Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Niềm tự hào của người dân xứ Thanh

Thứ hai, 11/07/2011 - 09:29

(Thanh tra) - Ngày 27/6/2011, tại cuộc họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), di tích Thành Nhà Hồ chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng, là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng.

Cổng thành Nhà Hồ

Tòa thành gần 600 năm tuổi

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: Vào năm Đinh Sửu (1397), Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh vâng mệnh vua (vua Trần Thuận Tông) đem người vào động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, trấn Thanh Hoá, xem xét, đo đạc đất dai, đào hào xây thành, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, xây cung điện, mở đường phố. Vua có ý dời đô đến đó. Làm 3 tháng thì xong... Toà thành đá này hiện nằm trên địa phận các làng Tây Giai và Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến và làng Đông Môn xã Vĩnh Long (đều thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cách đây gần 600 năm được xây dựng trên đất đai thuộc động An Tôn, một làng cổ ở phía bắc huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Lộc) sát với sông Lỗi Giang (sông Mã ngày nay).

Phòng trưng bày hiện vật Thành Nhà Hồ


Động An Tôn xưa, ngày nay là các làng Yên Tôn thượng, Phù Lưu và Yên Tôn hạ (từ Yên và An viết theo chữ Hán đều đọc là an, rồi chuyển thành âm yên). Ba làng đó còn có tên nôm là Ba Don: Don thượng, Don trầu, Don hạ. Còn các làng Mỹ Xuyên (có tên là làng Đầm) Tây Giai, Xuân Giai, Đông Môn, cùng một số làng khác gần đó là những tụ điểm dân cư được hình thành rất lâu, sau khi có thành An Tôn, tức Thành Nhà Hồ ngày nay. Thành Nhà Hồ từng là kinh đô thứ hai của vương triều Trần thế kỷ XIV và là Quốc đô của nước Đại Ngu, vương triều Hồ thế kỷ XV. Đây là một nhân chứng của nhiều diễn biến lịch sử ở đất nước Việt Nam nói chung và quê hương Thanh Hóa nói riêng.

Giá trị nổi bật toàn cầu

Theo hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thành Nhà Hồ có giá trị nổi bật toàn cầu bởi đây là biểu hiện vật chất nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ, phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa Á Đông. Lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu thế thời đại; khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền vào cuối thế kỉ 14 đầu thế kỉ 15. Ngoài ra, Thành Nhà Hồ thể hiện một bằng chứng nổi bật của quyền lực chế độ quân chủ Việt Nam cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

Rồng đá cụt đầu ở Thành Nhà Hồ


Thành Nhà Hồ còn là di sản được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của Vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó là một dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại ngắn ngủi đã bị đứt đoạn do chiến tranh xâm lược. Tuy những tư tưởng cách tân đó chưa thành công, nhưng những chính sách, cải cách của nhà Hồ được các triều đại sau tiếp nối, phát triển rực rỡ sau khi đất nước giành được độc lập vào năm 1428.

Bên cạnh đó, Thành Nhà Hồ là một công trình có giá trị nổi bật toàn cầu với kiến trúc kiểu kinh thành phương Đông, vừa là trung tâm quyền lực, vừa là một pháo đài quân sự được xây dựng theo quy chuẩn vương thành kiểu Trung Hoa. Thành Nhà Hồ được thể hiện hoàn hảo như là biểu tượng của vương quyền kết hợp với thần quyền, thể hiện sự gắn kết tài tình giữa công trình kiến trúc với cảnh quan văn hóa và thiên nhiên.

Giếng vua Hồ


Đây còn là một công trình kỳ vĩ bởi kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng đá lớn và sự kết hợp các truyền thống xây dựng độc đáo có một không hai ở Việt Nam, khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong thời kì cuối thế kỉ 14, đầu thế kỉ 15. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, Thành Nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên còn hầu như nguyên vẹn. Đây là một trong số ít các di tích kinh thành chưa chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa, còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cả trên mặt đất và trong lòng đất cảnh quan và quy mô kiến trúc ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á.


Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

HĐND tỉnh Hà Giang hoàn thành Kỳ họp thứ 20 với nhiều nghị quyết quan trọng

(Thanh tra) - Sáng 12/12, Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hà Giang khóa XVIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Trong khuôn khổ kỳ họp, các đại biểu đã thực hiện giám sát chuyên đề “Thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025” và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.

Bùi Bình

13:17 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm