"Trắng tay" sau bão

Có mặt tại "thủ phủ" đào quất Nhật Tân, Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) vào một ngày cuối năm, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân nơi đây đang tất bật chuẩn bị cho một "vụ mùa làm mật”.

Sau những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra, người dân trồng đào, quất ở Nhật Tân, Tứ Liên đang nỗ lực khôi phục vườn cây để kịp cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán đang cận kề.

Những dấu tích của cơn bão số 3 vẫn in hằn trên những gốc đào... Ảnh: Hải Hà

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng hàng ngày cụ Nguyễn Thị Thịnh (phường Nhật Tân) vẫn đạp xe ra vườn đào để hỗ trợ con cháu chăm sóc, tỉa cành cho hoa.

Bàn tay tỉ mỉ tỉa từng cành con cho những bông cúc đại đoá vừa được trồng sau khi bị cơn bão số 3 tàn phá, cụ Thịnh chia sẻ: Bão số 3 hồi tháng 9 năm nay là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử mà tôi chứng kiến. Nước lũ dâng cao nhấn chìm vườn đào của gia đình trong nháy mắt.

Những gốc đào bị chết khô do bão số 3 để lại. Ảnh: Hải Hà

"Khu vườn của gia đình tôi mỗi năm trồng khoảng 400 - 500 gốc đào, nhưng năm nay bị bão quật, nước lũ dâng cao tận tới cổ cây nên chỉ còn 20 gốc đào già may mắn sống sót. Thiệt hại nặng nề quá!", cụ Thịnh thở dài.

Cách đó không xa, cụ Thịnh giơ tay chỉ, là hàng trăm gốc đào thế, bị ngập nước, không thể cứu kịp cho vụ Tết năm nay, người dân đành phải bỏ mặc chờ đầu năm sau… "làm lại từ đầu".

Con số thống kê của UBND phường Nhật Tân cho thấy hậu quả của cơn bão số 3. Ảnh: Hải Hà

Sát vườn nhà cụ Thịnh, anh Hàn Trung Dũng (một người dân gốc làng Nhật Tân) đang tỷ mẩn, cặm cụi ghép từng mắt đào Nhật Tân vào những gốc đào rừng đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Anh chia sẻ, gia đình anh có truyền thống 3 đời gắn bó với nghề chăm sóc đào, chủ yếu làm đào cành, mỗi năm, anh làm khoảng 4 đến 6 gốc đào để dâng lên Thành Hoàng làng vào dịp hội làng 10/2 Âm lịch. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng bão, đào cây đã không còn gốc nào. 

Anh Hàn Trung Dũng (một người dân gốc làng Nhật Tân) đang tỷ mẩn, cặm cụi ghép từng mắt đào Nhật Tân vào những gốc đào rừng đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: Hải Hà

“Trung bình mỗi năm, tôi làm khoảng 800 cành, năm nay bão lũ, thiệt hại 1 nửa. Cả cành xấu còn khoảng 400 cành nhưng để đem đi bán được chỉ còn khoảng hơn 200. Thiệt hại về kinh tế khoảng 500 triệu đồng”, anh Dũng chua xót.

Theo thống kê của UBND phường Nhật Tân, trên địa bàn phường có 802 hộ gắn bó với nghề trồng đào. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, có 80 héc ta trên tổng số 90 héc ta đất trồng đào bị ngập, hơn 20 nghìn gốc đào chìm trong nước, tổng thiệt hại lên đến 85 tỷ đồng. Có những hộ trồng đào gần như… mất trắng.

Gia đình anh Đinh Văn Lợi có 300 gốc quất nhưng bị bão số 3 càn quét chỉ còn sót lại 2 gốc. Ảnh: Hải Hà

Vừa tưới cây trong vườn đào, anh Bùi Văn Dương (người làng Nhật Tân) vừa chia sẻ với phóng viên: “Đợt bão vừa rồi cây chẳng chết vì lũ thì cũng chết vì gió quật. Vườn đào của tôi ở khu vực thấp nên bị nước ngập, chết hết cả rồi. Thiệt hại thì chắc chắn là nhiều, chẳng hộ nào ở đây không thiệt hại cả. Nhưng cũng phải gượng dậy đi làm thuê cho những hộ may mắn còn sót lại, kiếm chút tiền sắm Tết”.

Chung cảnh “trắng tay” như anh Dương, anh Đinh Văn Lợi đứng ngẩn người bên 2 gốc quất còn sót lại trong 300 gốc quất của gia đình sau bão. Anh xót xa kể: Gia đình anh gốc người Tứ Liên, 4 đời làm quất cảnh. Lần đầu tiên trong đời anh thấy sự ảnh hưởng của cơn bão nặng nề đến vậy.

Người dân ở "thủ phủ" đào Nhật Tân đang hàng ngày, hàng giờ “hồi sinh” vườn cây. Ảnh: Hải Hà

Cơn bão đã làm chết gần như tất cả số quất gia đình anh đầu tư, chăm sóc để phục vụ Tết, ước tính thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Tết năm nay, gia đình anh không có quất để bán. Giờ công việc của anh là đi nhổ bỏ những gốc quất đã chết và bắt tay… “làm lại từ đầu”.

Bão đã đi qua được hơn 3 tháng, nhưng dấu tích của nó vẫn in hằn trên những gốc đào, gốc quất người dân chưa kịp vứt bỏ. Có những cây đào dáng huyền lẽ ra phải xòe tán, nở hoa rủ xuống như dòng thác, giờ chỉ còn lại những cành khô trơ trọi...

Những tán lá lại... xanh

Thế nhưng, không phải tất cả đào, quất ở "thủ phủ" Nhật Tân, Tứ Liên đều bị bão càn quét. Ở những khu vực bãi cao ít bị ảnh hưởng hơn, người dân đang hàng ngày, hàng giờ “hồi sinh” vườn cây. Dưới những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân, những gốc đào đã bắt đầu nở hoa, những cây quất đã xanh tươi tán lá…

Dưới những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân, những gốc đào đã bắt đầu nở hoa... Ảnh: Hải Hà

Chị Dương Thị Lên (người làng Nhật Tân) trên tay cầm chiếc cuốc đang thoăn thoắt xới đất cho những gốc đào còn sót lại sau bão. Chị tâm sự: Bão tràn qua, vườn đào của gia đình chị bị ngập hơn 1m có chỗ sâu nhất lên tới gần 2m nên chết gần hết, chỉ còn sót lại khoảng 20% gốc đào già, gia đình chị cố gắng chăm bẵm với hi vọng vớt vát được chút đỉnh.

“Từ cuối tháng 11, các vườn ở Nhật Tân đã tất bật tuốt lá, “thay áo” cho đào chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt cho đào ra nụ để cung ứng thị trường Tết”, chị Lên nói và chia sẻ thêm “đào đẹp hay xấu phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trời rét thì hoa đào nở chậm, trời nồm, ấm thì nở nhanh, người trồng đào phải dùng dao khoanh vào thân cây để cây chảy bớt nhựa, ngăn không ra nhiều lá mà nở nhiều hoa”.

Những bông hoa đào đã nở báo hiệu Tết đến, Xuân về. Ảnh: Hải Hà

Với kinh nghiệm hơn 30 năm chăm sóc đào, chị Lên tin rằng, những gốc đào còn lại trong vườn gia đình chị sẽ ra hoa vào đúng dịp Tết. “Tết này, đào Nhật Tân vẫn sẽ xuống phố nhưng dự kiến sẽ đắt hơn chút ít”, chị Lên dự đoán.

Ngày nay, đào chơi Tết không riêng gì Nhật Tân làm, các nơi khác cũng đã làm rất nhiều, nhưng anh Hàn Trung Dũng khẳng định, nói về “nước hoa”, “nước nụ”, dáng dấp, độ to đẹp và sắc thắm của hoa, có thể nói không nơi nào bằng Nhật Tân.

Người làm đào Nhật Tân cũng vậy, truyền thống và kỹ thuật cũng sẽ hơn hẳn những nơi khác. Có những kỹ thuật mà chỉ có người Nhật Tân riêng có, người làm đào nơi khác không thể biết.

Vườn quất nhà chị Nụ đã xanh tươi tán lá chờ Tết đến. Ảnh: Hải Hà

Lắng nghe, cảm nhận thời tiết sẽ là khâu tiên quyết của người làm đào nhưng kinh nghiệm và kỹ năng cũng là yếu tố không thể thiếu để góp phần làm nên thương hiệu đào Nhật Tân.

Theo anh Dũng, năm nay, chắc chắn chất lượng đào không thể bằng mọi năm bởi cơn bão đã tàn phá quá nặng nề. Lượng đào Nhật Tân cũng vậy, sẽ ít hơn và không cung ứng đủ cho thị trường Tết; giá đào cũng sẽ tăng…

“Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, bà con đang cố gắng chăm sóc để vớt vát lại những gì còn lại sau bão, mong rằng trời sẽ thương”, anh Dũng tâm sự.

Những ngày này, chị Nụ thường xuyên ra vườn quất để chăm sóc, tưới cây, tỉa cành, tỉa quả, gò để tạo thế cho những cây quất kịp vào vụ Tết. Ảnh: Hải Hà

Chia tay làng đào Nhật Tân, chúng tôi đến làng quất Tứ Liên. May mắn hơn đây đó ở những khu vực bãi cao vẫn có những khu vườn được phủ lên bởi một màu xanh tươi mơn mởn.

Dừng chân tại vườn quất Tuân Nụ, chúng tôi lắng nghe chị Nụ chủ vườn chia sẻ: “Nghề trồng quất cũng vất vả như trồng đào, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp”.

Những ngày này, chị Nụ ngày nào cũng ra vườn quất để chăm sóc, tưới cây, tỉa cành, tỉa quả, gò để tạo thế cho những cây quất kịp vào vụ Tết. Gam màu xanh của lá, lẫn màu hoe vàng của quả trong khu vườn chị Nụ dự báo quất sẽ đẹp vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đào, quất, những luống cúc được người làng Nhật Tân trồng để phục vụ Tết Nguyên đán đang cận kề. Ảnh: Hải Hà

Chị Nụ cho biết, gia đình chị may mắn hơn những hộ khác do nằm ở vị trí khu đất cao, nước lũ chỉ ngập đến phần đế cây nên cây không bị chết. Gia đình vẫn còn khoảng hơn 200 chậu quất lớn, nhỏ phục vụ thị trường Tết.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Nụ bày tỏ hi vọng: “Thôi thì coi như lũ vào mang thêm phù sa cho mảnh đất này vậy. Mong rằng, năm sau nhờ phù sa cây sẽ tươi hoa, tốt quả…”.

Tết đã ngấp nghé bên thềm nhà, những ngày này, trên khắp nẻo đường, ngõ phố ở Hà Nội, những cành đào, chậu quất đã được người dân chở xuống phố “ngóng” Xuân sang. Và với mỗi người dân Việt Nam, thấy đào, thấy quất là… thấy Tết về.

Xuất bản 01/01/2025 - 07:00 Tác giả: Hải Hà

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm