Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nền kinh tế phục hồi mới nhờ “uống thuốc khỏe”

Thứ hai, 08/06/2015 - 22:04

(Thanh tra)- “Cử tri cho rằng, Quốc hội, Chính phủ thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết rất trúng nhưng quá trình thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm. Cử tri đề nghị nói phải đi đôi với làm, phải làm như nói thì dân mới tin”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh, nói phải đi đôi với làm, phải làm như nói thì dân mới tin. Ảnh: Thảo Nguyên

Hôm nay (8/6), Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Ngóng chờ “cú huých”

Nhận định, giải pháp nêu trong báo cáo của Chính phủ tiếp tục mang nặng tầm vĩ mô mà thiếu giải pháp thiết thực mang tính đột phá, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đặt một loạt câu hỏi: Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, do thị trường hạn chế hay chất lượng nông sản thấp? Nông dân làm theo phong trào, tạo ra sản phẩm ế ẩm, vai trò định hướng của các bộ, ngành chính quyền ở đâu? Bây giờ là cây macca trồng ồ ạt ở nhiều nơi nhưng đầu ra chưa biết ở đâu, liệu có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím? Chính phủ bỏ tiền ra thu mua tạm trữ lúa gạo, nhưng hiệu quả tác động của giải pháp tình thế này đến đâu, tác động hiệu quả thế nào?

“Người dân đang ngóng chờ những cú huých về chính sách, đầu tư thoả đáng của Nhà nước để tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nói và cho rằng, để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản nên theo hướng mở rộng thị trường, xác định địa chỉ tiêu thụ, để ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu, vật nuôi cây trồng phù hợp. Chẳng hạn thị trường ăn ngon thì trồng loại lúa dài ngày chất lượng cao, thị trường cần ăn no thì trồng lúa ngắn ngày để xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, sự phục hồi kinh tế hiện nay nhờ “uống thuốc khỏe” mà chủ yếu là sự ứng phó thụ động tình huống suy thoái xảy ra, chứ chưa vận hành lành mạnh theo một lộ trình với những biện pháp chủ động, đồng bộ. Cơ cấu xuất nhập khẩu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu. Nợ xấu mới chỉ “nhốt” lại, “xích” lại và hầu như vẫn còn nguyên, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

“Cần tập trung cho công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu thay vì hướng sự quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng “thuần túy”. Đồng thời, tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu theo nguyên lý thị trường, “tiền tươi, thóc thật”, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản để tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu”, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề xuất.

Chính sách điều hành không được “giật cục”

Nhiều ĐB cho rằng, môi trường kinh tế trong nước đang có vấn đề lớn, việc phá sản, dừng hoạt động của doanh nghiệp (DN) nội địa tiếp tục gia tăng. ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) phân tích, điều này, một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, là do các chính sách điều hành kinh tế còn dật cục, thiếu tính ổn định, làm cho nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, lo lắng.

“Thời gian gần đây mặt bằng chung của lãi suất đã giảm xuống mức thấp. Trên thực tế nhiều khoản vay từ những đợt tăng nóng lãi suất cao đã làm DN có phục hồi nhưng rất chậm”, ĐB Sơn cho biết và đề nghị, cần có giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh;tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm từ 2% - 2,5% nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho ND. Nhất là, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Theo ông Quý hiện đang còn tình trạng "ngân hàng thừa tiền, DN thiếu vốn", nhưng không vay được vốn vì hết thời hạn thế chấp. Trong khi, các ngân hàng ngại cho vay vì các quy định còn chưa rõ ràng, cụ thể. Cho nên, cần rà soát, tháo gỡ “nút thắt” tín dụng trong cho vay tín chấp.

Còn ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh, việc coi năm 2015 là năm doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn, là một sáng kiến quan trọng. Nhưng phải được tiếp cận theo cả hai hướng là nền tảng cấu trúc, xây dựng công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao và nền tảng thể chế, cải cách Nhà nước để Nhà nước phục vụ DN. Cả hai hướng này cần được tổ chức thành các chương trình hành động quốc gia cụ thể và khả thi.

“Làm như nói thì dân mới tin”

Nhấn mạnh nhiều chủ trương của Chính phủ hợp lòng dân nhưng triển khai chậm, khiến người dân thiếu tin tưởng,  ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) dẫn chứng, gói tín dụng 30 nghì tỷ hỗ trợ mua nhà cho người thu nhập thấp được người dân rất mong chờ, nhưng đến nay mới giải ngân được trên 20%. Hay như gói hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng được ngư dân chờ đợi mà chỉ có vài trường hợp giải ngân xong ở Bến Tre, Huế, Ninh Thuận...

“Chúng ta thường nghe Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của người dân, vậy Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân. Cử tri cho rằng, Quốc hội, Chính phủ thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết rất trúng nhưng quá trình thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm. Cử tri đề nghị nói phải đi đôi với làm, phải làm như nói thì dân mới tin”, ĐB Nguyễn Thái Học chốt lại vấn đề.

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), tái cơ cấu mấy năm qua vẫn còn mợ nhạt, các mặt hàng nông sản cạnh tranh chủ yếu bằng giá thấp, bộ chi ngân sách kéo dài tạo sức ép lớn… nên cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình cải cách đất nước. "Nguồn thu ngân sách có bảo đảm để trả nợ hay không, khi các nguồn lực trong nước đang bị dồn ép. Vấn đề Biển Đông đang hết sức phức tạp, Nếu không giải quyết được vấn đề này thì nội lực đất nước không được giải quyết một cách căn cơ", ông Đồng phân tích.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh):

Cần phản ứng mạnh mẽ hơn trước hành động của Trung Quốc

Quan ngại nhất là thời gian gần đây Trung Quốc đã cho cải tạo các bãi đá ngầm như Gạc Ma, Ga ven... thuộc quần đảo Trường Sa của nước ta, thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc phải có lòng tự trọng của một chính quyền nước lớn, phải biết xấu hổ khi đi xâm phạm chủ quyền của nước khác. Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, cố tình đặt các nước vào sự đã rồi để thực hiện âm mưu xâm chiếm Biển Đông.

Trước tình cảnh đó, cử tri và người dân cả nước mong muốn Đảng, Chính phủ phải có những quyết sách đúng đắn hơn, phù hợp hơn, cần có những hành động phản ứng mạnh mẽ hơn nữa như những phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du qua 3 châu lục với 4 quốc gia: Kazakhstan, Bulgaria, Bồ Đào Nha và Algeria vừa qua. Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tổ chức các hội thảo ở nước ngoài tích cực tuyên truyền về quyền chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông… Tôi tin rằng, cả thế giới sẽ không đứng ngoài cuộc trước một Trung Quốc chỉ biết lợi cho mình mà không tôn trọng quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia khác trong khu vực, trên thế giới.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm