Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 18/08/2022 - 18:22
(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, giải trình rõ tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số vô tuyến điện. “Ở các nước đều đấu giá và người ta thu rất nhiều tiền, mình không đấu giá, cũng không thu tiền, từ trước tới giờ chỉ cấp, 13 năm rồi”, ông Vương Đình Huệ nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Phạm Thắng
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, ngày 18/8.
Dự án này đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (5/2022), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 (10/2022).
Một trong những vấn đề được bàn thảo khi góp ý vào dự luật này là tại sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số vô tuyến điện, nguyên nhân do đâu?
Các nước đấu giá thu rất nhiều tiền, mình thì chỉ cấp…
Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu một số vướng mắc dẫn đến điều này.
Theo ông Huy, năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực. Giai đoạn 2010-2014, các doanh nghiệp viễn thông không có nhu cầu sử dụng thêm băng tần do vừa mới được cấp phép băng tần cho mạng 3G và đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai mạng 3G.
Sau khi các quy định pháp luật về đấu giá tần số vô tuyến điện đã cơ bản được hoàn thiện, năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Hội đồng Đấu giá để triển khai. Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết về mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
“Bởi vậy, tiến trình đấu giá bị dừng lại để xây dựng nghị định”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nói, cuối năm 2021, nghị định về vấn đề này mới ban hành.
Không chỉ vậy, thực tiễn triển khai cũng có vướng mắc. “Đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời nghiên cứu kinh nghiệm, thông lệ quốc tế để tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tổ chức thực hiện đấu giá”, ông Huy cho hay.
Đề cập đến giải pháp, ông Huy nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung quy định. Theo đó, thống nhất thu tiền cấp quyền với tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, áp dụng với cả 3 phương thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp.
Cạnh đó, làm rõ các trường hợp được áp dụng đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp. Dự luật giao Chính phủ quy định chi tiết xử lý các tình huống đặc thù của đấu giá trên cơ sở Luật Đấu giá tài sản; quy định về mức thu tiền cấp quyền với các trường hợp cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy giải trình lý do vì sao 13 năm qua chưa đấu giá tần số, băng tần là “chưa thuyết phục”. Trong khi, tần số, băng tần là tài nguyên rất đặc biệt về quốc phòng, an ninh, có giá trị kinh tế vô cùng lớn.
“Ở các nước đều đấu giá và người ta thu rất nhiều tiền, mình không đấu giá, cũng không thu tiền, từ trước tới giờ chỉ cấp, 13 năm rồi”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Sớm đấu giá để có khoản thu về ngân sách
Ông Vương Đình Huệ đề nghị phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, giải trình rõ chuyện này.
“Bây giờ dự án luật bổ sung quy định thì có vướng các luật khác nữa không, hay là sau khi ban hành lại một chu kỳ 13 năm, 15 năm khác, lại cũng không làm được”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là vấn đề rất nhiều đại biểu quan tâm.
Cho rằng thời gian chậm đấu giá tần số đến 13 năm là “quá lâu”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, ông đọc trên báo thấy Ấn Độ đưa ra đấu giá các dải băng tần thu được tiền rất lớn.
“Tôi kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm sớm để đấu giá để có được khoản thu về cho ngân sách”, ông Cường phát biểu.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các băng tần được cấp phép sử dụng hiệu quả sẽ mở đường cho các dịch vụ băng thông rộng, Internet tốc độ cao phát triển, cũng như tạo tiền đề phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Việc cấp phép thông qua đấu giá với băng tần có giá trị thương mại cao chưa được thực hiện do chờ nghị định đã làm lãng phí. “Ban hành luật này phải khắc phục cho được hạn chế này”, ông Phương nói, cả 3 phương thức (đấu giá, cấp trực tiếp và thi tuyển) phải rất rõ ràng, minh bạch mới giảm được lãng phí trong sử dụng.
Kết lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về quản lý, phân bổ, thu hồi tần số vô tuyến điện; quy định về các phương thức cấp phép, cấp lại giấy phép, chuyển nhượng quyền sử dụng băng tần… đặc biệt là tiêu chí đấu giá việc sử dụng tần số vô tuyến điện.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam