Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người ươm bóng mát bên Lăng Bác

Thứ tư, 02/02/2011 - 13:26

(Thanh tra)- Từ sáng tinh mơ đến tối mịt, hết hì hục cuốc đất rồi lại ngắm ngía mấy mảnh vườn của mình chẳng nói chẳng rằng. Vậy nhưng, sau cái vẻ “lập dị” đó của ông là cả một nỗi lòng sâu nặng với Đảng, Bác Hồ và quê hương.

Những quả bưởi còn mang nặng tình nghĩa với Bác và quê hương

Bác Hồ từng nói:

“Mùa Xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Nhưng, đối với ông Trần Hoàng Đạo, ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, có lẽ, 4 mùa đều là mùa Xuân.

Từ 1 quả bưởi thờ
 “Các chú hỏi nhà ông Đạo chứ gì, để tôi dẫn đi cho”, một người phụ nữ tuổi chạc năm mươi tuổi vui vẻ đi trước chỉ đường cho chúng tôi. Khi đến nơi, vợ ông Đạo cười, nói: “Đây là em dâu của ông nhà tôi đấy các chú ạ”. Giới thiệu xong, bà “mời các chú vào nhà uống nước. Ông Đạo đi từ sáng đến giờ đã về đâu. Các chú ngồi đợi ông ấy về rồi trò chuyện”.

Không đành lòng ngồi đợi, chúng tôi xin phép đi dạo quanh khu vườn bạt ngàn cây ăn trái của gia đình. Phóng tầm mắt ra xa, dường như vườn cây ăn trái nhà ông không thiếu thứ gì. Từ bưởi, xoài, nhãn, ổi… tất cả đều xanh tốt, hoa trái xum xuê.

Đang đi trong vườn thì ông Đạo về. Biết có khách, ông không kịp đặt chân vào nhà mà đi thẳng ra vườn. Cho dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng trông ông còn rất khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, ánh mắt tinh anh, dáng đi nhanh thoăn thoắt.

Ông Trần Hoàng Đạo, sinh năm 1938, trước đây công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Hà Nam. Vợ ông - bà Lã Thị Hòa cũng sinh năm 1938.

Năm 1983, ông Đạo xin nghỉ hưu về chăm sóc gia đình và tăng gia vườn tược. Khu vườn gần 4.000m2 của gia đình ông trước đây, khi chưa được cải tạo, toàn tre, chuối, xoan, bạch đàn… Đa phần những loại cây này có hiệu quả không cao và rất lâu mới cho thu hoạch. Nhận thấy được điều đó, sẵn thời gian rảnh rỗi, ông cải tạo lại toàn bộ khu vườn. Tiếp đến, các loại cây kém hiệu quả được ông thay thế dần bằng nhãn lồng, nhãn muộn (đặc sản nổi tiếng của vùng Khoái Châu, Hưng Yên). “Vất vả lắm các chú ạ, 1 mình phải cải tạo vườn tược. Cải tạo xong lại phải cất công bắt xe lên tận Hưng Yên mua giống cây về trồng”, ông Đạo chia sẻ.

Năm 1994, trong ngày giỗ cụ thân sinh ra ông, người chú họ mang lên thắp hương 1 quả bưởi rất to. Ai đến cũng trầm trồ, bàn tán như “vật báu”. Quả bưởi da vàng mọng, nhẵn thín, tỏa mùi thơm rất dễ chịu và nặng đến gần 5kg. Thấy giống bưởi quý, ông Đạo liền lân la gặng hỏi thì được người chú cho biết đó là giống bưởi vàng Bồ Đề thơm ngon nổi tiếng. Ngay ngày hôm sau, ông tất tả đạp xe tới Bồ Đề (nay là xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) xin một cành đem về ươm thử. Từ đó, giống bưởi vàng Bồ Đề được ông chăm sóc cẩn thận rồi nhân giống ra cả khu vườn. Hiện tại, khu vườn nhà ông có đến cả trăm gốc bưởi vàng Bồ Đề đang cho thu hoạch.

Dâng tặng bưởi quý lên Lăng Bác
Năm 1994, ông Đạo lên thăm người con trai cả, hiện là Đại tá thuộc Binh chủng Phòng không - Không quân - ở Hà Nội. Lần đó, ông được vào Lăng viếng Bác Hồ. Nhớ lại thời điểm khó quên đó, ông xúc động: “Tôi không biết phải nói sao chú ạ. Vừa thấy khấp khởi vui mừng, vừa thấy tim quặn thắt, nước mắt như chực trào ra”.

Khu vườn cây phía sau Lăng Bác luôn được chăm sóc cẩn thận, có rất nhiều loại cây quý hiếm. Đi dạo một vòng, ông Đạo nhận thấy, khu vườn khi đó trồng rất nhiều giống bưởi Pômelô (do Trường Đại học Nông nghiệp I kính tặng). Giống bưởi này rất ngon nhưng lại có thời gian ra quả rất ngắn. Nếu như thu hoạch vào giữa tháng Tám Âm lịch thì cây chả còn gì ngoài cành và lá. “Mùa Đông, đến cái lá cũng không còn ấy chứ”, ông Đạo nói.

Ngoài bưởi Pômelô, trong vườn cây Bác Hồ còn trồng các loại cây là nhãn, táo và xoài. Cũng giống như bưởi Pômelô, nhãn và táo sau khi thu hoạch đều bị cưa gốc và cành để vụ sau còn ra quả. Cả khu vườn khi đó trông khá xơ xác.

Ông Đạo nghĩ, chả nhẽ để mọi người phải ngắm gốc cây hay sao? Trong khi đó, bưởi vàng Bồ Đề thì xanh tốt quanh năm. Quả bưởi da vàng óng, múi to cao thành, cùi mỏng, tép đanh có vị ngọt mát. Điều khác biệt lớn nhất đó là, giống bưởi này có thể để trên cây suốt năm không rụng. (Ông Đạo giải thích, đó là do cuống của nó rất dai. Không tin, tôi cầm một chùm bưởi lắc thật mạnh, cả chùm bưởi vẫn trơ trơ không hề bị rụng quả nào. Nhìn cây bưởi sai kĩu kịt, ông Đạo nở một nụ cười mãn nguyện). Sau khi thu hoạch, giống bưởi vàng Bồ Đề này vẫn giữ được bộ lá xanh cho đến tận vụ năm sau. Quý như thế, nhưng chăm sóc nó lại rất đơn giản. Bưởi vàng Bồ Đề thích nghi với rất nhiều chất đất khác nhau, ít bị sâu bệnh. Một cây bưởi có thể sống đến hàng chục, thậm chí nhiều chục năm.

Vậy là, ngay trưa hôm đó, ông Đạo đến gặp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề muốn tặng giống bưởi vàng Bồ Đề. Dù vui vẻ tiếp nhận, nhưng lãnh đạo Ban Quản lý Lăng vẫn cho người về xem xét thực hư thế nào. Khoảng vài hôm sau, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Chính ủy viên Bộ Tư lệnh Lăng được cử về thẩm định. Nhận thấy đây là một giống bưởi quý hiếm, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm không ngần ngại bày tỏ thái độ vui mừng.

Lúc này, ông Đạo cũng vui mừng khôn xiết. Ông cho biết, mình tặng giống bưởi không phải vì lợi lộc, công danh mà chỉ vì muốn tỏ lòng thành kính tới vị Bác Hồ - vị Cha già của dân tộc Việt Nam.

Sau đó, ông Đạo và đồng chí Trịnh Quốc Vực, Trưởng Ban Quản lí Lăng (thời điểm đó) trực tiếp mang 10 cây bưởi lên Hà Nội để trồng. Thời khắc được tự tay trồng cây quý trong vườn cây của Bác Hồ thật là thiêng liêng. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, ông Đạo vẫn thấy hồi hộp, tim đập liên hồi. Và, cũng phải đến lúc đó, mọi người trong chòm xóm, vợ con ông mới vỡ lẽ tại sao cả ngày ông Đạo hì hục ngoài vườn.

Ngoài lần đó, rất nhiều đồng chí trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch về thăm và nhận thêm các gốc bưởi vàng Bồ Đề. Tính đến hiện tại, ông Đạo đã dâng tặng cho khu vườn cây Bác Hồ cả trăm gốc bưởi quý.

Và, Nam tiến...
Thấy giống bưởi quý, nhiều hộ làm vườn tìm đến mua cây của ông về trồng thử. Không chỉ cung cấp giống, ông Đạo còn đến tận nơi để hướng dẫn cách chăm sóc, nhân giống… Đến nay, đã có rất nhiều hộ làm vườn trong và ngoài tỉnh nhân thành công giống bưởi vàng Bồ Đề.

Cách đây vài năm, bà Trần Thị Tước (em gái ông Đạo) đã mang giống bưởi vàng Bồ Đề này vào tận trong Long Thành (Đồng Nai) để trồng thử. Điều đáng ngạc nhiên, tại đây, giống bưởi quý này phát triển một cách mạnh mẽ. Đến nay, gốc bưởi mà bà Tước đem vào Đồng Nai đã cho lứa quả đầu tiên. Cắt thử quả bưởi và đem cân, bà không tin vào mắt mình. Quả bưởi nặng đến 5kg. Từ 1 gốc bưởi của bà Tước, giống bưởi Bồ Đề đã được nhân giống rộng ra nhiều tỉnh, TP như Vĩnh Long, TP Cần Thơ, thậm chí là Cà Mau…
Thỉnh thoảng, ông Đạo lại nhận được thư thăm hỏi, đặt mua giống của các hội làm vườn gần xa.

Mỗi năm thêm một tuổi, sức khỏe ngày càng yếu đi, nhưng hàng ngày ông Đạo vẫn cần mẫn với vườn cây, ao cá của mình. Nhân dịp năm mới, chúc ông thêm mạnh khỏe để cống hiến nhiều hơn nữa cho gia đình và xã hội…

Phạm Kế Toại

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm