Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 17/11/2014 - 11:39
(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, “trong đấu tranh tham nhũng, ngoài xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm phải chú trọng xây dựng lòng tin cho người dân, nếu không đi đến đâu người dân cũng phải đưa tiền, không phải vì kính nể”.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nếu mất lòng tin của nhân dân, tham nhũng khó chống. Ảnh: Thảo Nguyên
Sáng nay (17/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
“Làm quan thời nào cũng có lộc, ăn chặn của dân lại khác”
Theo ĐB Nguyễn Thuyền (Lầm Đồng), cải cách hành chính đã thu được một số thành quả, giảm được nhiều thủ tục, phiền hà nhưng chưa giảm được bộ máy, biên chế.
“Rõ ràng, bộ máy ngày càng phình ra, biên chế ngày càng tăng. Biết rằng liên quan đến con người là vấn đề khó, thận trọng là đúng nhưng ta lại thận trọng quá. Ưu điểm là thận trọng nhưng khuyết điểm cũng là thận trọng quá. Nhiều đại biểu cũng kêu cấp phó quá nhiều, một phòng có 3 người cũng có 1 trưởng 1 phó, thứ trưởng cũng thế, quá nhiều. Chúng ta sử dụng tiền thuế của dân phải sử dụng sao cho hiệu quả”.
ĐB Thuyền cho rằng, Chính phủ phải kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt xác định vị trí việc làm, một cơ quan cần bao nhiêu người. Bảo vệ lợi ích của người dân thì phải sa thải cán bộ chỉ ngồi ì.
Cũng quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, ĐB Thuyền nhấn mạnh, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước rất lớn, nhưng hiệu quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa, trong đó phải coi trọng yếu tố con người và niềm tin của người dân.
ĐB Thuyền phân tích, chúng ta có bao nhiêu con dấu, người dân giao cho cán bộ quản lý, nhưng sao mỗi lần kiểm kê tài sản cứ mất dần. Đó là do yếu tố con người, lựa chọn con người. Tiếp nữa, có cán bộ nói rằng chúng tôi chưa bao giờ đòi dân hối lộ mà tại dân cứ đưa.
Vì sao người dân lại đưa? Thực ra là do người dân không còn niềm tin với cán bộ. Đi chữa bệnh người dân phải đưa tiền vì tin rằng nếu không có tiền sẽ không được tận tình cứu chữa. Xin vào công chức nhà nước cũng phải chi tiền vì sợ không công tâm. Công tác tổ chức có 4 vị quy hoạch, nếu không chạy tiền, người khác sẽ chạy mất.
“Trong đấu tranh tham nhũng, ngoài xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm phải chú trọng xây dựng lòng tin cho người dân, nếu không đi đến đâu người dân cũng phải đưa tiền, không phải vì kính nể. Làm quan thời nào cũng có lộc, chứ ăn chặn của dân lại khác”, ĐB Thuyền nói.
Cần cơ chế giải quyết căn cơ khiếu nại, tố cáo
Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có chuyển biến tích cực. “Hầu hết lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương đã trực tiếp đối thoại, giải quyết khiếu nại của công dân.Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về các địa phương nơi xảy ra vụ việc nhằm giảm tập trung khiếu kiện về Hà Nội và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân”.
Các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp 270.942 lượt công dân, 3.378 đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 101.337 đơn thư; giải quyết 23.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giải quyết 500/528 vụ, đạt tỷ lệ 94,7%. Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp khác; các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.
Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB Phan Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) cũng chỉ ra vướng mắc lớn nhất trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai.
“Thực tiễn diễn ra rất phức tạp, người dân chủ yếu bị thiệt thòi do hồ sơ đất đai không đầy đủ, hoặc không có. Cần phải xây dựng cơ chế chính sách như thế nào để giải quyết căn cơ, chứ không chỉ giải quyết từng vụ việc, đừng để địa phương vận dụng các chính sách khác nhau. Có như vậy mới giải quyết được những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của người dân”, ĐB Phan Đức Châu đề nghị.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) bày tỏ, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã thực hiện công tác này có hiệu quả. Nhưng tôi rất mong Thanh tra Chính phủ có lộ trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội hiệu quả hơn nữa, nhất là việc bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng.
Món nợ hàng giả, hàng nhái còn xấu hơn nợ xấu, nợ công
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu đã và đang gây những tác hại nghiêm trọng đến tình hình kinh tế xã hội, đời sống nhân dân, kể cả an ninh quốc gia. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc hết sức mình nên đã có những kết quả tích cực. Song tình hình vẫn xảy ra nghiêm trọng với quy mô lớn và phức tap,
“Người nông dân đã nghèo nhưng mua phải phân bón giả, thuốc trừ sâu cũng làm giả. Người dân ăn uống cảm thấy không an toàn, bệnh phải đi cấp cứu vì thuốc giả. Người dân đang cảm thấy không an toàn với cuộc sống. Đây là món nợ tôi cho rằng, còn xấu hơn nợ xấu và nợ công. Đề nghị Chính phủ có biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này”, ĐB Ngân nhấn mạnh.
Dù tin tưởng các con số về nợ công, nợ xấu, nhưng ĐB Hoàng Ngân vẫn đề nghị trong lần trả lời chất vấn này, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo thật chi tiết để tất cả người dân nghe và thuyết phục được “nợ xấu, nợ công của chúng ta đang an toàn” để tạo niềm tin cho nền kinh tế Viêt Nam tiếp tục phát triển vững mạnh trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt vấn đề, tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn 47%, tỷ lệ này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có triển khai các dự án thủy điện còn cao hơn nhiều như ở Phú Yên có nơi trên 80%. “Bà con đang mong mỏi chính sách đặc thù mà Chính phủ dành cho đồng bào để bà con có điều kiện cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo”.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Đông Hà + Thanh Hoa
Cảnh Nhật
Phương Anh
TC
TC
Kim Thành
Bùi Bình
Cao Sơn
Lâm Ánh
Thu Huyền
Hương Giang