp thứ 2 và thứ 3 về số tiền sai phạm bị thu hồi là lĩnh vực hải quan (113,7 triệu euro) và nông nghiệp (34 triệu euro).

Cũng theo OLAF, điều làm mọi người kinh ngạc chưa hẳn chỉ là số tiền khổng lồ thu hồi từ các vụ tham ô, biển thủ, mà còn là số vụ điều tra về những hành vi tham nhũng, tham ô và biển thủ công quỹ.

Đứng đầu danh sách nước có nhiều cuộc điều tra tham nhũng nhất là Rumani, với tổng số 225 cuộc điều tra diễn ra trong năm 2011. Đặc biệt, mặc dù luôn chỉ trích các quốc gia phía Nam EU (như Áo, Italy, Cộng hòa Séc...) thường xuyên để xảy ra các vụ tham nhũng, tham ô, bản thân nước Đức lại có số vụ điều tra về tham nhũng lớn thứ 2 trong EU, với 168 vụ điều tra được triển khai trong năm 2011. Đứng sau Đức là Italy (112 vụ điều tra), Ba Lan (90 vụ), Hy Lạp (86 vụ) và Tây Ban Nha (54 vụ).

Trong các quốc gia thành viên EU, Cộng hòa Ailen là quốc gia duy nhất không có vụ điều tra tham nhũng, tham ô nào trong năm 2011. Ngoài ra, một số quốc gia khác có rất ít cuộc điều tra tham nhũng, như Cộng hòa Síp (1 vụ), Slovenia và Luxembourg (2 vụ).

Về số vụ điều tra, Italy chỉ đứng ở vị trí thứ 3, nhưng về mức độ tham nhũng, tham ô và biển thủ công quỹ mà cảnh sát đã điều tra được thì Italy lại chiếm vị trí “quán quân”. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở, cảnh sát đã điều tra, phát hiện và thu hồi tổng số tiền sai phạm lên tới 382 triệu euro, chiếm hơn 1 nửa tổng số tiền được phát hiện và thu hồi từ những vụ tham ô, biển thủ công quỹ trong toàn EU.

Có một điều khá kỳ lạ là, hầu hết những vụ điều tra được triển khai đều dựa trên nguồn cung cấp thông tin, tố cáo của tư nhân. Năm 2011, trong tổng số 1.046 lời tố cáo (hoặc thông tin cho các cơ quan tư pháp biết về hành vi tham nhũng, tham ô, biển thủ công quỹ) thì có đến 771 nguồn thông tin đến từ tư nhân. 275 nguồn thông tin còn lại đến từ cái gọi là “lĩnh vực công” (bao gồm các cơ quan, đơn vị của EU hoặc các cấp chính quyền của các quốc gia thành viên). Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thái độ thờ ơ của các cấp chính quyền trong việc kiểm tra, giám sát các hành vi liên quan đến tham nhũng, tham ô, biển thủ công quỹ, vốn đang là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên cuộc khủng hoảng ở nhiều quốc gia thành viên EU hiện nay.

Tham nhũng vẫn lên mặt đạo đức

Thời gian qua, đã có hàng nghìn lượt tố cáo các hành vi tham ô và biển thủ công quỹ. Bên cạnh đó, cũng có không ít những lời chỉ trích về sự thiếu hợp tác của cơ quan công quyền trong phòng, chống tham nhũng và biển thủ công quỹ. Đơn cử như trường hợp của Mario Vaudano, một thẩm phán người Italy và là cựu cố vấn của OLAF. Trong một cuộc phỏng vấn, Mario Vaudano đã thẳng thắn chỉ ra “thói đạo đức giả” của rất nhiều quan chức chính quyền.

Chỉ trích là vậy, nhưng những vụ tham ô, biển thủ công quỹ diễn ra ngày càng nhiều hơn, và có phần “trắng trợn” hơn. Chẳng hạn như ở nhiều địa phương thuộc đảo Corse hay ở vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur (đều ở khu vực Đông Nam nước Pháp), nhờ sự tố cáo của người dân mà cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng loạt vụ bê bối trong việc “biến” ngân sách EU đầu tư cho nông nghiệp thành nguồn quỹ để tân trang lại trụ sở làm việc và... nhà riêng.

Hạ tầng cơ sở do EU hỗ trợ ngân sách cho các nước thành viên đang là một trong những lĩnh vực bị tham ô, biển thủ nhiều nhất


Những vụ việc ở Pháp có chiều hướng giống như một vụ bê bối từng nổi đình nổi đám ở Italy mới bị cảnh sát phanh phui hồi cuối tháng 4 vừa qua. Vụ việc xảy ra tại thành phố Vibo Valentia (tỉnh Calabria, cực Tây Nam Italy). Kết quả điều tra của lực lượng cảnh sát tài chính của thành phố này cho thấy, 63 người, trong đó có 2 công chức chính quyền tỉnh Calabria và nhiều lãnh đạo của 20 doanh nghiệp đã cùng nhau “hô biến” nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch mà EU dành cho Chính phủ Italy thành những khoản quỹ dùng để xây biệt thự và tổ chức đám cưới.

Theo thông tin từ cảnh sát, 2 công chức chính quyền tỉnh Calabria là những người phụ trách cấp phép xây dựng hạ tầng tại một trong những tỉnh nổi tiếng về du lịch biển. 2 công chức này đã biển thủ số tiền khoảng 1,3 triệu euro ngân sách hỗ trợ của EU và của Chính phủ Italy. Toàn bộ số tiền đã được 2 công chức biến chất dùng để mua biệt thự, xe hơi và mua… quà mừng đám cưới tặng bạn bè, người thân.

Cũng liên quan đến những hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, trước đó, 1 cựu công chức của EC đã bị Tòa án Hình sự thành phố Bruxelles (Bỉ) kết án 40 tháng tù giam và phạt 50 nghìn euro vì ăn hối lộ, sau đó cung cấp thông tin mật cho 2 doanh nghiệp tư nhân. Theo kết quả điều tra của cảnh sát Bỉ, trong khoảng thời gian từ năm 1999 - 2003, 1 công chức của Ủy ban Nông nghiệp và Phát triển nông thôn EU (DG AGRI) đã “bán” những thông tin mật về chính sách hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc của EU cho các công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp có trụ sở tại Pháp và Hà Lan. Đổi lại, 2 công ty đã “cảm ơn” công chức này rất nhiều tiền và đồ vật quý giá.

Sau khi vụ việc bị phát hiện và xử lý, EC đã phải đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hạn chế những sai phạm tương tự có thể xảy ra. Trong khi đó, DG AGRI cũng đã có những cải tổ tích cực nhằm hạn chế tình trạng sai phạm này như tách riêng bộ phận quản lý hỗ trợ xuất khẩu ra khỏi bộ phận quản lý và điều hành thị trường chung. Mặt khác, EC cũng đưa ra những quy định về luân chuyển công tác ở tất cả các lĩnh vực, phòng, ban trực thuộc EC. Theo đó, không ai được phép quản lý, điều hành những lĩnh vực được cho là « nhạy cảm » quá 5 năm. Ngoài ra, EC còn áp dụng một chính sách không khoan nhượng đối với tham nhũng bằng cách quy định tất cả công chức làm việc trong bộ máy điều hành phải báo cáo đầy đủ về những trường hợp có thể tham nhũng hoặc tham ô, biển thủ công quỹ theo yêu cầu điều tra của OLAF.

Im lặng và… cản trở

Cuộc chiến gian nan

Nhiều quan chức, dù trắng trợn tham nhũng, nhận hối lộ, vẫn mặt dày hô hào đạo đức. Còn các quốc gia, dù “dột từ nóc” vẫn muốn giữ “thể diện” nên chẳng lên tiếng hoặc hợp tác trong cuộc chiến chống tham nhũng. Thế mới có chuyện, OLAF thậm chí còn bị coi như là “cái gai” trong mắt các thành viên Nghị viện EU.

Theo OLAF, số tiền biển thủ 691 triệu euro là con số kỷ lục. Nhưng, vấn đề còn nghiêm trọng hơn đó là, các quốc gia, vì muốn giữ “thể diện” nên chẳng lên tiếng hoặc hợp tác trong cuộc chiến chống tham nhũng này.

Tổng Thư ký OLAF Giovanni Kessler nhấn mạnh, một hệ thống cảnh báo trên internet cho phép OLAF triển khai tốt hơn các hoạt động chống biển thủ công quỹ của EU. Thế nhưng, những thông tin được đưa ra bởi các nước thành viên cũng như những thiết chế của EU ngày càng trở nên hiếm hoi. Chính vì thế, đại diện OLAF bày tỏ lo lắng trước thực trạng thông tin chia sẻ thì sụt giảm, nhưng những vụ bê bối tham ô, biển thủ ngân sách thì ngày càng nhiều với mức độ thiệt hại ngày càng lớn. Chẳng hạn, trong cuộc điều tra về dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ở Italy hồi năm ngoái do EU tài trợ, số tiền phải thu hồi vì sai phạm lên tới 382 triệu euro. Thế nhưng, các quốc gia chẳng lên tiếng vì vụ bê bối này, đặc biệt là Italy, bởi một lý do cực kỳ “dễ hiểu”, đó là chẳng quốc gia nào muốn xuất hiện trong danh sách những quốc gia thành viên tham nhũng nhất của EU.

Không chỉ giữ thái độ im lặng, giờ đây, OLAF còn bị coi như là “cái gai” trong mắt các thành viên Nghị viện EU. Vì thế, trong một cuộc điều tra liên quan đến việc đúc đồng tiền chung châu Âu, OLAF đã bị chính Nghị viện từ chối cho phép vào điều tra tại các phòng, ban trực thuộc. Mặc dù cuối cùng OLAF cũng được cho phép tiến hành điều tra, nhưng đó là cả một quá trình dài đấu tranh giữa OLAF và những nghị sĩ bảo thủ. Kết quả, sau khi cuộc điều tra được triển khai, đã có ít nhất 2 nghị sĩ phải vội vã từ chức, còn 1 nghị sĩ cũng nằm trong diện nghi vấn và đang được OLAF tiếp tục điều tra.

Không chỉ cản trở OLAF hoạt động, thậm chí, một số nghị sĩ cho rằng, cần hạn chế quyền và phạm vi hoạt động của OLAF. Nhiều nghị sĩ đã thẳng thừng tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu OLAF không được thẩm tra, xem xét các văn phòng thành viên của Nghị viện”. Ngoài ra, những nghị sĩ này cũng cho rằng, họ là những người ít được bảo vệ nhất trong EU. Các nghị sĩ so sánh: Người dân thì được bảo vệ bằng quyền cá nhân, còn họ có thể bị OLAF hỏi, thẩm vấn bất cứ lúc nào; muốn khám nhà người dân phải có giấy phép, còn với văn phòng của họ, OLAF ra vào như chỗ không người. Đó là chưa kể, nhiều nghị sĩ EU còn lên tiếng yêu cầu EC trao cho họ “quyền miễn trừ” nhằm tránh sự “phá rối” của OLAF.

Tuy nhiên, nói như Tổng Thư ký OLAF Giovanni Kessler, việc phát hiện và trừng phạt các hành vi tham nhũng, tham ô, biển thủ đang được triển khai tốt và đã ảnh hưởng tích cực đến quá trình cải tổ của EU. “Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chống tham nhũng, tham ô, biển thủ công quỹ là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết” - Tổng Thư ký OLAF khẳng định.

Song Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất