Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tố cáo qua điện thoại, fax, email: Chưa được 50% tổng số ĐBQH đồng ý

Thứ năm, 24/05/2018 - 09:23

(Thanh tra) - Sáng ngày 24/5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, mở rộng thêm hình thức thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại hay chỉ giữ như luật hiện hành vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Lo ngại tố cáo tràn lan

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.

Thực tế thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan Nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung.

Cùng với việc bổ sung hình thức tố cáo mới, cần quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận, xác minh thông tin ban đầu về tố cáo để bảo đảm tính khả thi và tránh việc lạm dụng.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp bởi việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật.

“Kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả 2 loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu (ĐB) QH đồng ý. Do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, kính đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, góp thêm ý kiến”, ông Định báo cáo.

Cho ý kiến, ĐBQH Phạm Đình Cúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm, dự luật chỉ nên quy định 2 hình thức tố cáo (tố cáo bằng đơn và trực tiếp).

“Như vậy mới xử lý được”, ông Cúc nhấn mạnh, nếu mở rộng thêm hình thức tố cáo sẽ dẫn đến tố cáo tràn lan Hơn nữa, hiện việc giải quyết tố cáo đã quá tải, các cơ quan chắc năng vẫn chưa giải quyết được hết hết đơn.

Không cần quy định thêm về thời hiệu tố cáo

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 đề xuất phương án quy định thời hiệu tố cáo. Qua thảo luận và kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4, nhiều ý kiến đề nghị không quy định thời hiệu tố cáo. Trong số các ý kiến tán thành cần quy định thời hiệu tố cáo thì cũng chưa có sự thống nhất về cách xác định thời hiệu nên là 3 năm, 5 năm hay cần kéo dài hơn nữa để ngăn ngừa việc bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, việc giải quyết tố cáo là nhằm kết luận có hay không có hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm... từ đó mới có cơ sở để xem xét, xử lý đối với người có hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả, cải tiến, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước.

“Việc xử lý đối với người có hành vi vi phạm phải tuân theo quy định của pháp luật chuyên ngành, như pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự, trong đó đã có quy định cụ thể về thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật”.

Do đó, theo Ủy ban Thường vụ QH, không cần quy định thêm về thời hiệu tố cáo để tránh tạo ra xung đột với quy định về thời hiệu xử lý vi phạm trong các luật có liên quan, làm phát sinh vướng mắc khó xử lý trong thực tiễn.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất