Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: Thành công của doanh nghiệp FDI cũng là thành công của Việt Nam

Hương Giang

Thứ bảy, 17/09/2022 - 16:15

(Thanh tra) - Cho rằng nếu “bên thua, bên thắng” thì không phải là hợp tác, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất.

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Ảnh: N.Bắc

Sáng ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian chia sẻ về các yếu tố nền tảng với sự phát triển của Việt Nam.

Với định hướng Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, theo người đứng đầu Chính phủ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Ông bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn sự đồng hành và đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

“Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam, góp phần đề cao của chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, chung tay, chung sức đồng lòng, vì một trái đất yên bình và xanh, vì một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, không để ai lại phía sau”, Thủ tướng phát biểu.

Kỳ vọng vào Việt Nam hiện rất cao

Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội nói, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng.

“Kết quả khảo sát của JETRO năm ngoái cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN”, ông Nakajima Takeo thông tin.

Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Hoa Kỳ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN.

“Kỳ vọng vào Việt Nam hiện nay rất cao”, Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội nhấn mạnh.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện JETRO tại Hà Nội

Tuy nhiên, có những thách thức đặt ra như vấn đề đấu thầu, một số công ty cắt giảm đầu tư do thiếu công nhân, bất ổn về năng lượng nguồn cung cấp điện thiếu ổn định, chuyển đổi số, trung tâm dữ liệu, trung tâm logistics…

Bày tỏ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu lạc quan về tương lai của Việt Nam, đại diện Eurocham đề xuất các nhóm khuyến nghị để kinh tế Việt Nam khôi phục và tăng tốc.

Đại diện Eurocham đề nghị Việt Nam phê duyệt Quy hoạch Điện VIII “càng sớm càng tốt”, có chính sách để người sử dụng tiếp cận năng lượng sạch thông qua hợp đồng mua bán điện trực tiếp và giảm bớt các rào cản hành chính với nhà máy năng lượng sạch.

“Chúng tôi rất vui khi được biết Thủ tướng đang chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ cho năng lượng tái tạo”, ông nói.

Đại diện Eurocham cũng đề nghị Việt Nam có chính sách đầu tư công bền vững trong một số lĩnh vực chính như: Khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh giao thông đô thị, khoa học và công nghệ và chuyển đổi xanh. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường chuyển đổi số…

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, an toàn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn, với những lợi thế như kinh tế chính trị xã hội ổn định, tăng trưởng dương, nền kinh tế có độ mở lớn, thể chế đang được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư…

Toàn cảnh hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển". Ảnh: N.Bắc

Song theo Bộ trưởng, cũng có những thách thức. Đơn cử, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ, cơ sở hạ tầng còn chưa đồng bộ; và vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi chính sách, việc triển khai còn thiếu thống nhất ở một số khâu gây khó khăn cho doanh nghiệp…

Vì vậy, để đón nhận dòng vốn này cần chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; và giảm chi phí đầu vào.

Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác; và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Xác định các lĩnh vực có khả năng thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung cho những phân đoạn Việt Nam chưa thể đáp ứng trong chuỗi cung ứng để ưu tiên thu hút.

Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư như như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động, chuẩn bị gói ưu đãi…

Nếu “bên thua, bên thắng” thì không phải là hợp tác

Kết luận hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nói, “có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã chung tay, chung sức, đồng lòng để vượt qua. Chúng tôi hết sức trân trọng và xúc động vì điều đó”.

Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà “bên thua, bên thắng” thì không phải là hợp tác. Nếu "bên thua, bên thắng" thì chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần “bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường"; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD. Đó là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô. Tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực. Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính. Xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình. Hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.

Thủ tướng giao các bộ, ngành và địa phương được giao tập trung tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện và sớm ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đầu tư nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục phản hồi, làm rõ hơn những vấn đề còn khúc mắc được nêu tại hội nghị.

Thủ tướng cũng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng, áp dụng những mô hình quản lý mới, thực hiện đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh, công nghệ xanh và phát triển bền vững…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm