Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiến tới Chứng minh nhân dân thay Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu

Thứ tư, 12/03/2014 - 15:38

(Thanh tra) – Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Căn cước công dân. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần rà soát lại các quy định để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất.

Các ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật căn cước công dân. Ảnh: Thảo Nguyên

Chứng minh nhân dân là thẻ căn cước

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết: Chứng minh nhân dân là Thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên. 

“Chứng minh nhân dân có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng Chứng minh nhân dân thay cho sổ hộ khẩu. Các thông tin này trên Chứng minh nhân dân được tích hợp từ Giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng Chứng minh nhân dân để chứng minh các thông tin này trong giao dịch, đi lại mà không cần phải mang các giấy tờ khác liên quan”.

Để bảo đảm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số Chứng minh nhân dân được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Trường hợp đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân thì số Chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên Chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu. 

Cũng theo Thứ trưởng Nam, Dự thảo Luật quy định theo hướng thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân tương thích với từng độ tuổi nhất định, trong đó, thời hạn sử dụng Chứng minh nhân dân kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.

Điểm đáng chú ý là Dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. 

Về một số vấn đề còn khác nhau về tên gọi, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết một số ý kiến đề nghị đổi tên "Chứng minh nhân dân" thành "Thẻ căn cước công dân".

Chính phủ thấy rằng, về bản chất, Chứng minh nhân dân chính là Thẻ căn cước công dân. Tên gọi "Chứng minh nhân dân" đã được sử dụng rộng rãi từ lâu và trở nên quen thuộc đối với tất cả mọi công dân Việt Nam. Nếu đổi thành "Thẻ căn cước công dân" sẽ phải thay đổi nhiều quy định có liên quan, gây tốn kém không cần thiết cho ngân sách Nhà nước và xáo trộn trong các giao dịch của công dân. 

Phải đặt phục vụ nhân dân lên trước

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển băn khoăn việc quản lý một công dân đã có nhiều Luật như Luật Lý lịch tư pháp, Luật Hộ tịch, Luật Cư trú... nếu ban hành thêm Luật này thì sự phối hợp khi quản lý công dân sẽ như thế nào, có giảm bớt thủ tục hành chính cho công dân hay không?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì cho rằng, Luật này bên cạnh bảo đảm tính hợp hiến thì còn phải bảo đảm tính hợp pháp. Vì vậy, cần phải rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất với các Luật khác; đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm bí mật cá nhân, quyền riêng tư…“ Nếu không trong quá trình thực hiện rất dễ vi phạm”, ông Lý lưu ý.

Đồng ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân cũng đề nghị bổ sung quan điểm cụ thể hóa Hiến pháp về quyền cơ bản của công dân vào quan điểm đầu tiên để xây dựng Luật. “Phải lấy yêu cầu mong muốn của người dân đặt lên trước yêu cầu quản lý công dân của chúng ta, từ đó mới bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội…". 

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nên gọi là “Thẻ căn cước công dân” thay cho “Chứng minh nhân dân”. Theo Chủ nhiệm Mai, cần tiếp tục làm rõ các ý tưởng lâu dài thay thế được hộ khẩu “Nếu bỏ được thì lộ trình bao lâu. Ban Soạn thảo cần làm rõ căn cứ nào số định danh là 12 số, trong khi dân số Thái Lan ít hơn mà số định danh 13 số?”.

Ủng hộ về tên gọi “Thẻ căn cước công dân” thay “Chứng minh nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: Mỗi công dân sinh ra đều có số định danh, Thẻ căn cước, đi liền với nó là cơ sở dữ liệu thống nhất. 

Theo Chủ tịch Quốc hội, mỗi công dân khi sinh ra có một Thẻ căn cước. Đến 15 tuồi thì đổi Thẻ căn cước mới với các nhân dạng đầy đủ. Căn cước này là để đi khám bệnh, đi máy bay, đi học, thay thế Giấy khai sinh đang dùng. Thẻ căn cước có giá trị sử dụng ở những thời gian khác nhau do nhu cầu của người dân. Cấp đổi Thẻ căn cước chứ không phải cấp mới. Nhà nước đổi Thẻ để phục vụ người dân chứ không phải quản lý là chính. Khi cấp đổi Thẻ căn cước cho người dân xong, toàn dân xong thì sẽ bỏ hết các giấy tờ như Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, Chứng minh thư nhân dân. Trên Thẻ chỉ cần tên, số định danh, ảnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Việc xây dựng Luật cần trên tinh thần bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp và thống nhất pháp luật, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. “Nhà nước phục vụ nhân dân, Đảng phục vụ nhân dân. Làm luật là để bảo vệ nhân dân, chứ không phải làm Luật để quản lý nhân dân “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” là không được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Bùi Bình

13:17 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm