Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Tôi chưa thấy người nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất”

Hương Giang

Thứ năm, 28/05/2020 - 06:04

(Thanh tra) – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tiếp tục khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều ngày 27/5. “Ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định, cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai tại Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: N.Trung

Những ngày qua, báo chí đưa tin trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Quốc phòng có thông tin ở một số khu vực biên giới, nhạy cảm về an ninh quốc phòng, người nước ngoài được tiếp cận và cấp quyền sử dụng đất.

Theo Bộ trưởng, sáng ngày 27/5, Tổng cục Quản lý đất đai đã làm việc với Bộ Quốc phòng liên quan đến vấn đề này.

“Ở góc độ pháp luật, tôi khẳng định, cá nhân người nước ngoài không được cấp quyền sử dụng đất đai. Bởi Luật Đất đai 2003, 2013 đều quy định chỉ giao đất, cho thuê đất đối với pháp nhân. Còn cá nhân người nước ngoài muốn được giao đất, thuê đất thì phải thành lập công ty tại Việt Nam”, Bộ trưởng nêu rõ.

Ông Trần Hồng Hà lưu ý, "Luật Đất đai chỉ cho phép pháp nhân nước ngoài tiếp cận đất đai để kinh doanh sản xuất theo mục đích đầu tư. Ở những vùng trọng yếu liên quan đến an ninh quốc phòng, Luật còn quy định trước khi được đầu tư phải xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao”.

Cũng theo Bộ trưởng, sau khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra, rà soát trên phạm vi cả nước, đặc biệt là vị trí tiền tiêu, có vị trí chiến lược như hải đảo, biên giới. Từ đó, phát hiện rất nhiều trường hợp ở khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng nhưng chưa lấy ý kiến các Bộ Quốc phòng, Công an do Luật Đất đai 2003 chưa quy định.

Sau kiểm tra rà soát, các địa phương đã thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Những trường hợp giao không đúng đã thu hồi hoặc chuyển sang doanh nghiệp Việt Nam.

Luật quy định rất chặt chẽ

+ Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri của Bộ Quốc phòng có đề cấp đến TP Đà Nẵng là trên địa bàn khu vực biên giới biển của TP này có một số thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài, thưa Bộ trưởng?

Báo cáo của Bộ Quốc phòng phản ánh không sai. Ngay từ năm 2019, cá nhân tôi đã yêu cầu Đà Nẵng rà soát kiểm tra trên toàn bộ TP và phát hiện hiện tượng một số khu liên quan đến an ninh quốc phòng có doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.

Ở đây không phải cấp quyền sử dụng đất cho cá nhân người nước ngoài. Tất cả hình thức giao đất đều là cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, kinh doanh thương mại. Song có những vi phạm như giao đất ở cho doanh nghiệp hoặc chưa hỏi ý kiến cơ quan an ninh quốc phòng…

Sau kiểm tra, chúng tôi đã làm việc với TP Đà Nẵng, đặc biệt là các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng, Công an để có biện pháp xử lý. Quá trình rà soát, nếu doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật thì sẽ tạo điều kiện hoạt động, và ngược lại, nếu không đủ điều kiện, có sai phạm thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thay đổi, điều chỉnh hoặc phải chuyển giao lại cho Việt Nam.

Đến nay, theo báo cáo của Đà Nẵng, vi phạm tại các dự án của doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã được khắc phục và xử lý xong. Bộ TNMT cũng đã báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

+ Để xảy ra những vi phạm trong giao đất ở vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng tại TP Đà Nẵng trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?

Luật của chúng ta đã quy định rất chặt chẽ. Để xảy ra vi phạm, trách nhiệm thuộc về cơ quan chuyên môn ở địa phương. Nhưng vi phạm này không nghiêm trọng, chỉ là vấn đề về trình tự, thủ tục.

Còn Bộ TN&MT không cấp bất cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hay tổ chức nào cả.

Không loại trừ hiện tượng "núp bóng"

+ Trong chất vấn lần trước, ông có trả lời chưa nghe có người nước mua đất ở các vị trí này, nên các đại biểu dẫn lại, vậy ông có muốn giải thích không?

Tôi là một người nói dựa trên số liệu. Cho đến giờ, tôi vẫn bảo lưu ý kiến: Tôi chưa thấy một cá nhân nước ngoài nào được cấp quyền sử dụng đất cả. Bởi Luật đất đai quy định rất rõ ràng! Ai phát hiện ra việc này cứ báo tôi, tôi sẽ xử lý người cấp ngay vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

+ Như ông nói, luật đã quy định rất chặt chẽ, vậy có hay không hiện tượng “núp bóng” người Việt Nam để mua đất thưa Bộ trưởng?

Không loại trừ có hiện tượng“núp bóng” với những mối quan hệ phức tạp như người nước ngoài lấy vợ/chồng người Việt. Nhưng pháp luật chỉ cấp quyền sử dụng đất cho người Việt Nam, còn anh “núp bóng” thì không được bảo vệ.

Hoặc có trường hợp người nước ngoài nhờ người Việt Nam thành lập công ty, 100% vốn Việt Nam. Như vậy, sẽ phải chịu sự chi phối của pháp luật Việt Nam.

Nhưng chúng ta phải tính để kiểm soát chuyện này. Chúng ta chỉ ngại khi mối quan hệ được điều chỉnh bởi những luật về bảo hộ đầu tư hay những vấn đề khác, khi tương tác với họ mình không thể xử lý theo pháp luật Việt Nam được, lúc đó đưa ra pháp luật quốc tế, nhiều khi người ta phán xét đất của Việt Nam thành đất của nước khác.

+ Ông có thể nói rõ hơn về những lo ngại này không?

Vấn đề tôi nói để loại trừ những mối quan hệ sau này là khi mua cổ phần. Ví dụ một công ty kinh doanh ở nơi rất là trọng yếu do người Việt sở hữu thì  không phải vấn đề quá lo ngại. Nhưng sau đó công ty này phát hành cổ phần, cổ phiếu trên toàn thế giới và nhà đầu tư có quyền mua cổ phần, cổ phiếu. Lúc đó bắt đầu nảy sinh các vấn đề.

Do đó, cần phải tính toán cơ chế để hạn chế về quyền tiếp cận đất đai, các dự án đầu tư trên vùng trọng điểm, về việc chuyển nhượng trái phiếu đầu tư…

"Chúng tôi không bị động"

+ Vậy với Bộ TN&MT sẽ làm gì để chặn hiện tượng người nước ngoài “núp bóng” để mua đất đai ở Việt Nam?

Chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai. Trong đó, thực hiện thật tốt vấn đề quy hoạch để xác định vùng có vị trí địa thế chiến lược về an ninh quốc phòng để đưa ra cơ chế đặc biệt khi giao đất, cho thuê đất và cấp quyền sử dụng đất.

Các quy định cũng sẽ đồng bộ thống nhất với các luật khác như pháp luật về đầu tư, nhà ở, hôn nhân gia đình để tạo ra các tiêu chí điều kiện, hạn chế các quyền tiếp cận đất đai kể cả người trong nước và người nước ngoài.

Hiện nay Luật Đất đai đang quy định khá chặt chẽ về chuyện không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nước ngoài, nhưng Luật Nhà ở thì người nước ngoài (tất nhiên là có điều kiện) được mua nhà, căn hộ.

+ Chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, song mục tiêu bảo vệ an ninh quốc phòng được đặt lên hàng đầu. Theo ông làm thế nào để giải quyết hài hoà bài toán này?

Đất đai là nguồn lực để phát triển kinh tế. Giữ đất để bảo vệ an ninh quốc phòng, nhưng cũng phải sử dụng đất để phát triển kinh tế. Những khu vực xác định là trọng yếu thì vẫn phải kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng.

Vấn đề là phát triển trên mô hình phù hợp, tính toán cơ chế đặc thù, đảm bảo sự chặt chẽ khi cấp phép dự án đầu tư, nhà đầu tư, tránh chuyện “núp bóng”.

Theo đó, cơ quan chức năng phải tính toán để kiểm soát việc này.  Nếu để xảy ra sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm. Người Việt Nam mua thì phải chứng minh được dòng vốn, dòng tiền, hay sẽ hạn chế quyền mua, không được mua nhiều đất ở những nơi trọng yếu và đất này không được quyền chuyển nhượng, hoặc chuyển nhượng thì phải có điều kiện.

Các chính sách đối với người nước ngoài phải bình đẳng, công khai, không được phân biệt đối xử, từ đó định ra những cơ chế và đảm bảo sự xuyên suốt, nhất quán, vừa có tính đặc thù. Như vậy mới đáp ứng được hai mục tiêu song song và quan trọng như nhau là thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Chúng tôi không bị động. Cách thức xử lý hiện nay là phải tôn trọng pháp luật, không phân biệt đối xử, tránh tác động không có lợi cho chúng ta.

+ Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm